Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bướu sợi tuyến là gì? Những điều cần biết về bướu sợi tuyến
Bướu sợi tuyến vú vẫn được biết đến là một bệnh vú lành tính, không liên quan đến ung thư và rất phổ biến ở nữ giới. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bướu sợi tuyến vú là bệnh u vú lành tính thường gặp ở chị em phụ nữ trẻ, phổ biến ở nữ giới độ tuổi 18 – 40 tuổi và ít gặp ở những người đã mãn kinh. Nguyên nhân chính xác gây bướu sợi tuyến vú vẫn chưa được giải thích rõ do cấu trúc của tuyến vú vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng phát hiện ra những sai lệch trong quá trình hình thành mô đệm tiểu thùy ở tuyến vú.
Biểu hiện bướu sợi tuyến vú là gì? Bướu sợi tuyến vú có biểu hiện dưới dạng một khối u cục hình tròn hay phân thùy dạng dài, giới hạn rõ, mật độ chắc chắn, đường kính có thể dao động khoảng 1 – 5 cm. Khối u cục này thường có ranh giới rõ ràng, di động tốt và ấn vào có cảm giác cộm, hơi đau đặc biệt là khi gần tới chu kỳ kinh nguyệt. Tùy từng trường hợp mà khối u có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú với nhiều kích thước khác nhau.
Triệu chứng
Một số bướu sợi tuyến vú quá nhỏ không thể cảm nhận được nhưng một số có thể lớn tới vài cm. Một người có thể có một hoặc nhiều bướu sợi tuyến vú ở một hoặc cả hai vú. Khi sờ có thể cảm nhận bướu sợi tuyến vú giống như một viên bi, chúng có hình tròn hoặc hình bầu dục, đường viền rõ ràng. Có thể di chuyển bướu sợi tuyến vú dưới da. Một số bướu sợi tuyến vú chỉ được phát hiện bằng xét nghiệm hình ảnh.
Bướu sợi tuyến vú thường phát triển chậm, kích thước trung bình khoảng 2,5cm. Bướu sợi tuyến vú có thể lớn hơn theo thời gian. Khối u lớn có thể gây đau khi chạm vào, có thể do u nằm cạnh dây thần kinh cảm giác trong vú. Một số bướu vú sợi tuyến co lại theo thời gian. Hầu hết, u xơ ở tuổi thanh thiếu niên co lại trong nhiều tháng đến vài năm và tự biến mất. Bướu sợi tuyến vú có thể thay đổi hình dạng theo thời gian.
Khi bướu sợi tuyến vú phát triển lớn sẽ có các triệu chứng rõ hơn như:
- Thay đổi hình dạng vú
- Nổi gân xanh, rạn da bất thường
- Nhân xơ vú xuất hiện có hiện tượng sưng, đau, đau nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt. Nhiều người chỉ sưng kèm theo cảm giác nặng vú, nóng rát, khó thở…
- Phụ nữ đang cho con bú bị bướu sợi tuyến vú gây tắc tia sữa, ứ đọng làm giảm chất lượng nguồn sữa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bướu sợi tuyến là không rõ, nhưng có thể chúng liên quan đến các hormon sinh dục. Bướu sợi tuyến thường xảy ra trong độ tuổi sinh sản, nó có thể phát triển to lên trong thời gian mang thai hoặc sử dụng liệu pháp hormon, và có thể co lại sau khi mãn kinh, khi lượng hormon giảm.
Đối tượng nguy cơ
Phụ nữ ở độ tuổi từ 18-40 tuổi có khả năng bị bướu sợi tuyến.
Chẩn đoán
Giống như một lần tầm soát ung thư vú. Bướu sợi tuyến vú được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc trong quá trình chụp X-quang hay siêu âm tuyến vú kiểm tra định kỳ. Cách chẩn đoán bệnh bướu sợi tuyến vú bao gồm:
Siêu âm tuyến vú:
Siêu âm vú được sử dụng để đánh giá khối u vú. Khi siêu âm, bướu sợi tuyến vú dễ phân biệt với các mô khác do cách phản ứng với sóng âm thanh.
Bướu sợi tuyến vú sẽ xuất hiện dưới dạng vùng tối với đường viền rõ ràng, giống nhau trong suốt, hình tròn hoặc hình bầu dục, có các vết lồi lõm nhẵn bóng.
Chụp X-quang tuyến vú (theo độ tuổi tầm soát và mức độ bệnh):
Bướu sợi tuyến vú xuất hiện dưới dạng khối tròn hoặc hình bầu dục. Đường viền rõ ràng, không lấn chiếm các vùng mô bên cạnh. Đôi khi chúng đi kèm với vôi hóa to (cặn canxi).
Chụp X-quang tuyến vú 3D:
Đây là hình thức chụp nhũ ảnh chuyên biệt tạo ra hình ảnh 3D của vú, cho phép đánh giá chi tiết hơn so với chụp X-quang tuyến vú thông thường.
Sinh thiết:
Phần lớn chẩn đoán bướu sợi tuyến qua khám lâm sàng, siêu âm và không cần sinh thiết trên bệnh nhân trẻ. Với những người có nguy cơ bướu sợi tuyến vú có thể được chỉ định sinh thiết vú lấy mẫu mô để đưa đi giải phẫu bệnh. Các loại thủ tục sinh thiết khác nhau tùy mục đích chẩn đoán hay điều trị, bao gồm:
- Sinh thiết bằng kim lõi, sử dụng kim để lấy mẫu mô.
- Chọc hút bằng kim nhỏ.
Bác sĩ sẽ chọn loại sinh thiết phù hợp phụ thuộc vào đặc điểm của khối u, vị trí, các yếu tố khác của tình trạng bệnh. Nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Nếu kết quả sinh thiết lành tính, bạn cũng nên tiếp tục tầm soát ung thư vú định kỳ, đặc biệt phụ nữ từ 40 tuổi hoặc có nguy cơ cao.
Phòng ngừa bệnh
Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh bướu sợi tuyến vú do đó, không có biện pháp phòng ngừa bướu sợi tuyến. Dựa trên các yếu tố ảnh hưởng bao gồm, nội tiết tố, sự tăng sản xuất hormone estrogen để chọn cách phòng ngừa hợp lý. Khám và duy trì nội tiết tố ổn định, hạn chế sử dụng hormon thay thế giúp giảm nguy cơ bướu sợi tuyến vú.
Điều trị như thế nào?
Tùy từng vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân như kích thước bướu, tình trạng sức khỏe … mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp nhất.
Các cách điều trị bướu sợi tuyến vú bao gồm:
- Bướu sợi tuyến vú nhỏ hơn 2cm, người bệnh không đau và không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe người bệnh thì việc điều trị có thể không cần thiết. Bác sĩ thường chỉ định tái khám định kỳ, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh và sinh thiết nhờ kim nhỏ…
- Kích thước bướu sợi tuyến vú lớn: Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật lấy trọn khối bướu.
Bướu sợi tuyến vú thường là lành tính, chính vì vậy khi được bác sĩ chỉ định theo dõi mà không cần điều trị thì bạn cũng nên lo lắng thái quá, chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Còn đối với những bệnh nhân có bướu sợi đã trải qua phẫu thuật điều trị, việc duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học là điều vô cùng quan trọng để hạn chế tình trạng khối u tái phát.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về bướu sợi tuyến.