Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh tiểu đường tuýp 2: Nguyên nhân, biến chứng và phòng bệnh
Tổng quan chung
Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin mà nó sản xuất. Insulin là một loại hormone điều hòa lượng đường trong máu. Tăng đường huyết nếu không được kiểm soát, theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
Bệnh tiểu đường tuýp 2, hay còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, cơ thể người mắc bệnh vẫn có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin không thể chuyển hóa được lượng đường trong máu, do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng kháng insulin. Hầu hết những người bị đái tháo đường thuộc tuýp 2, chiếm khoảng 90% đến 95% tổng số.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra từ từ. Giai đoạn đầu bệnh rất khó phát hiện, có thể phải mất nhiều năm mới phát hiện được bệnh.
Khi giai đoạn đường máu tăng cao, có thể xuất hiện một số triệu chứng bao gồm:
- Thường xuyên khát nước
- Đi tiểu nhiều
- Tăng cơn đói, ăn nhiều
- Sút cân
- Thị lực kém, mắt mờ
- Mệt mỏi
- Đau, ngứa ran hoặc tê ở bàn chân, bàn tay
- Các triệu chứng khác: nhiễm trùng thường xuyên, vết thương lành rất chậm và xuất hiện các vùng da sẫm màu thường ở nách và cổ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm:
- Các tế bào trong cơ, mỡ và gan trở nên đề kháng với insulin. Khi cơ thể trở nên đề kháng insulin, các tế bào không đáp ứng đúng mức đối với hormone này. Kết quả là, dù insulin có mặt, các tế bào không hấp thụ đủ lượng đường từ máu, dẫn đến sự tích tụ của glucose trong máu cao.
- Tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường trong máu ở mức ổn định. Trong bệnh tiểu đường type 2, đến một thời điểm khi tuyến tụy không thể sản xuất số lượng insulin đều đặn được nữa thì glucose không được tạo thành năng lượng sẽ tích tụ trong máu và gây bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Có nhiều đối tượng nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh, cụ thể ở những nhóm đối tượng sau:
- Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
- Ít hoạt động thể chất.
- Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ.
- Tuổi tác cao thường trên 40 tuổi.
- Tăng huyết áp
- Thừa cân, béo phì
- Rối loạn lipid máu
- Mắc bệnh gai đen
Chẩn đoán
Chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 dựa vào xét nghiệm glucose trong máu.
Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi thực hiện 1 trong 4 xét nghiệm dưới đây cho thấy tăng glucose máu:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhưng không quá 14 giờ), kết quả glucose huyết tương ≥ 7mmol/L (126mg/dL).
- Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Thực hiện khi bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng kinh điển của đái tháo đường (đái nhiều, uống nhiều, sút cân), kết quả glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sau 2g: Bệnh nhân uống nhanh 75g glucose trong 5p, kết quả glucose huyết tương sau 2g ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
- Xét nghiệm HbA1c ≥ 6,5%.
Phòng ngừa bệnh
Đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng các cách sau:
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
- Hạn chế đường bổ sung, đặc biệt là đường trắng, trà sữa, nước ngọt…
- Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tăng cường chất xơ, rau củ, trái cây, các loại đậu, hạt nguyên chất, thịt nạc, cá…
- Kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa.
Điều trị Tiểu đường tuýp 2
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 là một tình trạng bệnh phổ biến và để lại nhiều biến chứng, nhưng với các biện pháp đúng đắn, bệnh có thể được kiểm soát và quản lý hiệu quả. Dưới đây là một số cách điều trị đái tháo đường mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày:
Thay đổi lối sống lành mạnh
- Ăn uống cân đối: Giảm đường và chất béo, tăng cường rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân nếu cần thiết để kiểm soát đường huyết.
- Vận động thể chất: Như đi bộ, đạp xe, bơi lội và yoga.
Quản lý y tế
- Tuân thủ toa thuốc: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi đường huyết thường xuyên.