Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư ruột già là gì? Những điều cần biết về ung thư ruột già
Ung thư ruột già, hay còn gọi là ung thư đại tràng, là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê năm 2012 của Globocan, ung thư ruột già đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 4 về tỷ lệ tử vong do ung thư. Ở Mỹ, bệnh này đứng hàng thứ tư về tỷ lệ mắc và thứ hai về tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam, ung thư ruột già nằm trong số 10 bệnh ung thư thường gặp và có xu hướng gia tăng, với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 101/100.000 dân, đứng hàng thứ sáu trong các bệnh ung thư của cả hai giới.
Tổng quan chung
Ung thư ruột già hay còn gọi là ung thư đại tràng, ung thư đại trực tràng. Ung thư xảy ra khi một tế bào nào đó trong cơ thể của chúng ta bỗng dưng trở nên hoang dại, sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng vượt khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của các nhiễm sắc thể. (Nhiễm sắc thể với tên khoa học là ADN nằm trong nhân của tế bào chứa đựng những đặc tính di truyền của mỗi một cá nhân).
Vì thế, tế bào ung thư sẽ tăng trưởng từ 1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16 v.v… một cách rất nhanh và vô trật tự. Nếu đó là tế bào da, ta bị ung thư da; nếu đó là tế bào ruột ta bị ung thư ruột.
Triệu chứng
Tùy vào kích thước, vị trí và giai đoạn khối u mà dấu hiệu nhận biết ung thư ruột già có thể khác nhau. Ung thư ruột già giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác.
Một số triệu chứng ung thư ruột già thường gặp là:
Nguyên nhân
Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên cùng tuổi tác. Một số yếu tố nguy cơ khác của ung thư đại trực tràng là:
- Tổn thương tiền ung thư: viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại tràng (đặc biệt là polyp biểu mô tuyến dạng ống và nhung mao).
- Hội chứng di truyền: hội chứng Lynch, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.
- Tiền sử gia đình có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
- Chế độ ăn: nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi.
- Sử dụng thực phẩm chứa benzopyren, nitrosamin…
- Lối sống tĩnh tại.
- Lạm dụng thuốc lá và rượu bia.
- Béo phì.
Có yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng không khẳng định một người chắc chắn sẽ bị ung thư đại trực tràng. Ngược lại, một số người có thể bị ung thư đại trực tràng mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố có thể góp phần vào sự hình thành của khối u đại tràng và ung thư đại tràng như sau:
- Tuổi: Phần lớn những người bị ung thư đại tràng là 50 tuổi trở lên. Nguy cơ ngày càng trẻ hóa, thường bắt đầu ở tuổi 40.
- Viêm đường ruột. Bệnh viêm đại tràng mạn, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, có thể làm tăng nguy cơ.
- Tiền sử gia đình. Có nhiều khả năng phát triển khối u hay ung thư đại tràng nếu có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con mắc căn bệnh này. Nếu nhiều thành viên gia đình bị bệnh, nguy cơ của bạn sẽ cao hơn.
- Hút thuốc lá và uống rượu
- Lối sống ít vận động. Nếu không hoạt động, bạn có nhiều khả năng phát triển ung thư đại tràng. Điều này có thể vì khi không hoạt động, thời gian chất thải ở lại trong ruột già dài hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư đại tràng.
- Chủng tộc. Người da đen hoặc người Do Thái có nguy cơ cao phát triển ung thư đại tràng.
- Thừa kế gen đột biến. Một yếu tố nguy cơ của u đại tràng là đột biến di truyền. Một tỷ lệ nhỏ các bệnh ung thư đại tràng là kết quả của đột biến gen. Một số bệnh ung thư nhiễm sắc thể thường chi phối, có nghĩa là phải kế thừa một gen khiếm khuyết từ cha hoặc mẹ. Nếu cha hoặc mẹ có gen đột biến, bạn có 50% kế thừa gen đột biến này. Mặc dù kế thừa một gen khiếm khuyết làm tăng nguy cơ rất nhiều, không phải tất cả mọi người mang gen đột biến đều phát triển bệnh ung thư.
- Polyp u tuyến mang tính gia đình (FAP)
- Đa polyp
Chẩn đoán
Lâm sàng
Triệu chứng cơ năng
- Rối loạn lưu thông ruột, táo bón hoặc ỉa chảy.
- Đi ngoài ra nhầy máu là triệu chứng hay gặp nhất.
- Đau bụng: u đại tràng phải đau kiểu Koenig, u đại tràng trái đau kiểu tắc ruột, u đại tràng sigma đau hạ vị kèm đi ngoài nhiều lần.
- Biến chứng của u như bán tắc, tắc ruột, thủng u gây viêm phúc mạc.
- Một số triệu chứng do di căn xa: tự sờ thấy hạch thượng đòn, chướng bụng.
Triệu chứng thực thể:
- Khám bụng: có thể sờ thấy u qua thành bụng hoặc qua thăm khám trực tràng nếu u ở trực tràng, ống hậu môn. Bệnh nhân có thể tự sờ thấy u.
- Thăm trực tràng: có thể phát hiện khối u ở trực tràng thấp và trực tràng giữa.
- Khám toàn thân để phát hiện di căn gan, hạch ngoại vi, dịch cổ trướng, di căn buồng trứng ở phụ nữ, giúp đánh giá mức độ tiến triển bệnh.
Triệu chứng toàn thân:
- Hạch thượng đòn (thường gặp bên trái)
- Thiếu máu
- Gầy sút: người bệnh có thể gầy sút 5-10kg trong vòng 2-4 tháng.
- Suy nhược: bệnh tiến triển lâu làm suy mòn.
Cận lâm sàng
Nội soi: Soi đại trực tràng ống mềm là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, cho biết vị trí, đặc điểm khối u và bẩm sinh thiết.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang chụp bụng không chuẩn bị: được chỉ định trong cấp cứu hoặc khi có biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột.
- Chụp cắt lớp vi tính: đánh giá tổn thương u đại trực tràng và di căn xa. Vai trò tương tự như siêu âm nhưng độ nhạy cao hơn.
- Chụp cộng hưởng từ: có thể áp dụng trong chẩn đoán di căn gan và đánh giá tổn thương tại chỗ.
- Siêu âm: được sử dụng đánh giá tổn thương tại gan và toàn bộ ổ bụng, tuy nhiên độ nhạy không bằng chụp cắt lớp vi tính. Siêu âm qua nội trực tràng: là một phương pháp có giá trị để đánh giá mức xâm lấn ung thư trực tràng và di căn hạch mạc treo trực tràng.
Trong cận lâm sàng, để chẩn đoán ung thư ruột già còn có các phương pháp chẩn đoán sau: Y học hạt nhân, Xét nghiệm sinh hóa – huyết học, Mô bệnh học, Phân tích gene
Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng.
- Tổn thương phát hiện qua nội soi.
- Hình ảnh học (siêu âm, CT, MRI, SPECT, PET/CT để đánh giá giai đoạn).
- Mô bệnh học: là phương pháp quyết định nhất để khẳng định bệnh ung thư.
Chẩn đoán phân biệt
- Bệnh Crohn
- Viêm loét đại trực tràng
- Lao manh tràng
- U lympho biểu hiện ở đại trực tràng
- GIST đại trực tràng
- Một số ung thư khác xâm lấn đại trực tràng
- Các khối u lành của đại trực tràng
- Ung thư ống hậu môn
Chẩn đoán giai đoạn
Đánh giá giai đoạn theo hệ thống TNM (Union for International Cancer Control UICC/AJCC năm 2010)
Phòng ngừa bệnh
Đa phần khi bệnh đi đến giai đoạn cuối cùng thường di căn đến gan vì vậy bạn cần quan tâm đến chế độ ăn uống cùng sinh hoạt hằng ngày của mình hơn để phòng tránh ung thư ruột già.
- Khám định kỳ, nội soi ruột già
- Chế độ ăn uống lành mạnh
- Thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn
- Không hút thuốc, uống rượu
Điều trị như thế nào
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng. Tùy vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ áp dụng một vài hoặc nhiều phương pháp điều trị cùng lúc. Điều trị ung thư giai đoạn sớm lúc nào cũng đơn giản và hiệu quả hơn so với điều trị khi ung thư đã di căn.
- Phẫu thuật:
- Phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất để điều trị ung thư đại trực tràng. Tùy theo từng giai đoạn để quyết định phương pháp và phạm vi phẫu thuật.
- Phẫu thuật có thể kết hợp cùng các phương pháp bổ trợ khác, thường là hóa trị, xạ trị để nâng cao hiệu quả loại bỏ tế bào ung thư, hạn chế nguy cơ ung thư tái phát.
- Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc cả hai. Cách thực hiện và mục đích hóa trị sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn ung thư.
- Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển. Có hai loại xạ trị là xạ trị bên ngoài và xạ trị bên trong. Xạ trị có thể thực hiện trước và sau phẫu thuật, hoặc sử dụng như một liệu pháp giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Điều trị đích: Liệu pháp điều trị đích sử dụng các loại thuốc như bevacizumab, cetuximab, panitumumab để tấn công, ngăn chặn sự phát triển hoặc lây lan của tế bào ung thư. Điều trị đích thường kết hợp cùng hóa trị để điều trị cho ung thư đại trực tràng giai đoạn tái phát, di căn.
- Điều trị miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của chính người bị ung thư để làm khối u thu nhỏ hoặc phát triển chậm lại. Phương pháp này thường được sử dụng ở bệnh nhân bị ung thư đại tràng di căn mà hóa trị không hiệu quả.
Sau khi điều trị, cần tiếp tục tái khám và thực hiện một số xét nghiệm định kỳ để theo dõi, kịp thời phát hiện nếu ung thư tái phát.
Kết luận
Ung thư ruột già là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng. Hãy chăm sóc sức khỏe của bạn và gia đình bằng cách tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa và điều trị từ các chuyên gia y tế. Chúng ta có thể chiến thắng căn bệnh này nếu cùng nhau nỗ lực và hành động kịp thời.