Tắc kinh nguyệt là gì? Cách tự điều trị tại nhà an toàn, hiệu quả!
Tắc kinh nguyệt là gì? Tắc kinh nguyệt, hay vô kinh là hiện tượng kinh nguyệt không xuất hiện trong một hoặc nhiều chu kỳ liên tiếp. Đối với chị em phụ nữ, việc có kinh nguyệt đều đặn là dấu hiệu cho sức khỏe sinh sản tốt, vì thế tình trạng vô kinh khiến nhiều người lo lắng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu thông tin cũng như cách điều trị không có kinh ngay nhé!
Tìm hiểu về tình trạng tắc kinh nguyệt
Tắc kinh nguyệt hay việc kinh nguyệt ra ít, là hiện tượng kinh nguyệt đến trễ hơn so với chu kỳ bình thường hoặc lượng máu kinh ra rất ít trong kỳ hành kinh. Thông thường, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 3 – 7 ngày, với lượng máu kinh thấm ướt từ 3 – 5 miếng băng vệ sinh mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp kinh nguyệt đến muộn, chỉ kéo dài 1 – 2 ngày hoặc lượng máu kinh ít hơn bình thường, thậm chí chỉ vài giọt, thì đây có thể là dấu hiệu vô kinh. Không chỉ gây lo lắng, ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn có thể tiềm ẩn những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Tìm hiểu về tình trạng tắc kinh nguyệt ở phụ nữ
Bị tắc kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Tắc kinh nguyệt là hiện tượng kinh nguyệt đến muộn hoặc quá ít so với chu kỳ bình thường. Mặc dù không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng nó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể kể đến như:
- Rối loạn nội tiết do mất cân bằng hormone estrogen và progesterone, thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú, sau sinh, tiền mãn kinh hoặc mắc các hội chứng như PCOS, suy buồng trứng sớm.
- Các biến cố thai kỳ như mang thai ngoài tử cung, sảy thai.
- Bệnh qua đường tình dục chẳng hạn như Chlamydia, lậu, Giang mai…..
- Bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung lộ tuyến, viêm nhiễm tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung….
- Rối loạn tâm lý, tác dụng phụ của thuốc, chất kích thích, sóng điện từ…
Tắc kinh là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Cách tự điều trị tắc kinh nguyệt tại nhà an toàn, hiệu quả
Hiện nay, có nhiều cách tự điều chỉnh tình trạng tắc kinh tại nhà hiệu quả và an toàn, cùng tìm hiểu chi tiết sau đây:
Sử dụng bột quế
Bột quế, được làm từ vỏ cây quế, từ lâu đã được sử dụng trong Đông y với nhiều đặc tính quý giá. Một trong những công dụng nổi bật của bột quế chính là khả năng hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt hiệu quả cho phụ nữ. Bột quế có tính ấm, giúp kích thích lưu thông máu, từ đó hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm thiểu tình trạng kinh nguyệt không đều, rong kinh, bế kinh….
Có thể sử dụng bằng cách cho 1/2 muỗng cà phê bột quế vào nước ấm, khuấy đều và thêm mật ong hoặc sữa tùy thích, uống 2 – 3 lần mỗi ngày. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng làm gia vị trong các món ăn hàng ngày như bánh, soup, salad, giúp tăng hương vị và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Sử dụng bột quế hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt hiệu quả
Ngải cứu
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng cay, tính ấm, có tác dụng ôn kinh, chỉ huyết an thai. Nhờ vậy, ngải cứu được sử dụng từ lâu để điều trị các vấn đề về kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều và đặc biệt hiệu quả trong trường hợp tắc kinh.
Cách sử dụng như sau:
- Trà ngải cứu: Phơi hoặc sao khô ngải cứu, hãm như trà, uống 2-3 lần mỗi ngày, có thể thêm mật ong hoặc đường nâu.
- Chườm nóng ngải cứu: Giã nát ngải cứu, sao nóng hoặc chần qua nước sôi, đắp lên bụng dưới 15 – 20 phút mỗi ngày để làm ấm tử cung và kích thích lưu thông khí huyết.
- Tắm nước ngải cứu: Đun sôi ngải cứu tươi, pha loãng, ngâm mình 15-20 phút, nước ngải cứu giúp thư giãn, giảm co thắt tử cung.
- Món ăn từ ngải cứu: Chế biến ngải cứu thành các món như trứng chiên, vịt lộn, bánh ngải cứu… để bổ sung dưỡng chất và hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
Ngải cứu có vị đắng cay, tính ấm, có tác dụng ôn kinh
Chữa tắc kinh bằng gừng
Gừng – loại gia vị quen thuộc trong gian bếp Việt Nam, không chỉ mang đến hương vị thơm ngon cho các món ăn mà còn là một vị thuốc Nam quý giá với nhiều công dụng hữu ích. Đặc biệt, gừng được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, giảm tình trạng rong kinh hoặc tắc kinh.
Một số cách dùng phổ biến của gừng như:
- Uống trà gừng: Thái lát gừng tươi, pha với nước ấm và thêm mật ong, uống 2-3 lần mỗi ngày, đặc biệt trong những ngày bị tắc kinh.
- Chườm nóng gừng: Giã nát gừng tươi, sao nóng hoặc chần qua nước sôi, đắp lên bụng dưới 15 – 20 phút mỗi ngày để làm ấm tử cung và giảm co thắt.
- Tắm nước gừng: Đun sôi gừng tươi, pha loãng, ngâm mình 15-20 phút, nước gừng giúp thư giãn, giảm căng thẳng.
- Thêm gừng vào món ăn: Sử dụng gừng làm gia vị trong các món canh, súp, xào, kho…
Gừng được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt
Bổ sung vitamin mỗi ngày
Ngoài chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung vitamin mỗi ngày cũng là cách hiệu quả để hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm thiểu các triệu chứng gây khó chịu, các loại vitamin cần bổ sung như sau:
- Vitamin D: Giúp điều trị kinh nguyệt không đều, đặc biệt ở người bị PCOS, nên uống vitamin D hoặc dùng thực phẩm như sữa, chế phẩm từ sữa, ngũ cốc….
- Vitamin nhóm B: Giảm triệu chứng PMS, ổn định tâm trạng và giảm âu lo. Bổ sung vitamin B6 (40mg) và canxi (500mg) mỗi ngày, những thực phẩm nên dùng như: Bông cải, cà rốt, chuối…. Vitamin B6 giúp ổn định tâm trạng, tăng tổng hợp dopamine và giảm lo âu, phù nề trước kỳ kinh khi kết hợp với magie.
- Vitamin E: Giảm đau ngực và đau bụng kinh, nên bổ sung thực phẩm như: Dầu thực vật, cải bó xôi, ngũ cốc…
Giấm táo
Theo thống kê, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là nguyên nhân gây tắc kinh ở khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo đó, nghiên cứu cho thấy phụ nữ PCOS uống 1 muỗng canh (15ml) giấm táo pha loãng với 100ml nước sau bữa tối mỗi ngày có thể cải thiện nồng độ hormone và giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn.
Ngoài ra, giấm táo còn mang đến nhiều lợi ích như:
- Giúp giảm cân hiệu quả nhờ khả năng tăng cường trao đổi chất, đốt cháy mỡ thừa.
- Cải thiện độ nhạy insulin, từ đó kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
- Giấm táo có đặc tính chống oxy hóa, giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Lưu ý, giấm táo có tính axit, có thể làm hỏng men răng nếu sử dụng thường xuyên, nên uống bằng ống hút và súc miệng kỹ sau khi dùng. Uống quá nhiều giấm táo (hơn 237ml mỗi ngày) trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm, dẫn đến hạ kali máu và loãng xương.
Uống 1 muỗng canh (15ml) giấm táo sau bữa tối có thể cải thiện nồng độ hormone
Chữa tắt kinh bằng dứa
Dứa, hay còn gọi là thơm hoặc khóm, là loại trái cây nhiệt đới phổ biến, cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, dứa chứa enzyme bromelain, được cho là có khả năng hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt hiệu quả:
- Bromelain có đặc tính tiêu fibrin, giúp làm mềm và bong lớp niêm mạc tử cung, từ đó tạo điều kiện cho máu kinh dễ dàng thoát ra ngoài, góp phần cải thiện tình trạng tắc kinh.
- Bromelain cũng có tác dụng kháng viêm và giảm đau, giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu như đau bụng kinh, đau đầu thường gặp trong chu kỳ kinh nguyệt.
Tập yoga
Nhiều chị em phụ nữ có thể nghi ngờ khi nghe yoga được xem như phương pháp điều hòa kinh nguyệt tại nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yoga đã được chứng minh là liệu pháp hiệu quả cho nhiều vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Yoga tác động trực tiếp vào nguyên nhân gốc rễ của rối loạn kinh nguyệt, đó là sự mất cân bằng nội tiết tố. Với lợi ích khi tập Yoga:
- Yoga điều chỉnh nồng độ hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, giúp kinh nguyệt đều đặn và giảm đau bụng kinh, chuột rút, bốc hỏa.
- Đốt cháy calo, hỗ trợ giảm cân và duy trì vóc dáng cân đối, từ đó điều hòa hormone và giảm tắc kinh.
- Yoga kích thích hệ tiêu hóa, giúp hấp thu dưỡng chất và cân bằng hormone, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
Yoga là liệu pháp hiệu quả cho vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Duy trì cân nặng hợp lý
Nhiều chị em phụ nữ lầm tưởng rằng cân nặng không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng thực tế lại tác động rất lớn. Thừa cân, béo phì, sụt ký đột ngột hay các rối loạn ăn uống đều có thể tác động trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt.
Cân nặng ảnh hưởng đến hormone estrogen và progesterone, chi phối chu kỳ kinh nguyệt. Thừa cân gây sản xuất nhiều estrogen, dẫn đến tắc kinh, trong khi sụt cân gây thiếu hụt hormone, dẫn đến mất kinh. Do đó, việc duy trì cân nặng hợp lý là một cách đơn giản mà thiết yếu để điều hòa kinh nguyệt tại nhà.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn duy trì sức khỏe và sự dẻo dai mà còn mang lại nhiều lợi ích cho chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, cụ thể:
- Tập luyện sản sinh endorphin, điều hòa estrogen và progesterone, giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và giảm các triệu chứng khó chịu như đau bụng, chuột rút….
- Tập thể dục giải phóng endorphin, giảm căng thẳng và lo âu, góp phần điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
- Cải thiện lưu thông máu, sức khỏe tim mạch, hô hấp, và hệ cơ xương khớp, giảm nguy cơ bệnh mạn tính và hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt suôn sẻ.
- Kiểm soát cân nặng, hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì, giúp điều hòa hormone sinh dục nữ.
- Hỗ trợ điều trị PCOS, giúp cải thiện tình trạng buồng trứng, điều hòa hormone, và hỗ trợ mang thai.
- Tập thể dục nhẹ nhàng giúp giảm đau bụng kinh và chuột rút nhờ endorphin.
Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho chu kỳ kinh nguyệt
Hy vọng với những thông tin mà Pharmacity đã cung cấp trên sẽ giúp mọi người hiểu và biết cách tự điều trị chứng tắc kinh tại nhà hiệu quả, tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.