Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tiểu đường tuýp 1: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Tiểu đường tuýp 1, hay còn gọi là đái tháo đường type 1, là một bệnh tự miễn dịch trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, nơi sản xuất insulin. Đây là một căn bệnh mạn tính thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi, yêu cầu phải điều trị suốt đời bằng insulin. Hiểu rõ về tiểu đường tuýp 1 là điều cần thiết để quản lý và điều trị hiệu quả, từ đó giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và các biện pháp quản lý bệnh tiểu đường tuýp 1, giúp bạn có cái nhìn toàn diện và chính xác về căn bệnh này.
Tổng quan
Tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai. Bình thường cơ thể lấy năng lượng từ các thành phần glucose, lipid, protein. Trong đó glucose cung cấp nguồn năng lượng chính cho các tế bào, cho não, cơ…hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được glucose thì cần phải có insulin. Insulin là một hormone do tuyến tụy nội tiết sản xuất ra. Insulin giúp cho đường (glucose) từ máu di chuyển vào tế bào, từ đó chuyển hóa và tạo ra năng lượng
Tiểu đường gồm hai thể chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường tuýp 1 (trước đây còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin) là bệnh mà có sự phá hủy tế bào beta của đảo tụy (tế bào tiết insulin), gây ra sự thiếu hụt insulin và phải sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 chiếm 10% trong tổng số người mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1 do tế bào beta ở tuyến tụy bị phá hủy khiến cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin. Điều này dẫn đến việc lượng đường trong máu người bệnh không hóa thành năng lượng.
Trong nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn (còn được gọi là tuýp 1A) và 5% không rõ nguyên nhân (gọi là tuýp 1B). Ở tuýp 1A do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy. Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.
Triệu chứng của bệnh Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát nhanh, rầm rộ. Triệu chứng tiểu đường tuýp 1 bao gồm:
- Những triệu chứng kinh điển của tiểu đường: Đủ cả 4 triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều (hay khát nước), tiểu nhiều (do đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu), gầy nhiều (gầy sút cân).
- Triệu chứng khi có biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton: yếu, mệt mỏi, khát nước, khô da, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp (dấu hiệu mất nước), rối loạn ý thức (lơ mơ, ngủ gà, hôn mê), buồn nôn, thở nhanh, hơi thở mùi táo thối. Biến chứng này cần phải điều trị cấp cứu.
Biến chứng mạn tính:
- Nhìn mờ (do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể)
- Đau ngực thường không điển hình (do biến chứng mạch vành)
- Tê bì dị cảm ở bàn chân (biến chứng thần kinh)
- Loét, nhiễm trùng bàn chân
- Đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó (biến chứng thần kinh tự động gây liệt dạ dày, thực quản)
Các biến chứng cần được điều trị cấp cứu sớm để tránh biến chứng càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân.
Đối tượng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1
- Tiền sử gia đình: gia đình có bố hoặc mẹ mắc tiểu đường tuýp 1 thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Các yếu tố môi trường: phơi nhiễm với virus như Coxsackie, Rubella có thể khởi phát tình trạng phá hủy tế bào beta đảo tụy.
- Địa lý: người ta nhận thấy ở một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển có tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 cao hơn.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1
Mặc dù gọi là tiểu đường, thế nhưng để chẩn đoán bệnh này cần dựa vào xét nghiệm glucose trong máu. Một người được chẩn đoán là tiểu đường khi thực hiện 1 trong 4 xét nghiệm dưới đây cho thấy tăng glucose máu:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhưng không quá 14 giờ), kết quả glucose huyết tương ≥ 7mmol/L (126mg/dL).
- Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Thực hiện khi bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng kinh điển của tiểu đường (gồm đủ cả 4 triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều – sụt cân nhanh), kết quả glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sau 2 giờ: Bệnh nhân uống nhanh 75g glucose pha trong 250 – 300ml nước trong 5 phút, kết quả glucose huyết tương sau 2 giờ ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
- Xét nghiệm HbA1c ≥ 6,5%.
Tuy nhiên, để chẩn đoán phân loại được tiểu đường loại 1 hay loại 2 thì cần dựa vào các xét nghiệm khác:
- Định lượng nồng độ insulin
- Định lượng peptid C
- Nghiệm pháp glucagon
Phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 1 như thế nào?
Khác với tiểu đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, tiểu đường tuýp 1 gần như không thể ngăn ngừa được. Hiện nay, người ta đang nghiên cứu một số loại thuốc có thể trì hoãn tiểu đường tuýp 1 khởi phát ở những trẻ em có nguy cơ cao. Cũng chưa có khuyến cáo sàng lọc tiểu đường tuýp 1 rộng rãi.
Đối với bệnh tiểu đường tuýp 1, quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng, đặc biệt là trẻ em. Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị tiểu đường tuýp 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ tiểu đường tuýp 1.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 như thế nào?
- Chế độ ăn:
- Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 thường gầy, cần có chế độ ăn nhiều calo để cung cấp năng lượng. Ăn đủ các nhóm chất glucid (chất bột đường: cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai…), lipid (chất béo: dầu thực vật) và protein (chất đạm: thịt, cá, đậu phụ…), chất xơ (rau các loại nên dùng trước các bữa ăn).
- Cần tránh đường đơn từ bánh kẹo, mật, chocolate, sữa chua,… vì hấp thụ nhanh sẽ làm tăng tiết insulin sớm. Đường trong trái cây cũng hấp thụ nhanh, chỉ nên dùng cuối bữa ăn.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ giúp cải thiện tác dụng insulin, giảm glucose trong máu, cải thiện các rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tâm lý.
- Sử dụng insulin ngoại sinh: tiểu đường tuýp 1 cần điều trị insulin thường xuyên, kết hợp với các thuốc điều trị tiểu đường để giúp cải thiện nhu cầu insulin sau ăn.
- Kiểm soát đường huyết: Bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Lượng đường trong máu càng gần mức an toàn càng tốt để giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Hiểu biết sâu sắc về tiểu đường tuýp 1 là nền tảng quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh hiệu quả. Nhận diện sớm các triệu chứng, tuân thủ liệu trình điều trị và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt mức đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng. Đồng thời, việc nắm rõ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cộng đồng nâng cao ý thức phòng ngừa và hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất. Hãy luôn tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và cập nhật thông tin mới nhất để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người mắc tiểu đường tuýp 1.