Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U nang buồng trứng là gì? Những điều cần biết về bệnh
U nang buồng trứng là khối u có vỏ bọc ngoài, chứa đầy chất lỏng hình thành trong buồng trứng. Đa phần u nang vô hại, nhưng một số có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hoặc có nguy cơ ác tính. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng (ovarian cysts) là những u hình thành trên hoặc trong buồng trứng, có vỏ bọc ngoài, bên trong chứa dịch. U nang buồng trứng có kích thước nhỏ 3-8cm hoặc to đến mức choáng hết ổ bụng.
Hầu hết u nang buồng trứng nhỏ, không gây ra triệu chứng, thường vô hại và tự biến mất. Nhưng các khối u nang lớn hơn có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, khó chịu tại chỗ, suy giảm chức năng sinh sản và đôi khi gây suy nhược cơ thể, thậm chí là tử vong do biến chứng.
Một số khối u nang buồng trứng – mặc dù hiếm gặp, có thể tiến triển thành ung thư buồng trứng.
Triệu chứng
U nang buồng trứng thường có nhiều loại khác nhau và 90% là khối u lành tính (ít gây ung thư), 10% phát triển thành ác tính. Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh bị u buồng trứng có nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Các khối u này tiến triển âm thầm với triệu chứng mơ hồ hoặc thậm chí không gây ra triệu chứng bất thường, đôi khi vô hại và tự biến mất. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp nhất:
- Đau vùng chậu, thắt lưng hoặc đùi: Người bệnh có thể gặp các cơn đau mơ hồ vùng chậu, dọc thắt lưng hoặc đùi. Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuyên gặp phải do các khối u chèn ép lên các cơ quan hoặc các dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu.
- Đau tức bụng dưới, đầy hơi, buồn nôn và nôn: Khối u có kích thước lớn có thể gây khó chịu tức thời cho người bệnh, đôi lúc cảm giác chướng bụng, bụng to, sờ thấy khối u. Đặc biệt, khi có cảm giác đầy hơi liên tục hằng ngày, nôn và buồn nôn thì nên cảnh giác với những tế bào ác tính ở buồng trứng do các khối u ác tính không vỡ, sẽ biến chứng thành ung thư gây hoạt tử và nhiễm trùng. Dấu hiệu đầy hơi, buồn nôn thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh về tiêu hóa khiến các chị em chủ quan, coi thường bệnh.
- Đi tiểu liên tục: Hiện tượng rối loạn tiểu tiện có thể do nhiều yếu tố và có thể do nhiều bệnh lý gây ra, bao gồm những vấn đề bàng quang, đường tiết niệu, các triệu chứng của đường huyết cao nhưng cũng là biểu hiện của bệnh u nang buồng trứng do sự chèn ép lên bàng quang của khối u từ đó thôi thúc bạn có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn, nhưng khi tiểu lại có cảm giác đau buốt, bứt rứt.
- Đau khi quan hệ tình dục: Nếu bạn quan hệ tình dục và cảm thấy đau ở một bên so với bên kia, thì bạn cần nghĩ đến u nang buồng trứng. Một số u nang khi phát triển với kích thước lớn, có thể nằm ngay ở cổ tử cung gây cản trở. Do đó, bạn sẽ xuất hiện cảm giác đau đớn khi quan hệ.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh bất thường hay còn gọi là chứng rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của nhiều bệnh phụ khoa trong đó có liên quan đến buồng trứng.
- Tăng cân không rõ nguyên nhân: Mặc dù không phải là triệu chứng điển hình của bệnh, tuy nhiên nếu bạn tăng cân bất thường đi kèm với một số triệu chứng kể trên thì bạn nên nghi ngờ và đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện sớm.
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng
Một số nguyên nhân chính gây u nang buồng trứng có thể kể đến bao gồm:
- Vấn đề về hormone: Các khối u nang chức năng xuất hiện có thể do những vấn đề về hormone hoặc các thuốc hỗ trợ rụng trứng gây ra.
- Lạc nội mạc tử cung: Các mô lạc nội mạc tử cung có thể bám vào buồng trứng và hình thành khối u. Những u nang này có thể gây đau khi quan hệ tình dục và trong kỳ kinh nguyệt.
- Mang thai: Thông thường, một vài nang buồng trứng có thể xuất hiện tự nhiên ở giai đoạn đầu thai kỳ để hỗ trợ cho bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành. Tuy nhiên, nang cũng có thể xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
- Nhiễm trùng vùng chậu: có thể lan ra buồng trứng và vòi trứng, từ đó gây hình thành ổ áp-xe có hình thái tương tự khối u nang.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, các chuyên gia y tế của Trung tâm Y tế – NHS còn khoanh vùng thêm vài nguyên nhân khác như: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tiền sử gia đình từng có người mắc phải tình trạng tương tự (di truyền).
Đối tượng nguy cơ
U nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả ở thai nhi, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh. Nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có kinh nguyệt.
U nang buồng trứng ít phổ biến hơn sau khi mãn kinh. Phụ nữ sau mãn kinh bị u nang buồng trứng có nguy cơ ác tính cao hơn.
Các yếu tố nguy cơ hình thành u nang buồng trứng là:
- Điều trị vô sinh bằng gonadotropin hoặc các chất kích thích rụng trứng khác.
- Thuốc tamoxifen.
- Mang thai.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Nhiễm trùng vùng chậu.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán u nang buồng trứng luôn kết hợp đồng thời kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng để có chẩn đoán chính xác nhất, tránh bỏ sót các dấu hiệu nhỏ ảnh hưởng đến kết quả.
Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ có thể khai thác một số thông tin của người bệnh làm cơ sở chẩn đoán như:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;
- Triệu chứng đau nhức, khó chịu ở vùng chậu;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Tiểu khó, bí tiểu, táo bón.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng gồm:
- Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, giá thành rẻ, cho biết được vị trí u, hình dạng, kích thước khối u, tính chất bên trong u. Hình ảnh trong siêu âm có thể gợi ý u lành hay u ác.
- Chụp CT scan hoặc MRI: Nếu u to nghi ngờ chụp MRI giúp thấy rõ hơn kết quả siêu âm, còn kết quả CT scan hỗ trợ chẩn đoán chính xác sự lan rộng hay di căn của khối u.
- Xét nghiệm tìm các dấu ấn bướu có thể gợi ý tính ác tính của u như: CA 125, AFP, beta HCG, HE4…
Phòng ngừa bệnh
Để giảm nguy cơ u nang buồng trứng bạn nên:
- Sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế sử dụng thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật, chất béo bão hòa, protein, chất kích thích. Thay vào đó, ăn nhiều loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, hidrocacbon, cellulose,… Đồng thời, uống đủ từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Tăng cường chức năng giải độc của gan.
- Kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
- Làm việc điều độ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường thể lực bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.Ngừng hút thuốc.
- Điều chỉnh cân nặng phù hợp.
Điều trị
- U nang cơ năng: Không cần điều trị, khối u thường biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt. Người bệnh được theo dõi bằng cách siêu âm lặp lại sau hành kinh. Người bệnh có thể kết hợp dùng thuốc tránh thai và các biện pháp được hướng dẫn để điều trị u nang buồng trứng cơ năng. Tuy nhiên, một số trường hợp u nang cơ năng gây biến chứng nguy hiểm như xoắn nang, vỡ nang gây mất máu, cần cấp cứu và xử trí kịp thời.
- U thực thể: Điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Tùy lứa tuổi, kích thước khối u, nguyện vọng mang thai và sinh con của từng chị em mà bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp, có thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng, hoặc chỉ bóc tách khối u lành khỏi buồng trứng.
- Phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng: ít đau, giảm thời gian nằm viện, thời gian phục hồi nhanh, dùng cho các trường hợp không nghi ngờ ác tính, u không quá to, không dính, có chỉ định cắt buồng trứng.
- Phẫu thuật mở bụng cắt u nang buồng trứng: u nang có kích thước lớn, nghi ngờ ung thư sẽ được chỉ định.
U nang buồng trứng là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ và đa số là các khối u lành tính (ít gây ung thư). Tuy tỷ lệ u buồng trứng và ung thư buồng trứng không nhiều nhưng đây là loại ung thư có độ ác tính cao và thường không có triệu chứng gì trong giai đoạn sớm, chỉ có thể phát hiện khi khám phụ khoa và siêu âm. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 4 – 6 tháng/ lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của u nang buồng trứng cũng như các bệnh phụ khoa khác.