Đái tháo đường tuýp 2 ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) được xếp vào top những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh đái tháo đường, cụ thể là đái tháo đường type 2 phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ. Khi bệnh có biểu hiện ra ngoài là đã đến giai đoạn nặng và một số người bệnh có thể bắt đầu xuất hiện biến chứng.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo đường tuýp 2) là bệnh nội tiết thường gặp. Do cơ thể không thể sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả như người bình thường.
Người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên nhiều người còn được gọi đây là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn hay bệnh tiểu đường của người lớn tuổi. Bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh, chủ yếu do thừa cân béo phì, lười tập thể dục…
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào?
Khoảng 90-95% bệnh nhân đái tháo đường thuộc tuýp 2. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường diễn tiến âm thầm, phát triển chậm trong nhiều năm mà không gây bất kỳ triệu chứng gì.
Các triệu chứng tiểu đường tuýp 2 khi lượng đường trong máu cao:
– Khát nhiều và đi tiểu nhiều
– Thường xuyên thấy đói
– Cảm thấy mệt mỏi
– Sút cân mặc dù tăng cảm giác thèm ăn
– Mờ mắt
– Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân, bàn tay
– Vết thương lâu lành
Bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm như:
- Các bệnh lý tim mạch: đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân đái tháo đường. Lượng đường trong máu tăng cao dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Các bệnh lý liên quan đến thận: ảnh hưởng đến hoạt động của thận hoặc gây suy thận với những triệu chứng ban đầu như phù cẳng tay, cẳng chân hay phù mắt cá chân.
- Biến chứng thần kinh ngoại vi: Khi huyết áp và lượng glucose máu quá cao sẽ gây tổn thương đến thần kinh khắp cơ thể. Người bệnh có thể phải đối mặt với những bệnh lý thần kinh ngoại biên khiến bàn chân có cảm giác ngứa, đau, thậm chí mất cảm giác.
- Biến chứng về mắt: Thị lực suy giảm và có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng trong thai kỳ: với những trường hợp phụ nữ đang mang thai mà có đường huyết cao có thể dẫn đến tình trạng quá cân ở thai nhi, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai biến khi sinh nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Cách điều trị và phòng ngừa
Có thể Phòng ngừa bệnh Tiểu đường tuýp 2 bằng cách:
- Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo, mỡ động vật. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả
- Tập thể dục đều đặn: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Tập thể dục làm tăng nhạy cảm của tế bào với insulin
- Giảm cân: làm giảm sự đề kháng insulin
- Kiểm soát huyết áp
- Điều trị các rối loạn chuyển hóa khác: rối loạn lipid máu
Các biện pháp điều trị bệnh Tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 có chữa được không?
Hiện nay chưa thể chữa khỏi được tiểu đường. Điều cần làm là kiểm soát tốt đường máu và điều trị các bệnh lý kèm theo,
- Kiểm soát đường huyết: có thể dùng thuốc viên hoặc tiêm insulin tùy mức độ đường huyết và giai đoạn bệnh. Các thuốc viên có nhiều loại: metformin, gliclazid, sitagliptin,.. Hiện nay có nhiều loại thuốc mới đem lại hiệu quả tốt: empagliflozin, dapagliflozin… Khi cần dùng insulin thì phải dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết. Các loại insulin gồm có: insulin thường (tác dụng rất nhanh và nhanh, insulin Lispro, Actrapid..), insulin bán chậm (NPH, Lente..), insulin chậm (ultralente..), insulin hỗn hợp (Mixtard..), insulin nền (Lantus)
- Điều trị tăng huyết áp: dùng các thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đặc biệt khi có protein niệu (captopril, irbesartan, losartan..)
- Điều trị rối loạn lipid máu: liệu pháp statin. Các thuốc thường dùng: rosuvastatin, atorvastatin..
Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì việc tái khám định kỳ để chắc chắn rằng bản thân đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.