Vì sao bạn dễ mắc viêm họng? Tìm hiểu nguyên nhân theo từng đối tượng
Viêm họng là một bệnh lý hô hấp phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau rát cổ họng, ho, sốt, nuốt khó, sưng tấy amidan, v.v. Bệnh thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra và có thể lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có nguy cơ mắc viêm họng như nhau. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với những người khác. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm họng và lý do vì sao.
Tổng quan về bệnh viêm họng
Viêm họng là tình trạng đau, ngứa hoặc kích ứng ở cổ họng, tình trạng này thường trầm trọng hơn khi bạn nuốt. Nhiều nguyên nhân gây viêm họng, từ nhiễm trùng do vi khuẩn và virus đến dị ứng hay ngủ há miệng. Hầu hết các triệu chứng viêm họng sẽ biến mất sau vài ngày.
Viêm họng gây sưng đau ở cổ họng
Các triệu chứng viêm họng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác ngứa trong cổ họng. Đau trầm trọng hơn khi nuốt hoặc nói.
- Khó nuốt
- Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm
- Amidan sưng, đỏ
- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan
- Giọng nói khàn hoặc nghẹt
Những đối tượng dễ mắc viêm họng
Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó những đối tượng thường mắc và bị ảnh hưởng bởi bệnh có thể kể đến như:
- Trẻ sơ sinh, trẻ em: Các bé dễ viêm họng vì có hệ miễn dịch còn non yếu.
- Bà bầu, đối tượng này dễ mắc bệnh trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
- Người bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm amidan…
Những yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị viêm họng, bao gồm:
- Tuổi tác: Trẻ em và thiếu niên rất có thể bị viêm họng. Trẻ em từ 3 đến 15 tuổi cũng có nhiều khả năng bị viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến đau họng.
- Dị ứng: Dị ứng theo mùa hoặc phản ứng dị ứng liên tục với bụi, nấm mốc hoặc vẩy da thú cưng làm cho bệnh viêm họng dễ xảy ra hơn.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá: Hút thuốc và hút thuốc thụ động có thể gây kích ứng cổ họng.
- Tiếp xúc với chất kích thích hóa học: Các hạt trong không khí từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hóa chất gia dụng thông thường có thể gây kích ứng họng.
- Nhiễm trùng xoang mạn tính hoặc thường xuyên: Dịch xoang từ mũi chảy xuống có thể gây kích ứng cổ họng.
- Nhiễm virus và vi khuẩn: lây lan dễ dàng ở bất cứ nơi nào mọi người tập trung đông: nhà trẻ, trường học,…
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay không thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Miễn dịch suy yếu: Bạn dễ bị nhiễm trùng nếu sức đề kháng thấp. Các nguyên nhân phổ biến làm giảm khả năng miễn dịch bao gồm HIV, tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), điều trị bằng steroid hoặc thuốc hóa trị, căng thẳng, mệt mỏi và chế độ ăn uống kém.
- Căng giọng: Những người có tính chất công việc dùng giọng nói nhiều, thường xuyên nói to, la hét hoặc hát trong thời gian dài có thể khiến dây thanh âm dễ bị căng hơn, dẫn đến đau họng.
Trẻ em và thiếu niên là đối tượng dễ mắc bệnh viêm họng
Những biện pháp phòng tránh viêm họng
Bệnh viêm họng có mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi đối tượng vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này, trong đời sống hàng ngày, bạn nên tích cực chủ động thực hiện một số biện pháp phòng tránh viêm họng sau:
- Tăng cường đề kháng: Sức đề kháng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh viêm họng cấp, bệnh đường hô hấp khác nói riêng và các bệnh lý toàn thân khác. Vì thế, hãy chủ động tăng sức đề kháng bằng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường các loại rau, củ quả tươi chứa nhiều Vitamin và chất chống oxy hóa tự nhiên.
- Cần vệ sinh răng, miệng, họng hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Không dùng chung khăn tắm và đồ dùng với người bị nhiễm bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc gel khử trùng trong ít nhất 10 – 15 giây.
- Vào mùa lạnh nên tắm bằng nước ấm ở nơi không có gió lùa. Tắm nhanh và lau khô người rồi mới mặc quần áo. Mặc đủ ấm tránh bị cảm lạnh.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với khói bụi và chất kích thích hóa học.
- Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
- Hạn chế thực phẩm lạnh: Thực phẩm lạnh khiến niêm mạc họng bị kích thích, dễ gây viêm họng cấp hơn. Người thường xuyên bị viêm họng không nên uống nước đá, nước ướp lạnh, kem lạnh, nhất là vào mùa hè.
- Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường hô hấp
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị viêm họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Đeo khẩu trang hạn chế tiếp xúc với chất kích ứng, vi khuẩn, virus gây viêm họng
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.