Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh béo phì là gì? Những điều cần biết về bệnh
Béo phì là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện nay, một phần do thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Béo phì không đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà là một tình trạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như: tim mạch, tiểu đường, huyết áp, ung thư,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh béo phì.
Tổng quan chung
Béo phì là tình trạng thừa cân do tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức, gây nguy cơ cho sức khỏe. Đối với người châu Á, chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 23 được coi là thừa cân và trên 25 là béo phì. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 4 triệu người chết mỗi năm có liên quan đến thừa cân hoặc béo phì. Bệnh này ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến hơn một tỷ người trên toàn thế giới, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên.
Biểu hiện béo phì
Người bệnh nên lưu ý một số dấu hiệu béo phì dễ nhận biết bao gồm:
- Thay đổi cân nặng trong thời gian ngắn: Thay đổi cân nặng bất thường có thể liên quan đến bệnh béo phì. Cần kiểm soát cân nặng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục.
- Đau lưng: Trọng lượng quá nhiều ở giữa cơ thể làm thay đổi tư thế, gây áp lực lên các đĩa đệm và dây thần kinh ở lưng.
- Tâm lý tiêu cực: Người bệnh béo phì thường tự ti về ngoại hình, ngại giao tiếp, dễ dẫn đến trầm cảm.
- Khó thở: Trọng lượng cơ thể lớn và mỡ thừa ở cổ ngực khiến hơi thở ngắn, yếu.
- Ợ nóng: Áp lực từ trọng lượng dư thừa lên ổ bụng khiến axit dạ dày chảy ngược lại.
- Ngáy ngủ: Chất béo tích tụ ở cổ chặn hoặc nén đường hô hấp trên, gây áp lực lên phổi.
- Thay đổi về da: Da căng ra, xuất hiện các vết rạn, vùng da ở cổ hoặc phần gập của cơ thể sạm hơn.
- Suy tĩnh mạch: Mạch máu giãn nở bất thường, thành mạch suy yếu.
- Kinh nguyệt không đều: Thay đổi nội tiết tố dẫn đến mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều.
- Huyết áp cao: Mỡ nội tạng cao gây áp lực lên các cơ quan vùng bụng, dẫn đến huyết áp cao.
Nguyên nhân béo phì
Dưới đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến béo phì:
Ăn nhiều
Ăn nhiều calo hơn mức mà cơ thể sử dụng hàng ngày trong một thời gian dài có thể dẫn đến béo phì. Béo phì liên quan đến ăn nhiều có thể là do:
- Thức ăn nhanh.
- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa.
- Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate (đặc biệt là đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, bia rượu…).
- Do thói quen ăn uống của gia đình.
- Ăn nhiều do bệnh lý tâm thần (rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống vô độ…)
Đối tượng nguy cơ
Những dấu hiệu béo phì thường dễ được nhận biết, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng dễ mắc bệnh. Người có nguy cơ mắc bệnh béo phì bao gồm:
- Người thường xuyên ăn nhiều thức ăn giàu calo như đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, nước ngọt, rượu bia, nội tạng động vật, da động vật…
- Người có lối sống ít vận động, nhân viên văn phòng, tần suất hoạt động thể lực thấp.
- Phụ nữ sau sinh, đặc biệt là trường hợp không nuôi con bằng sữa mẹ.
- Người sống tại các đô thị lớn có nhiều tiện nghi, tuy cuộc sống hiện đại dễ chịu hơn nhưng chính là nguyên do giảm bớt các hoạt động thể lực.
- Trẻ sinh ra trong gia đình có người béo phì. Nếu cha mẹ có cân nặng bình thường thì trẻ chỉ nằm dưới 10% nguy cơ béo phì. Thế nhưng, nếu bé có cha hoặc mẹ béo phì thì nguy cơ này tăng lên tới 40%. Hơn nữa, nếu cả cha lẫn mẹ đều béo phì, bé sẽ có nguy cơ bị béo phì tới 80%.
- Nhóm người mắc bệnh về rối loạn nội tiết.
Chẩn đoán béo phì
Tính chỉ số khối cơ thể BMI là cách chẩn đoán béo phì được quốc tế công nhận. Ngoài ra, có thể chẩn đoán béo phì dựa vào công thức Lorenz:
- Công thức: (Trọng lượng thực / trọng lượng lý tưởng) x 100%.
- Kết quả: > 120-130% là tăng cân, > 130% là béo phì.
Một số xét nghiệm khác được sử dụng trong chẩn đoán béo phì là:
- Đo độ dày nếp gấp da.
- Đo chỉ số cánh tay đùi.
- Đo chỉ số vòng bụng mông.
- Cận lâm sàng: siêu âm, CT.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì như:
- Tầm soát rối loạn lipid máu: Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, Triglyceride.
- Tầm soát bệnh đái tháo đường.
- Kiểm tra chức năng gan.
- Xét nghiệm tuyến giáp.
- Đánh giá sức khỏe tim, ví dụ như điện tâm đồ.
Phòng ngừa bệnh béo phì
Một số cách ngăn ngừa bệnh béo phì bao gồm:
- Chế độ ăn uống khoa học: nhiều rau, củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, sản phẩm từ sữa ít béo, sử dụng chất béo không bão hòa; hạn chế thực phẩm và đồ uống thêm đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối.
- Tăng cường tập luyện, vận động: Trẻ em nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày với cường độ từ vừa phải đến mạnh. Người lớn nên tập luyện ít nhất 150 phút mỗi ngày, mỗi ngày ít nhất 30 phút.
- Ngủ đủ giấc tùy theo độ tuổi: Trẻ sơ sinh ngủ từ 14-17 tiếng mỗi ngày. Thanh thiếu niên cần ngủ 8-10 tiếng mỗi ngày và người lớn cần ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.
- Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, lo âu trong cuộc sống.
- Tính chỉ số BMI định kỳ và kiểm soát. BMI là công cụ sàng lọc béo phì, nhưng không cho biết tình trạng sức khỏe và nguy cơ bệnh lý. Vì vậy, ngay khi phát hiện béo phì cần đi khám để được kiểm tra huyết áp, lipid máu, glucose máu, acid uric… để phát hiện sớm biến chứng béo phì.
Điều trị béo phì
Ở những bệnh nhân chưa có biến chứng do béo phì thì giảm ăn kết hợp tập luyện là chỉ định đầu tiên để điều trị. Nếu giảm ăn và tập luyện không đạt được hiệu quả mong muốn thì cần chỉ định thuốc và can thiệp khác.
Giảm ăn
Nguyên tắc giảm ăn là lượng calo hấp thụ cần ít hơn nhu cầu sử dụng, để cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ, từ đó đạt được mục đích giảm cân.
- Hạn chế năng lượng khoảng 20-25kcal/kg/ngày. Mức độ này sẽ còn phụ thuộc và tuổi tác, mức độ tập luyện và mục tiêu giảm cân.
- Cân bằng khẩu phần carbohydrate, lipid và protein
- Hạn chế đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và yếu tố vi lượng từ trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa.
Người bị béo phì nên giảm ăn theo cách giảm carbohydrate, nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Không nên nhịn ăn để giảm cân vì có thể gây tổn thương các cơ quan. Để có kế hoạch ăn uống giảm cân tốt hơn, bạn nên liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng.
Tăng cường tập luyện
Hoạt động thể chất nhằm mục đích tăng sử dụng năng lượng dự trữ ở mô mỡ, từ đó giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng. Ngoài ra, vận động sẽ giúp giảm lipid máu và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp.
Thời gian tập luyện phù hợp là khoảng 60-75 phút mỗi ngày. Loại vận động và cường độ vận động sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân.
Một yếu tố rất quan trọng là người bệnh cần hiểu được béo phì là một bệnh lý chứ không phải là chuyện bình thường, từ đó có thái độ tích cực trong điều trị, tuân thủ chế độ ăn và rèn luyện để giảm cân.
Sử dụng thuốc
Thuốc chỉ để hỗ trợ cho biện pháp giảm ăn và tăng cường tập luyện. Thực tế, phần lớn các trường hợp béo phì không nên điều trị bằng thuốc vì có nhiều tác dụng phụ. Điều trị bằng thuốc cần theo một liệu trình lâu dài và không phải ai cũng đạt được hiệu quả khi dùng thuốc. Vì vậy, thay đổi thói quen ăn uống và vận động vẫn là biện pháp giảm cân hiệu quả nhất.
Can thiệp khác
Béo phì có thể gây hạn chế sinh hoạt ở người quá béo phì, lúc này có thể cần áp dụng một số biện pháp điều trị đặc biệt như:
- Đặt bóng vào dạ dày.
- Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày.
- Khâu nhỏ dạ dày.
- Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về bệnh béo phì. Hãy duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa béo phì và bảo vệ sức khỏe.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.