Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mất cân bằng nội tiết tố ở nữ giới là gì? Những điều cần biết về mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố xảy ra khi có quá nhiều hoặc quá ít hormone trong máu. Mất cân bằng nội tiết không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm nhan sắc và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con người. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về mất cân bằng nội tiết tố
Tổng quan chung về mất cân bằng nội tiết tố nữ
Mất cân bằng nội tiết tố là tình trạng cơ thể có quá nhiều hay quá ít một hay nhiều loại hormone.
Hormone là hóa chất được sản xuất bởi các tuyến trong hệ thống nội tiết. Hormone đi vào dòng máu đến các mô và cơ quan. Hormone rất quan trọng để điều chỉnh hầu hết các quá trình chính diễn ra trong cơ thể. Do đó, khi mất cân bằng nội tiết tố (hormonal imbalances) diễn ra có thể ảnh hưởng đến một loạt các chức năng của cơ thể.
Phụ nữ có thể mắc phải mất cân bằng về estrogen và progesterone.
Triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố nữ
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Hầu hết phụ nữ có kinh nguyệt đến sau 21 đến 35 ngày. Nếu kinh nguyệt không đến vào cùng một thời điểm mỗi tháng hoặc mất vài tháng, điều đó có nghĩa là bạn có quá nhiều hoặc quá ít một số loại hoóc môn nhất định (ví dụ: estrogen và progesterone). Nếu bạn ở độ tuổi 40 hoặc giai đoạn đầu của tuổi 50, thì đây có thể là dấu hiệu của tiền mãn kinh hoặc đây là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác, như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Rối loạn giấc ngủ: Nếu bạn đang bị rối loạn giấc ngủ như không ngủ đủ giấc, hoặc chất lượng giấc ngủ suy giảm, thì nội tiết tố của bạn có thể đang có vấn đề. Progesterone một loại hormone do buồng trứng tiết ra, giúp bạn dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, nếu mức độ của loại hormone thấp hơn bình thường, sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Estrogen thấp có thể kích hoạt các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, cả hai triệu chứng này đều có thể khiến bạn gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ.
- Mụn trứng cá mãn tính: Có mụn trứng cá trước hoặc trong thời kỳ hành kinh là điều bình thường, tuy nhiên mụn trứng cá kéo dài có thể là triệu chứng của các vấn đề về hormone. Nguyên nhân là do lượng dư thừa androgen có thể khiến tuyến dầu của bạn làm việc quá sức. Androgens cũng ảnh hưởng đến các tế bào da trong và xung quanh nang lông. Cả hai yếu tố này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá.
- Suy nghĩ không rõ ràng: Những thay đổi về nồng độ estrogen và progesterone có thể khiến đầu bạn khó nhớ mọi thứ. Một số chuyên gia cho rằng estrogen có thể tác động đến các hóa chất trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Các vấn đề về khả năng chú ý và các vấn đề về trí nhớ. Ngoài ra, đây cũng là triệu chứng liên quan đến bệnh tuyến giáp. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp khó khăn trong việc suy nghĩ rõ ràng.
- Vấn đề về bụng: Ruột của bạn được lót bằng các tế bào nhỏ gọi là thụ thể đáp ứng với estrogen và progesterone. Khi các hormone này cao hơn hoặc thấp hơn bình thường, bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong cách bạn tiêu hóa thức ăn. Đó là lý do tại sao các triệu chứng như: Tiêu chảy, đau dạ dày, đầy hơi và buồn nôn có thể tăng lên hoặc trở nên tồi tệ hơn trước và trong thời gian hành kinh của bạn.
- Mệt mỏi liên tục: Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của mất cân bằng hormone. Progesterone dư thừa có thể làm bạn buồn ngủ. Và nếu tuyến giáp của bạn sản xuất ra quá ít hormone tuyến giáp, nó có thể làm hao mòn năng lượng của bạn. Một loại xét nghiệm máu đơn giản được gọi là thyroid panel, có thể cho bạn biết mức độ của hormon tuyến giáp có quá thấp hay không.
- Tâm trạng thất thường và trầm cảm: Việc giảm nội tiết tố hoặc thay đổi nhanh chóng về nồng độ của nội tiết tố có thể gây ra tâm trạng buồn bã.
- Thèm ăn và tăng cân: Khi bạn cảm thấy buồn hoặc bị kích thích thì đó có thể là lúc cơ thể bạn đang bị giảm nồng độ estrogen khiến bạn có thể muốn ăn nhiều hơn.
- Nhức đầu: Rất nhiều yếu tố có thể kích hoạt triệu chứng này. Nhưng đối với một số phụ nữ nguyên nhân có thể do suy giảm estrogen gây ra. Nhức đầu thường xuyên hoặc thường xuyên xuất hiện vào cùng một thời điểm mỗi tháng có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ hormone này của bạn có thể đang thay đổi.
- Khô âm đạo: Thỉnh thoảng xuất hiện khô âm đạo cũng là bình thường. Nhưng nếu triệu chứng này thường xuyên xuất hiện thì nhiều khả năng là do nồng độ estrogen thấp. Các hormone giúp mô âm đạo giữ ẩm và sạch sẽ. Nếu estrogen của bạn giảm do mất cân bằng nội tiết tố và làm giảm dịch âm đạo.
- Giảm ham muốn tình dục
- Thay đổi ở vú: Suy giảm estrogen có thể làm cho mô vú của bạn bớt dày đặc hơn. Và sự gia tăng hormone có thể làm dày mô vú, thậm chí gây ra các cục hoặc u nang mới. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy dấu hiệu thay đổi ở vú, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào khác khiến bạn lo lắng.
Nguyên nhân mất cân bằng nội tiết tố nữ
Mất cân bằng nội tiết tố nữ có thể xảy ra khi các tuyến nội tiết hoạt động không không như bình thường.
Các tuyến nội tiết là các tế bào chuyên sản xuất, lưu trữ và giải phóng hormone vào máu. Có một số tuyến nội tiết nằm khắp cơ thể kiểm soát các cơ quan khác nhau.
Ngoài ra, một số bệnh lý, thói quen lối sống và các yếu tố môi trường cũng có thể đóng một vai trò trong mất cân bằng nội tiết tố.
Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố bao gồm:
- Căng thẳng mãn tính hoặc cực đoan
- Tiểu đường type 1 và type 2
- Tăng đường huyết (sản xuất quá mức glucagon)
- Hạ đường huyết
- Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
- Sản xuất quá mức hoặc thiếu hormone tuyến cận giáp
- Chế độ ăn uống nghèo nàn và dinh dưỡng kém
- Thừa cân
- Thay thế nội tiết tố hoặc sử dụng thuốc tránh thai
- Lạm dụng thuốc steroid đồng hóa
- Khối u tuyến giáp (solitary thyroid nodules)
- Hội chứng Cushing (nồng độ hormone cortisol cao)
- Bệnh Addison (nồng độ cortisol và aldosterone thấp)
- Khối u lành tính và u nang (bao chứa đầy chất lỏng) ảnh hưởng đến tuyến nội tiết
- Hóa trị và xạ trị
- Tiếp xúc với độc tố, chất ô nhiễm và hóa chất gây rối loạn nội tiết, bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải tình trạng mất cân bằng nội tiết tố.
Một số yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố:
- Tuổi;
- Thai kỳ;
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Ăn kiêng;
- Ít vận động;
- Thường xuyên căng thẳng;
- Các độc chất trong thức ăn;
- Mắc bệnh mạn tính.
Chẩn đoán
Rối loạn nội tiết dẫn đến các triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng rối loạn nội tiết tố dễ nhầm lẫn với các tình trạng bệnh khác. Do đó, rối loạn nội tiết khó chẩn đoán nên bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm đánh giá lượng hormone trong nước tiểu hoặc trong máu, để xác định lượng hormone tăng hay giảm. Tuỳ theo loại hormone, thời điểm lấy xét nghiệm rất quan trọng, tránh làm sai lệch kết quả.
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sẽ được bác sĩ chỉ định khi có bất thường về hormone. Trong một số trường hợp các tuyến nội tiết không phát hiện bất thường về hình ảnh nhưng lượng hormone tiết ra lại rối loạn nhiều.
Phòng ngừa mất cân bằng nội tiết tố nữ
Dù không thể ngừa được tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nhưng có một lối sống lành mạnh cũng giúp cho nội tiết tố khỏe, cân bằng như:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Có chế độ ăn uống khoa học: Ăn nhiều chất xơ, chất béo lành mạnh (dầu dừa, các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi…)
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh căng thẳng, stress.
- Ngủ đủ giấc.
- Thường xuyên đến bác sĩ khám, kiểm soát các bệnh nền (nếu có).
- Tránh ánh sáng xanh vào ban đêm: tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ như: điện thoại di động, màn hình máy tính sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Cơ thể phản ứng với ánh sáng xanh như ánh sáng ban ngày, điều chỉnh các hormone để đáp ứng. Việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào buổi tối khiến ức chế hormone melatonin gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể. Tránh ánh sáng xanh giúp điều chỉnh hormone, khôi phục nhịp sinh học tự nhiên sau giấc ngủ ngon hơn.
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đường.
- Uống trà xanh.
- Tránh ăn quá nhiều.
Điều trị mất cân bằng nội tiết tố nữ như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị mất cân bằng nội tiết tố khác nhau.
- Nếu người bệnh có nồng độ hormone thấp hơn bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng liệu pháp thay thế hormone. Tùy vào loại hormone nào bị thiếu hụt mà người bệnh cần dùng thuốc uống dạng viên hoặc thuốc tiêm.
- Nếu người bệnh có nồng độ hormone cao hơn bình thường, có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm: dùng thuốc, phẫu thuật, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp để cải thiện tình trạng bệnh.
- Nếu u tiết prolactin (khối u lành tính, không phải ung thư) gây thừa hormone prolactin, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để thu nhỏ khối u hoặc phẫu thuật để loại bỏ.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống để cân bằng nội tiết tố như: thư giãn để kiểm soát mức độ căng thẳng, tập thể dục thường xuyên để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.