Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Những điều cần biết về cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Thiếu máu não thoáng qua là tình trạng lưu lượng máu lên não giảm nên không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết cho một số vùng của não. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua trong bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient ischemic attack – TIA) là đợt cấp rối loạn chức năng thần kinh do thiếu máu não (TMN) cục bộ tạm thời, không kết hợp với nhồi máu não (NMN) lâu dài, lâm sàng không quá một giờ, đôi khi có thể kéo dài hơn.
Cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là một trong những cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra. Đặc biệt, đối với những người từng bị đột quỵ, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể là dấu hiệu cảnh báo tái đột quỵ trong tương lai gần. Thống kê về số trường hợp bị đột quỵ thiếu máu cục bộ hàng năm cho thấy, có khoảng 40% trường hợp đã từng bị thiếu máu não thoáng qua trước đó.
Triệu chứng
Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra đột ngột và hầu hết biến mất trong vòng một giờ, hiếm khi các triệu chứng kéo dài đến 24 giờ. Các triệu chứng giống với các dấu hiệu sớm trong một cơn đột quỵ:
- Yếu, tê hoặc liệt ở một bên cơ thể.
- Lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu người khác đang nói gì.
- Nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Chóng mặt.
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Mất thăng bằng hoặc mất sự phối hợp cơ thể
- Một người có thể bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhiều lần với các triệu chứng giống hoặc khác nhau.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua là do có cục máu đông hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Tuy nhiên cơ thể có khả năng tự làm tan cục máu đông, giúp lưu thông mạch máu não. Do đó, các triệu chứng thường chỉ thấy trong thời gian ngắn và không để lại di chứng.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị cơn thiếu máu não thoáng qua, tuy nhiên nguy cơ xảy ra cao hơn ở:
- Người trên 55 tuổi
- Mắc bệnh tăng huyết áp
- Người mỡ máu cao
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Bệnh lý liên quan đến tim mạch.
- Tình trạng thừa cân béo phì.
Theo JAMA 2002 mỗi năm có từ 200.000 – 500.000 trường hợp TIA tại Hoa Kỳ, số hiện mắc chiếm 2,3% (5 triệu), khoảng 1/15 người > 65 tuổi có tiền sử TIA. Tại Anh Quốc mỗi năm có 150.000 trường hợp TIA được chẩn đoán. Người da đen mới mắc bệnh chiếm 98 trường hợp/100.000 dân, cao hơn người da trắng 81 trường hợp/100.000 dân, nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới và gia tăng theo tuổi.
Một số yếu tố nguy cơ không thể can thiệp có thể làm tăng rủi ro xuất hiện tình trạng thiếu máu não thoáng qua. Chẳng hạn như:
- Gen di truyền: Người sinh ra trong gia đình có người bị chứng thiếu máu não, đột quỵ thường có nguy cơ cao mắc phải chứng thiếu máu não thoáng qua.
- Tuổi tác: Khi bước sang tuổi 50, tình trạng thiếu máu não có thể diễn ra thường xuyên hơn.
- Từng có tiền sử bị thiếu máu não thoáng qua: Người từng bị thiếu máu não thoáng qua là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng bệnh lý này.
- Bệnh lý hồng cầu hình liềm: Người bị bệnh này, lượng oxy trong máu có xu hướng thấp hơn bình thường, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
Những yếu tố trên có thể kiểm soát thông qua sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, can thiệp bằng cách dùng thuốc.
Chẩn đoán cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Bệnh nhân có triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua được đưa nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất, tại đây bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán xác định và loại trừ đột quỵ cấp. Cụ thể các xét nghiệm chẩn đoán cần được thực hiện để khảo sát yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ não
- Chụp cắt lớp vi tính não
- Xét nghiệm công thức máu
- Chụp số hóa hệ động mạch cảnh ngoài sọ
- Điện tim
- Xét nghiệm mỡ máu
- Siêu âm tim hệ động mạch cảnh,…
Tùy vào điều kiện trang thiết bị tại cơ sở y tế và tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cần thực hiện nhưng nên hoàn tất trong 24 – 48 giờ. Từ kết quả chẩn đoán, có thể đánh giá nguy cơ tái phát cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ não để can thiệp kịp thời.
Phòng ngừa bệnh
Biết được các yếu tố nguy cơ, sống lành mạnh và kiểm tra y tế thường xuyên là những điều tốt nhất có thể làm để ngăn ngừa TIA.
- Không hút thuốc: Ngừng hút thuốc làm giảm nguy cơ mắc TIA hoặc đột quỵ.
- Hạn chế cholesterol và chất béo: Cắt giảm cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Những thực phẩm này chứa các chất dinh dưỡng như kali, folate và chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ chống lại TIA hoặc đột quỵ.
- Hạn chế natri: Nếu bạn bị huyết áp cao, tránh ăn mặn và không thêm muối vào thức ăn có thể làm giảm huyết áp của bạn. Tránh muối có thể không ngăn ngừa tăng huyết áp, nhưng lượng natri dư thừa có thể làm tăng huyết áp ở những người nhạy cảm với natri.
- Luyện tập thể dục đều đặn: Nếu bạn bị huyết áp cao, tập thể dục thường xuyên là một trong số ít cách giúp bạn hạ huyết áp mà không cần dùng thuốc.
- Hạn chế uống rượu: Uống rượu điều độ, nếu có. Giới hạn được khuyến nghị là không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân góp phần vào các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch và tiểu đường. Giảm cân bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể làm giảm huyết áp và cải thiện mức cholesterol của bạn.
- Không sử dụng thuốc bất hợp pháp: Các loại thuốc như cocain có liên quan đến việc tăng nguy cơ TIA hoặc đột quỵ.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Bạn có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường và huyết áp cao bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và dùng thuốc khi cần thiết.
Điều trị như thế nào?
Bệnh nhân cần được xử trí, điều trị sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt.
Xử trí sớm cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua:
- Chống kết tập tiểu cầu: Aspirin 50 – 325mg/ngày.
- Có thể thay thế bằng Clopidogrel 75mg/ngày.
- Kiểm soát huyết áp: duy trì huyết áp ở mức ≤ 140/90mmHg.
- Thuốc hạ lipid máu nhóm Statin: có tác dụng hạ Lipid máu, chậm tiến triển mảng vữa xơ và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Các bệnh nhân có loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ) cần được xử trí điều trị loạn nhịp.
Điều trị dự phòng:
- Tập thể dục: người trưởng thành cần tập thể lực.
- Chế độ ăn: giảm muối và tăng kali (nếu Kali máu không tăng) giúp hạn chế tăng huyết áp. Ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế mỡ động vật.
- Hạn chế bia, rượu. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá.
- Béo phì: nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) 18,5-25. Với trường hợp BMI trên 30 cần có biện pháp giảm cân.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần phát hiện các yếu tố nguy cơ.
- Xử lý triệt để yếu tố nguy cơ nếu có thể:
-
- Rối loạn lipid máu: kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị bằng Statin, có thể phối hợp nhóm Fibrat nếu cần để đưa lipid máu về mức bình thường.
- Đái tháo đường: Kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc kiểm soát đường máu. Duy trì HbA1C ở mức dưới 6,5%.
- Rung nhĩ: tư vấn cho bệnh nhân có rung nhĩ biết cách tự phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cơn rung nhĩ.
- Hẹp mạch cảnh không triệu chứng: phẫu thuật bóc nội mạc mạch cảnh hoặc đặt Stent mạch cảnh khi có hẹp trên 70% trên siêu âm Doppler hoặc trên 60% trên phim chụp mạch số hóa xóa nền.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.