Đau bụng dưới bên phải là bệnh gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
Đau bụng dưới bên phải là bệnh gì? Đau bụng dưới bên phải có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến khu vực ổ bụng và vùng chậu. Việc chẩn đoán đúng nguyên nhân sẽ giúp cho quá trình điều trị trở lên dễ dàng hơn cũng như giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải là gì?
Đau bụng dưới bên phải có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến các tình trạng nhẹ hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Viêm ruột thừa
Ruột thừa là một phần trong ống tiêu hóa nằm ở cuối manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa đại tràng bên phải và ruột non. Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau đặc biệt ở vùng bụng dưới bên phải.
Cơn đau bụng dưới bên phải do viêm ruột thừa cần sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để giúp ngăn ngừa cơ quan này bị vỡ và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Nếu gặp phải triệu chứng đau bụng dưới bên phải do viêm ruột thừa, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc trị táo bón hoặc thuốc nhuận tràng. Các loại thuốc này có thể khiến ruột thừa bị vỡ. Vì thế, cách tốt nhất là bạn chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Vỡ ruột thừa
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi ruột thừa bị viêm nặng, nó có thể vỡ và gây rò rỉ các chất độc hại vào ổ bụng, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng bụng, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Đại tràng co thắt
Đau bụng dưới bên phải có thể là dấu hiệu cảnh báo cho hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là một dạng rối loạn tiêu hóa mạn tính dẫn đến các cơn đau tại nhiều vị trí khác nhau, thường gặp nhất là vùng bụng dưới bên phải. Bệnh có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng như đầy hơi, chuột rút, thay đổi tính chất phân (lỏng nát hoặc táo bón). Hội chứng ruột kích thích thường tăng nặng khi thay đổi chế độ ăn uống, căng thẳng hoặc ăn thức ăn lạ.
Đầy hơi chướng bụng
Đầy hơi chướng bụng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng dưới bên phải. Tình trạng này thường xảy ra do thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn khi đến phần ruột già. Thực phẩm càng khó tiêu, cơ thể sẽ tạo ra nhiều khí hơn. Khi lượng khí tích tụ sẽ gây hiện trạng chướng, đau tức bụng dưới và đầy hơi.
Trường hợp đau bụng dưới bên phải do đầy hơi thường là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa.
Bệnh đường ruột
Các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đại tràng, tắc ruột cũng gây nên các triệu chứng đau bụng dưới bên phải. Ngoài đau bụng, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng điển hình khác như thay đổi thói quen đại tiện, cứng bụng, đi ngoài phân lỏng nát mỗi khi ăn đồ ăn tanh, lạnh.
Nhiễm trùng thận gây đau bụng dưới
Đau bụng dưới bên phải có thể do tình trạng nhiễm trùng thận. Một số người đau ở lưng, hai bên hông hoặc ở háng.
- Nhiễm trùng thận là tình trạng xảy ra do vi khuẩn thường đến từ bàng quang, niệu đạo hoặc niệu quản, có thể ảnh hưởng đến một hoặc hai quả thận.
- Tình trạng nhiễm trùng thận nếu không được điều trị có thể sẽ dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn, do đó bạn nên đi khám ngay khi phát hiện triệu chứng.
Sỏi niệu quản
Một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải là sỏi niệu quản. Khi bị sỏi trong niệu quản, bệnh nhân sẽ bị đau buốt dữ dội, đặc biệt là khi làm việc nặng. Cơn đau sẽ xuất hiện bên mạn sườn phải sau đó lan xuống bên dưới. Ở mức độ nặng hơn, sỏi niệu quản có thể gây tiểu buốt, tiểu ra máu.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn mạn tính phổ biến gây ảnh hưởng đến ruột già. IBS có thể sẽ gây đau ở vùng bụng dưới cùng với một số triệu chứng khác bao gồm:
- Táo bón
- Co thắt dạ dày
- Tiêu chảy
- Chướng bụng, đầy hơi,…
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra khi trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung, chẳng hạn như tại một trong các ống dẫn trứng. Tình trạng này có thể sẽ gây đau bụng dưới bên phải gần háng ở nữ (hay bên trái, tùy vị trí bám của trứng đã thụ tinh) cùng với các triệu chứng khác.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là túi chứa đầy chất lỏng nằm bên trong hoặc bên trên buồng trứng.
Hầu hết các u nang sẽ không gây đau đớn, khó chịu và có thể tự biến mất.
Một số các trường hợp u nang buồng trứng lớn, đặc biệt là nếu u bị vỡ, có thể sẽ dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng do vỡ u nang buồng trứng gồm đau âm ỉ, thỉnh thoảng đau bụng dưới bên phải (hay bên trái, tùy vào vị trí của u nang), chướng bụng, đầy hơi.
Phương pháp chẩn đoán đau bụng dưới bên phải
Để có thể xác định nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng, đồng thời chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như:
- Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng thiếu máu, viêm nhiễm.
- Siêu âm: Đánh giá một số cơ quan trong bụng, phát hiện u nang, viêm nhiễm.
- Chụp MRI hoặc CT: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các cơ quan trong bụng.
- Nội soi: Đánh giá trực tiếp tình trạng niêm mạc đường tiêu hóa.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá các chức năng thận, phát hiện tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra máu trong phân, ký sinh trùng.
Điều trị đau bụng dưới bên phải như thế nào?
Khi bị đau bụng dưới bên phải nữ, chị em cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám cũng như chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Dựa vào nguyên nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu đau do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành kê kháng sinh để điều trị theo phác đồ.
Nếu đau bụng dưới do viêm bàng quang, viêm ruột thừa, mang thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng hoặc tình trạng viêm tắc ống dẫn trứng, người bệnh phải thực hiện phẫu thuật xử lý sớm.
Trường hợp đau bụng dưới do viêm đại tràng, diễn ra từng đợt và tái phát thường xuyên, người bệnh cần tiến hành nội soi để có thể xác định nguyên nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo lộ trình phù hợp.
Khi bị đau bụng mà không rõ nguyên nhân, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý uống thuốc giảm đau. Việc cần làm lúc này là đi thăm khám tại các đơn vị y tế uy tín để có hướng điều trị thích hợp. Việc tự ý uống thuốc không theo đơn có thể sẽ khiến tình trạng nặng hơn, thậm chí gây các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Cách phòng ngừa hiệu quả đau bụng dưới bên phải
Để giúp giảm nguy cơ đau bụng dưới bên phải, bạn nên:
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Khám phụ khoa định kỳ và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Ăn uống lành mạnh: Tránh các thực phẩm cay nóng, đồ uống có gas và các chất kích thích.
- Vận động thường xuyên: Giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su và khám sức khỏe định kỳ.
- Tiêm chủng: Tiêm phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đau bụng dưới bên phải không chỉ là một triệu chứng đơn thuần mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh lý nghiêm trọng. Bài viết này của Pharmacity đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hãy xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học.