Tại sao kinh nguyệt ra ít? Nên làm gì khi kinh nguyệt trở nên ít đi?
Kinh nguyệt ra ít là tình trạng lượng máu kinh ít hơn bình thường trong chu kỳ, khiến nhiều người gặp phải tình trạng này lo lắng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chẳng hạn như thay đổi cân nặng, mang thai ngoài tử cung, bệnh cường giáp,… Để hiểu hơn về tình trạng này, cùng tìm hiểu những nguyên nhân và cách khắc phục nhé!
Hiểu về tình trạng kinh nguyệt ra ít
Kinh nguyệt ít hay còn gọi là hypomenorrhea, là tình trạng lượng máu kinh ít hơn bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Bình thường, lượng máu kinh trung bình dao động từ 30 đến 80 ml mỗi chu kỳ. Tuy nhiên, với trường hợp hypomenorrhea, lượng máu kinh có thể ít hơn 30 ml. Một số dấu hiệu nhận biết như:
- Chu kỳ kinh kéo dài bất thường, thường trên 30 ngày.
- Kinh nguyệt có thể xuất hiện 2 lần trong một tháng.
- Số ngày hành kinh chỉ kéo dài từ 1 đến 2 ngày.
- Lượng máu rất ít, không đủ làm đầy băng vệ sinh.
- Kinh kéo dài nhiều ngày nhưng máu ra ít và rải rác.
- Kinh nguyện xuất hiện màu sắc bất thường.
- Triệu chứng kèm theo: đau bụng dưới, cơ thể mệt mỏi.
Giới thiệu thông tin về tình trạng kinh nguyệt ít ở nữ giới
Tại sao kinh nguyệt ra ít?
Kinh nguyệt ra ít có sao không là câu hỏi mà nhiều người gặp phải, tuy nhiên trước hết phải kể đến những nguyên do như sau:
Mang thai ngoài tử cung
Mất kinh nguyệt thường được coi là một trong những dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất. Tuy nhiên, Bác sĩ Janet Choi – Giám đốc Y tế tại Trung tâm Y sinh Sản xuất California , cho biết một số phụ nữ vẫn có thể ra kinh nguyệt với lượng ít khi đang mang thai.
Kinh nguyệt ra ít trong thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung, trường hợp trứng được thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Tình trạng này có thể xảy ra do một số nguyên nhân như viêm nhiễm ống dẫn trứng, đặt vòng tránh thai hoặc tử cung có sẹo.
Mất kinh là một trong những dấu hiệu mang thai rõ ràng
Kinh nguyệt ra ít do cân nặng thay đổi
Sự thay đổi cân nặng có thể làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc khiến kinh nguyệt ít hơn bình thường rất nhiều. Khi tăng cân, lượng mỡ tích tụ ở cơ thể có thể làm mất cân bằng hormone. Cũng tương tự, việc giảm cân bằng việc hạn chế calo có thể làm cơ thể căng thẳng và gây ra sự mất cân bằng hormone.
Tiến sĩ Akopians, một bác sĩ sản khoa tại Hoa Kỳ, cho biết cơ thể cần cân bằng giữa các chất hấp thụ như protein, chất béo, carbohydrate và các loại vitamin để hoạt động. Vì thế, để lượng kinh nguyệt đều đặn, cần ăn uống đầy đủ và luyện tập, vận động thường xuyên.
Căng thẳng, stress
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sản xuất ra nhiều hormone cortisol hơn, sự mất cân bằng này có thể dẫn đến kinh nguyệt ra ít, chu kỳ không đều hoặc thậm chí là mất kinh. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, khiến chúng hoạt động không hiệu quả, dẫn đến việc rụng trứng không đều hoặc ít kinh nguyệt.
Ngoài căng thẳng tâm lý, việc tập thể dục quá mức cũng có thể gây căng thẳng về mặt thể chất và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Khi bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn, kinh nguyện hàng tháng sẽ đều lại bình thường.
Khi bị căng thẳng, cơ thể sản xuất ra nhiều hormone cortisol gây mất cân bằng
Mắc bệnh cường giáp
Kinh nguyệt ra ít có thể là do bệnh cường giáp, xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất ra lượng hormone tuyến giáp dư thừa. Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả hệ thống sinh sản. Do đó, bệnh cường giáp ảnh hưởng và gây rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
Kinh nguyệt ra ít do sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết
Tình trạng kinh nguyệt ra không đều có thể do sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết như thuốc viên, miếng dán, que cấy hoặc vòng tránh thai. Phương pháp này có thể dẫn đến việc ít kinh nguyệt, có màu tối hoặc tệ hơn có thể dẫn đến mất kinh.
Nếu sử dụng các biện pháp tránh thai này không phù hợp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các phương pháp không chứa hormone. Vậy dùng biện pháp tránh thai nội tiết dẫn đến kinh nguyệt ít phải làm sao? Mọi người có thể thử một số cách tránh thai khác như: Bao cao su, thuốc diệt tinh trùng hoặc mũ cổ tử cung,… không ảnh hưởng đến hormone và chu kỳ kinh nguyệt, nhưng hiệu quả tránh thai thấp hơn.
Kinh nguyệt ra ít do sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết
Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là loại rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ, thường gặp trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng sản xuất nhiều hormone sinh dục nam (androgen) hơn mức bình thường. Từ đó, gây ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít.
Giai đoạn mãn kinh
Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của phụ nữ, thường xảy ra vào khoảng độ tuổi từ 45 đến 55. Cho thấy cơ thể đã ngừng sản xuất trứng và không còn có khả năng mang thai. Một trong những dấu hiệu dễ thấy của thời kỳ mãn kinh là kinh nguyệt ra ít hoặc mất kinh hoàn toàn.
Hẹp cổ tử cung
Đây là tình trạng cổ tử cung bị thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn, dẫn đến kinh nguyệt khó chảy ra ngoài, khiến lượng kinh ra ít hơn bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra sau một số phẫu thuật cổ tử cung như thủ thuật khoét chóp hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung, hoặc do nồng độ estrogen thấp trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Khi cổ tử cung hẹp, kinh nguyệt có thể bị giữ lại trong tử cung hoặc chảy ra từ từ, dẫn đến kinh nguyệt ít. Nếu bạn bị đau bụng kinh nhưng kinh nguyệt ra ít, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Hẹp cổ tử cung là tình trạng cổ tử cung bị thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn
Tử cung có sẹo
Nong và nạo tử cung (Dilation and Curettage – D&C) là một thủ thuật y tế phổ biến được sử dụng để chẩn đoán và điều trị một số vấn đề về tử cung, bao gồm:
- Chảy máu tử cung bất thường
- Sảy thai
- Loại bỏ polyp tử cung
- Lấy mô tử cung xét nghiệm
Mặc dù D&C thường được thực hiện an toàn và hiệu quả, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể dẫn đến biến chứng, bao gồm sẹo tử cung, làm giảm kích thước khoang tử cung, dẫn đến việc ít máu kinh hơn được sản xuất và lưu trữ trong tử cung.
Mất máu quá nhiều dẫn đến hội chứng Sheehan
Mặc dù hiếm gặp, nhưng việc mất máu quá nhiều trong hoặc sau khi sinh có thể dẫn đến hội chứng Sheehan. Đây là tình trạng thiếu máu não do mất máu cấp tính, ảnh hưởng đến tuyến yên và làm giảm đáng kể sản xuất hormone, bao gồm cả hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Từ đó, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít hoặc không có kinh nguyệt.
Mất máu quá nhiều dẫn đến hội chứng Sheehan
Kinh nguyệt ra ít phải làm sao?
Mặc dù không gây nguy hiểm ngây lập tức, tuy nhiên tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và gây nên nhiều lo lắng cho phụ nữ. Vậy, kinh nguyệt ra ít phải làm sao?
Một số cách khắc phục hiệu quả tình trạng kinh nguyệt ra ít, gồm:
- Tránh thức khuya và dậy sớm, đảm bảo ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, tránh tình trạng tăng hoặc giảm cân đột ngột.
- Sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và không làm việc quá sức.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng.
Cách khắc phục tình trạng kinh nguyệt ra không đều hoặc ra ít
Trên đây là thông tin về việc kinh nguyệt ra ít cũng như một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mọi người nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt của mình khoa học hơn hoặc đi khám bác sĩ nếu cần thiết, tránh để lại hậu quả về sau.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.