Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Những điều cần biết về thiểu năng tuần hoàn não
Thiểu năng tuần hoàn não là một trong những bệnh gặp rất nhiều trên lâm sàng, mặt khác phạm vi về bệnh lý này cũng vô cùng rộng lớn. Hãy cùng tìm hiểu về những điều cần biết về thiểu năng tuần hoàn não qua bài viết này.
Tổng quan chung
Não là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, mặc dù khối lượng chỉ bằng vài % trọng lượng cơ thể nhưng nhận được hơn 20% lượng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngưng tuần hoàn não khoảng 6-7 giây sẽ ngất, ngừng 5 phút các tế bào não sẽ chết.
Thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu não nhất thời thường xảy ra khi lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng tới nuôi dưỡng các tế bào máu là bị thiếu. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng của não bộ cũng như hệ thần kinh trung ương.
Bệnh thường xảy ra phổ biến với người trung niên, người cao tuổi, đặc biệt ở những người lao động trí óc. Tuy nhiên, hiện nay bệnh thiểu năng tuần hoàn não đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Triệu chứng
Bệnh thiểu năng tuần hoàn não thường đặc trưng với những dấu hiệu như sau:
- Đau đầu: là triệu chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất, chiếm tới 90%; cơn đau lan tỏa và thường co thắt ở vùng chẩm – gáy – trán
- Chóng mặt: cảm giác loạng choạng, chếnh choáng như say sóng kèm theo hoa mắt xây xẩm khi thay đổi tư thế. Thiểu năng tuần hoàn não nặng thường khiến người bệnh thấy buồn nôn, sợ ánh sáng và tiếng ồn.
- Rối loạn giấc ngủ: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay gặp ác mộng
- Dị cảm: cảm giác mơ hồ, ảo giác, tê bì các đầu ngón tay chân, cảm giác như tiếng ve kêu ù ù trong tai cả ngày lẫn đêm
- Rối loạn chú ý: thường xuyên lơ đãng hoặc chỉ tập trung vào một chi tiết nào đó mà lãng quên thực tại
- Cảm xúc thất thường: dễ bị kích động, khó kiềm chế cảm xúc
- Suy giảm trí nhớ: có dấu hiệu suy giảm hay quên, khó khăn khi thực hiện các công việc theo trình tự
Một số người thiểu năng tuần hoàn não còn bị suy giảm thính lực, ù tai, hội chứng tiền đình,… Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ thiểu năng tuần hoàn não, bạn nên thăm khám sớm để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu năng tuần hoàn máu phổ biến nhất là:
- Ảnh hưởng của bệnh lý xơ vữa động mạch khiến các mao mạch dẫn máu bị hẹp lại và làm chậm, tắc quá trình lưu thông máu. Đây cũng là nguyên nhân chính gây bệnh, chiếm tới khoảng 60 – 80% ca bệnh.
- Mạch máu bị dị dạng hoặc viêm tắc động mạch.
- Ảnh hưởng từ các chấn thương như thoát vị đĩa đệm tại cột sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ,… khiến mạch máu bị chèn ép và hạn chế quá trình tuần hoàn máu lên não bộ.
- Các chèn ép từ bên trong não bộ như u não, u dây thần kinh số 8 hay các bệnh lý thần kinh khác.
- Người bệnh bị rối loạn về huyết áp.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù bệnh thiểu năng tuần hoàn não có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người thường xuyên căng thẳng: Căng thẳng, stress xảy ra phổ biến ở đối tượng lao động trí óc. Kéo dài tình trạng này có thể là điều kiện thuận lợi để các bệnh về thần kinh phát triển, trong đó có thiểu năng tuần hoàn máu não.
- Người có chế độ dinh dưỡng không khoa học: Một người duy trì chế độ dinh dưỡng không cân đối, dung nạp nhiều thức ăn chứa đường, dầu mỡ, chất bảo quản,… sẽ dễ bị thừa cân, béo phì. Hệ quả làm gia tăng nguy cơ bị thiểu năng tuần hoàn máu não do bệnh xơ vữa động mạch, tim mạch và huyết áp.
- Người mắc bệnh nền: Nguy cơ bị suy giảm tuần hoàn não sẽ gia tăng đáng kể ở người có sẵn các bệnh nền như rối loạn chuyển hóa lipid, tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, béo phì, rung nhĩ…
- Người ít vận động: Ít vận động có thể khiến cho hoạt động của hệ mạch máu bị trì trệ. Điều này sẽ gây suy giảm tuần hoàn máu lên não.
Chẩn đoán
Bên cạnh việc khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh và thói quen sinh hoạt, làm việc, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp chẩn đoán. Sau đây là phương pháp giúp đánh giá tình trạng máu chảy đến não; hiệu quả tưới máu ở não; tình trạng của mạch máu:
- Điện não đồ
- Lưu huyết não đồ
- Chụp gamma mạch não
- Đo phản ứng nhiệt qua da
- Chụp X-quang
- Xét nghiệm huyết học, sinh hóa.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn máu não, bạn cần:
- Nghỉ ngơi thư giãn mỗi 10 phút khi làm việc trí óc liên tục 2 tiếng
- Chơi thể thao, đi du lịch để giảm thiểu stress và tái tạo năng lượng sống, giúp tâm trạng luôn lạc quan, yêu đời
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm công nghệ hàng ngày như tivi, laptop, smartphone
- Tạo thói quen ăn uống khoa học, ăn nhiều rau củ, trái cây, chất xơ, hạn chế chất đạm, chất béo
- Thăm khám bác sĩ ngay khi gặp phải các triệu chứng bất thường kể trên và nghiêm túc, kiên trì điều trị dứt điểm khi phát hiện có tình trạng thiếu máu não.
Điều trị như thế nào?
Thiểu năng tuần hoàn não sẽ được điều trị bằng nội khoa kết hợp với chế độ ăn, luyện tập, giấc ngủ… hoặc điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa:
- Tùy vào cơ chế bệnh sinh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị bằng thuốc cho mỗi bệnh nhân khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ ví dụ như: Tăng huyết áp, kiểm soát đường huyết, mỡ máu, các bệnh lý tim mạch… Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được dùng thuốc để cải thiện các triệu chứng do thiểu năng tuần hoàn não gây ra.
- Thuốc giúp cải thiện tuần hoàn não với nhiều cơ chế tác động khác nhau như: Hỗ trợ làm giãn mạch máu não, tăng cường cung cấp oxy lên não, tăng lưu thông mạch máu não.
Điều trị ngoại khoa:
Phương pháp ngoại khoa được chỉ định với trường hợp có biểu hiện tai biến mạch máu não do:
- Xơ vữa động mạch cảnh trong: Trường hợp bị hẹp động mạch cảnh trong đáng kể, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bóc tách động mạch cảnh.
- Xơ vữa động mạch đốt sống thân nền: Trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não cấp xảy ra do tắc động mạch thân nền, có thể được chỉ định lấy huyết khối. Ở một số ít trường hợp, có thể cần chỉ định đặt stent để đảm bảo tưới máu cho não.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về thiểu năng tuần hoàn não. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.