Có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu: Nguyên nhân và Cách điều trị
Nhiều phụ nữ thỉnh thoảng gặp tình trạng có dấu hiệu tới tháng như đau bụng, mệt mỏi, đầy hơi, buồn nôn nhưng lại không ra máu kinh. Hiện tượng này tương đối thường gặp, gây hoang mang và lo lắng cho nhiều chị em. Lý do cho hiện tượng có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu và cần xử lý như thế nào? Cùng Pharmacity tìm hiểu nhé!
Tại sao có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu?
Nếu bạn xuất hiện tình trạng đau bụng như đến tháng nhưng không ra máu, có thể do những nguyên nhân sau đây:
Dấu hiệu mang thai
Khi trứng thụ tinh bám vào thành tử cung, bạn có thể cảm nhận được cơn đau nhẹ hoặc lâm râm ở vùng bụng dưới, tương tự như cơn đau bụng kinh. Điều này dễ gây nhầm lẫn, khiến nhiều chị em nghĩ rằng mình bị đau bụng kinh nhưng không ra máu. Để phân biệt giữa đau bụng do mang thai và đau bụng kinh, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
- Vị trí: Đau bụng có thai thường xảy ra ở vùng bụng dưới và lưng dưới, trong khi đau bụng kinh thường chỉ ở vùng bụng dưới.
- Cảm giác: Đau bụng có thai thường là cảm giác đau nhói, sưng tấy, trong khi đau bụng kinh thường là cảm giác co thắt, quặn thắt.
- Dấu hiệu kèm theo: Đau bụng có thai thường đi kèm với các dấu hiệu mang thai khác như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ngực căng tức, đi tiểu nhiều, chóng mặt… Đau bụng kinh thường chỉ có cảm giác đau bụng.
Bên cạnh đó, cùng với cơn đau bụng, việc mang thai có thể có dấu hiệu ra máu báo thai. Chúng thường xuất hiện ít, có màu hồng nhạt hoặc màu nâu động, không chứa nhiều dịch, hay vón cục, bốc mùi.
Đau bụng đau lưng nhưng không có kinh có thể do mang thai
Mang thai ngoài tử cung
Tới tháng nhưng không ra máu có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng thai nhi phát triển bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ. Một số dấu hiệu dễ nhận biết, bao gồm:
- Tới tháng nhưng không ra máu hoặc ra máu ít hơn bình thường là dấu hiệu phổ biến nhất của mang thai ngoài tử cung.
- Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, một bên và có thể lan ra vai hoặc lưng dưới.
- Có thể xuất hiện đốm máu hoặc chảy máu nhẹ trước hoặc sau khi kỳ kinh dự kiến.
- Tình trạng buồn nôn và nôn như các triệu chứng của thai kỳ bình thường, kèm theo việc chóng mặt, hoa mắt do thiếu máu do chảy máu trong ống dẫn trứng.
Rối loạn kinh nguyệt
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu là sự thiếu hụt hoặc dư thừa hai hormone progesterone và estrogen. Chúng đóng vai trò chi phối chức năng buồng trứng và quá trình rụng trứng. Khi bị mất cân bằng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị rối loạn, dẫn đến các biểu hiện như chậm kinh, máu kinh ít, thời gian hành kinh ngắn và đau bụng kinh.
Ngoài căng thẳng, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh cũng là những thủ phạm chính gây mất cân bằng nội tiết tố. Việc ăn uống thất thường, lười vận động, ngủ không đủ giấc,… đều có thể ảnh hưởng đến việc sản sinh hormone, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt dẫn đến không có kinh nguyệt
Có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu do tắc kinh
Tắc kinh, hay còn gọi là vô kinh, là tình trạng không có kinh nguyệt trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 3 tháng trở lên. Dấu hiệu dễ nhận thấy là trễ kinh trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng hay đau bụng kinh nhưng không ra máu hoặc máu ra ít, nhỏ giọt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc kinh, trong đó phổ biến nhất là rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến việc phát triển trứng và làm trứng không rụng. Còn có nguyên nhân khác như:
- Buồng trứng đa nang
- Các bệnh tuyến giáp
- U xơ tử cung
- Viêm tắc ống dẫn trứng
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô trong lòng tử cung phát triển bên ngoài tử cung, thường gặp nhất ở vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, ruột hoặc các mô trong sàn chậu. Những mô này cũng chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt, bong tróc và chảy máu, nhưng máu không thể thoát ra ngoài mà bị tích tụ, dẫn đến đau bụng kinh dai dẳng nhưng lại không ra máu.
Cơn đau do lạc nội mạc tử cung thường giống với đau bụng kinh thông thường, nhưng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong tháng, không chỉ vào kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, một số triệu chứng khác dễ nhận biết của bệnh bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đi ngoài hoặc đi tiểu sẽ bị đau nếu mô nội mạc tử cung có ở ruột hoặc bàng quang.
- Đau nhức dữ dội ở thắt lưng và vùng bụng dưới rốn.
Cơn đau do lạc nội mạc tử cung thường giống với đau bụng kinh thông thường
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng hình thành trên bề mặt hoặc bên trong buồng trứng. Đây là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và dẫn đến đau bụng kinh dai dẳng nhưng lại không ra máu.
Cơn đau do u nang buồng trứng thường xuất hiện đột ngột, đau dữ dội ở phần bụng dưới rốn và có thể lan sang đùi hoặc lưng dưới. Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác, trong đó phải kể đến:
- Đau nhức, tức vùng bụng dưới.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tăng cân không rõ nguyên nhân.
- Tiểu nhiều lần hoặc tiểu khó.
- Buồn nôn, nôn.
- Thay đổi thói quen đại tiện.
Cơn đau do u nang buồng trứng thường xuất hiện đột ngột, đau dữ dội
Có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu do Đa nang buồng trứng
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng rối loạn nội tiết tố do dư thừa hormone androgen trong cơ thể. Androgen vốn là hormone sinh dục nam, nhưng khi nồng độ cao ở phụ nữ, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. PCOS có thể gây ra các chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng, khiến bạn đau bụng kinh nhưng không ra máu hoặc đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh nguyệt.
Các bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, có hình dạng như cánh bướm, nằm ở phía trước cổ. Tuyến này có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hormone điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm cả quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.
Có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu khi tuyến giáp gặp vấn đề, sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể bị rối loạn. Dẫn đến chậm kinh, vô kinh và đau bụng kinh dai dẳng nhưng không ra máu. Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác liên quan đến bệnh tuyến giáp như:
- Cân nặng thay đổi bất thường mà không do thay đổi chế độ ăn uống hay tập luyện.
- Tim đập nhanh hoặc chậm.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Rụng tóc.
- Da khô, ngứa.
- Nóng hoặc lạnh bất thường.
- Thay đổi tâm trạng, lo âu.
Tuyến giáp sản xuất nhiều hoặc quá ít hormone dẫn đến rối loạn kinh nguyệt
Phải làm sao khi đau bụng như đến tháng nhưng không ra máu?
Khi gặp tình trạng tới tháng đau bụng nhưng không có kinh, hoặc cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh. Trước hết, bạn phải xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nếu đã quan hệ tình dục trước đó, hãy dùng que thử thai sau ít nhất 5 ngày trễ kinh để xem có thai hay không.
Còn nếu không phải, có thể là do căng thẳng, chế độ ăn uống, lối sống… Một số cách khắc phục tình trạng có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu như sau:
- Chế độ ăn uống: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để hỗ trợ co bóp tử cung, thúc đẩy quá trình kinh nguyệt diễn ra nhanh hơn. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt (cam, bưởi, chanh), bông cải xanh, cải bó xôi, cà chua,… Ngoài ra, có thể ăn dứa để hỗ trợ kinh nguyệt ra nhanh hơn, dùng gừng nghệ để chống viêm, giảm đau,…
- Tập luyện thể thao: Luyện tập thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện lưu thông máu và giảm các triệu chứng đau bụng kinh.
- Nghỉ ngơi và thư giãn: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng kinh. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, giảm căng thẳng bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền,… và nhớ ngủ đủ giấc.
- Hạn chế dùng chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và làm rối loạn kinh nguyệt, hạn chế hoặc cai nghiện hoàn toàn cho đến khi tới tháng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu tình trạng đau bụng kinh kéo dài hoặc không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Cách xử lý đau bụng như đến tháng nhưng không ra máu
Qua những thông tin trên, chắc hẳn các bạn đã nắm được nguyên nhân và cách khắc phục có dấu hiệu tới tháng nhưng không ra máu. Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài đến 2 – 3 tháng cùng các triệu chứng bất thường. Hãy đến ngay cơ sở y tế được chẩn đoán và điều trị nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.