Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn tiền đình là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, không những gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn. Vậy rối loạn tiền đình là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Rối loạn tiền đình (tiếng Anh là Vestibular Disorders) là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số VIII và các đường nối kết của nó. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Dây thần kinh số VIII là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:
- Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác.
- Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng.
Dây thần kinh số VIII xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
Triệu chứng
Nhận diện và phát hiện sớm bệnh cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa rối loạn tiền đình. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp của bệnh:
- Hoa mắt, chóng mặt: Đây là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau chứ không chỉ riêng bệnh rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, nếu thấy chóng mặt kèm theo hoa mắt, buồn nôn, nhất là sau khi ngồi xuống và đứng lên thì rất có thể là bị rối loạn tiền đình. Để làm giảm các triệu chứng, người bệnh nên nằm hoặc ngồi nghỉ ở nơi thoáng mát.
- Cơ thể mất thăng bằng: Khi hệ tiền đình bị rối loạn, cơ thể sẽ khó giữ thăng bằng, người bệnh phải níu vào một vật hoặc một người khác để đi lại.
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ: Rối loạn tiền đình ảnh hưởng không nhỏ đối với giấc ngủ. Khi hệ thống tiền đình bị tổn thương, người bệnh có thể bị mất ngủ hoặc khó ngủ.
- Mất ý thức, ngất xỉu: Rối loạn tiền đình nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị có thể tiến triển nặng và về lâu dài người bệnh có thể gặp phải triệu chứng suy giảm ý thức, thậm chí là ngất xỉu.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân thường gặp gây rối loạn tiền đình bao gồm:
- Viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
- Sau chấn thương đầu gây tổn thương cơ quan tiền đình tiểu não.
- Rối loạn tuần hoàn máu như tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống ảnh hưởng đến tai trong hoặc não bộ.
- Do các yếu tố di truyền và môi trường sống (ô nhiễm tiếng ồn, stress, ít vận động…)
- Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
Đối tượng nguy cơ
Hai yếu tố chính làm tăng nguy cơ là tuổi và tiền sử bệnh.
- Rối loạn tiền đình có thể xảy ra với bệnh nhân ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên tỷ lệ mắc ở người cao tuổi được ghi nhận là cao hơn so với người trẻ. Theo như ước tính từ các dữ liệu tại cơ sở y tế, cứ khoảng 100 người ở độ tuổi 40 trở lên thì sẽ có khoảng 30 người bị rối loạn tiền đình. Hiện nay, do nhiều biến động từ môi trường, khí hậu, tỷ lệ gặp dấu hiệu của rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi cũng tăng dần.
- Những bệnh nhân có tiền sử chóng mặt rất dễ bị rối loạn tiền đình về sau.
Để nhanh chóng kiểm soát được bệnh, người bệnh khi có dấu hiệu của rối loạn tiền đình như choáng váng, hoa mắt, mất thăng bằng,.. cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán
Khám lâm sàng
Tình trạng bệnh có thể được chẩn đoán ban đầu dựa vào các dấu hiệu sau:
- Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn và thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, đặc biệt khó chịu.
- Mất thăng bằng: Mức độ có thể rất mãnh liệt khiến bệnh nhân không thể đứng được thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên hoặc có thể ở mức độ vừa phải được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám như: dấu hiệu Romberg, bước đi hình sao…
- Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau…
Xét nghiệm
Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố cơ sở chẩn đoán bệnh:
- Các xét nghiệm cơ bản;
- Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống: xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…;
- Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…
- Đo chức năng tiền đình bằng Ảnh động nhãn đồ (VNG)
Phòng ngừa bệnh
Trong cuộc sống hiện đại, áp lực trong công việc và các mối quan hệ xã hội cùng với chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh dẫn đến nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình cao. Vì vậy, để không gặp phải những hậu quả hay biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, chúng ta cần phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình bằng cách:
- Thường xuyên và cố gắng duy trì tập luyện thể dục, thể thao. Dành tối thiểu 15 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập rèn luyện và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là người làm công việc văn phòng.
- Hạn chế bị căng thẳng, lo lắng, áp lực.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, không được để cơ thể trong tình thiếu nước.
- Hạn chế hoặc tốt nhất là không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.
- Tránh xoay người hoặc đầu cổ một cách đột ngột, hay đang ngồi mà đứng lên quá nhanh.
- Trong mọi tình huống, nếu thấy có biểu hiện nghi ngờ bị rối loạn tiền đình, người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe chính xác.
Có nhiều cách phòng ngừa rối loạn tiền đình mà mỗi người có thể áp dụng hàng ngày như hình thành và duy trì thói quen vận động thể thao; từ bỏ, hạn chế hoặc tránh dùng chất kích thích cũng như không để cơ thể bị căng thẳng hay áp lực,…
Điều trị như thế nào?
Một số phương pháp điều trị rối loạn tiền đình là:
- Dùng thuốc: rối loạn tiền đình uống thuốc gì còn tùy thuộc vào từng ca bệnh. Thông thường, bác sĩ cho thuốc giảm các triệu chứng của bệnh để giảm chóng mặt, buồn nôn; ức chế canxi giãn mạch não; tăng tuần hoàn máu não; tăng chuyển hóa tế bào thần kinh. Thuốc này phải được kê đơn và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tập thể dục và phục hồi chức năng: các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ tiền đình để cơ thể sớm phục hồi.
- Ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc: rối loạn tiền đình nên ăn gì? Bạn hãy ăn nhiều rau xanh, hạn chế thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, dầu mỡ và ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe.
- Phẫu thuật: nếu các điều trị trên không hiệu quả như do u dây thần kinh số VIII… Ngoài ra, nếu người bệnh có bệnh mạn tính hư tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh về xơ vữa mạch,… cũng được điều trị song song.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về rối loạn tiền đình.