Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm võng mạc là gì? Những điều cần biết về viêm võng mạc
Viêm võng mạc là bệnh về mắt đứng thứ hai chỉ sau đục thủy tinh thể. Bệnh có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực của người bệnh. Để hiểu thêm về các loại bệnh viêm võng mạc cũng như các cách điều trị, hãy cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan chung
Viêm võng mạc là gì?
Võng mạc là một bộ phận của mắt, nơi mà tiếp nhận ánh sáng đi vào mắt. Nếu coi mắt là một chiếc máy ảnh thì võng mạc được xem là phim ảnh. Ánh sáng sẽ chiếu đến mắt, xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc. Chính vì vậy, nếu võng mạc bị tổn thương thì sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt.
Phân loại viêm võng mạc
Viêm võng mạc được chia làm 2 loại phổ biến hiện nay là:
- Viêm võng mạc sắc tố: Võng mạc có 2 tế bào cảm quang (hình nón và hình que) đảm nhận vai trò truyền hình ảnh lên não bộ, do đó ta có thể nhìn thấy rõ các màu sắc mọi vật. Viêm võng mạc sắc tố (bệnh thoái hóa võng mạc di truyền) liên quan đến sự tổn thương hoặc phá hủy các tế bào hình que và làm giảm thị lực.
- Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch (còn gọi là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch): là sự tích tụ dịch ở dưới vùng hoàng điểm do có điểm rò rỉ dịch từ lớp dưới võng mạc.
Triệu chứng
- Triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của viêm võng mạc là mất thị lực ban đêm. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ bị gặp khó khăn khi di chuyển trong bóng tối hoặc thích nghi với ánh sáng mờ.
Một số triệu chứng khác như:
- Nhạy cảm với ánh sáng chói
- Mất tầm nhìn màu sắc
- Tầm nhìn trung tâm mờ
- Tầm nhìn trung tâm bị bóp méo
- Những đường thẳng trông như lượn sóng
- Các điểm trong tầm nhìn trung tâm có thể bị mờ hoặc tối
- Hình ảnh xuất hiện rồi biến mất
- Tầm nhìn đôi
- Đèn nhấp nháy
- Quầng sáng xuất hiện xung quanh nguồn sáng
- “Tấm màn” màu xám chặn tầm nhìn của bạn
- Bóng ngoại vi
- Điểm mù
- Giảm tổng thể về chất lượng thị giác
Nguyên nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm võng mạc được xác định dựa vào phân loại tình trạng viêm võng mạc. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh dựa trên từng loại viêm võng mạc:
-
Viêm võng mạc sắc tố
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm được nguyên nhân chính gây bệnh viêm võng mạc sắc tố. Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn nguyên nhân gây bệnh do yếu tố di truyền, sự bất thường của gen, sự biến đổi trên 50 loại gen dẫn đến sự thoái hóa của tế bào cảm nhận ánh sáng ở võng mạc.
Các gen này có nhiệm vụ sản xuất protein cho tế bào cảm quang của võng mạc. Khi gen đột biến, nó không thể tự sản sinh ra protein, làm hạn chế chức năng của các tế bào. Thêm vào đó, các đột biến khác sản sinh ra protein độc hại đến võng mạc. Hậu quả là các tế bào cảm quang bị tổn thương nặng nề, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh.
-
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch cũng không xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng các chuyên gia khẳng định bệnh có liên quan đến sự rối loạn vận mạch, rối loạn hàng rào máu trong võng mạc.
Ngoài ra, những người hay bị căng thẳng, người có cơ địa đặc biệt, người mắc bệnh nền bệnh toàn thân, người hút thuốc lâu năm…nhóm người này có nguy cơ mắc bệnh viêm võng mạc trung tâm thanh dịch cao hơn bình thường.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch xảy ra ở khoảng 10/100.000 người, tùy thuộc vào giới tính và các yếu tố nguy cơ khác. Bệnh xuất hiện phổ biến hơn ở:
- Đàn ông trung niên
- Người bị cận thị
- Những người dùng corticosteroid thường xuyên
- Phụ nữ mang thai có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Còn bệnh viêm võng mạc sắc tố xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Độ tuổi trung bình khởi phát triệu chứng phụ thuộc vào loại di truyền. Dạng nhiễm sắc thể lặn thường sẽ phát triển các triệu chứng ở những năm đầu tuổi thiếu niên, nhưng những người bị ảnh hưởng bởi nhiễm sắc thể trội có thể sẽ không có triệu chứng cho đến khi bước sang tuổi 20. Hơn 3/4 số người mắc triệu chứng viêm võng mạc được đánh giá lâm sàng và chẩn đoán bệnh khi họ 30 tuổi.
Chẩn đoán
Viêm võng mạc sắc tố
- Điện đồ võng mạc: Kiểm tra mức độ phản ứng của tế bào cảm quang với ánh sáng.
- Thử nghiệm trực quan: Bác sĩ chiếu 1 tia sáng tạo thành các chấm sáng, di chuyển ở các vị trí khác nhau quanh không gian 180 độ trước mặt người bệnh để phát hiện những vùng mất thị lực.
- Soi đáy mắt: Phát hiện điểm tối ở trên võng mạc
- Kiểm tra khả năng nhận biết được màu sắc của người bệnh
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
- Khám đáy mắt: bác sĩ sẽ phát hiện bọng dịch dưới võng mạc, hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng.
- Chụp mạch huỳnh quang: xác định điểm rò rỉ dịch, nhất là khi chuẩn bị điều trị bằng laser hoặc chụp cắt lớp võng mạc.
Phòng ngừa bệnh
Ngăn ngừa mất thị lực bởi bệnh viêm võng mạc bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:
- Tránh những nơi có quá nhiều ánh sáng.
- Đeo kính nhìn đêm có thể giúp cải thiện tầm nhìn ban đêm bằng cách tăng cường mức độ ánh sáng.
- Một số người bị viêm võng mạc sắc tố có khả năng nhận biết màu sắc kém. Bộ lọc màu có thể giúp một số cá nhân phân biệt màu sắc tốt hơn.
- Tròng kính màu có thể giúp giảm độ chói và cải thiện độ nhạy tương phản đối với một số người bị có thị lực suy giảm hoặc viêm võng mạc sắc tố.
- Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm võng mạc, đặc biệt là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin A (sữa, gan bò và dầu cá).
- Tránh ăn thực phẩm béo bão hòa, thực phẩm chiên và đồ uống có đường…
- Đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím. Tia cực tím (UV) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, điều này có thể gia tăng nguy cơ tổn thương và mắc viêm võng mạc nhiều hơn so với những người bình thường.
- Luyện tập thể dục đều đặn: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục có thể đóng vai trò ngăn ngừa các bệnh thoái hóa mắt như viêm võng mạc sắc tố và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác như bệnh tim, tiểu đường loại 2, đột quỵ.
- Đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao và các hoạt động khác có thể gây thương tích cho mắt.
Điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh viêm võng mạc sẽ tùy thuộc và tình trạng viêm mà bệnh nhân đang gặp phải, dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh viêm võng mạc:
Điều trị viêm võng mạc sắc tố
Đến thời điểm hiện tại, chưa có một phương pháp nào điều trị dứt điểm tình trạng thoái hóa biểu mô của sắc tố võng mạc. Những phương pháp được đưa ra chỉ nhằm làm giảm triệu chứng và sự tiến triển xấu đi của bệnh:
- Bổ sung các vitamin A, vitamin E trong chế độ dinh dưỡng để tăng cường thị lực và làm chậm quá trình thoái hóa. Bệnh nhân cần sử dụng đúng với liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Sử dụng kính để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng và các tác nhân gây hại từ môi trường, các tia cực tím từ ánh nắng chính là tác nhân làm tổn thương mắt nói chung, võng mạc nói riêng.
- Với trường hợp bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cấy ghép võng mạc để cải thiện được phần nào khả năng tiếp nhận ánh sáng.
Điều trị viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là bệnh lành tính nên cách điều trị sẽ phần nào đơn giản hơn viêm võng mạc sắc tố, một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay được áp dụng:
- Sử dụng Laser đốt vị trí rò rỉ dịch. Đây là phương pháp giúp bệnh ít bị tái lại. Tuy vậy, sử dụng laser dễ gây ra một vài biến chứng nên người bệnh nên cân nhắc. Sử dụng laser được chỉ định cho trường hợp bệnh kéo dài hoặc tái lại nhiều lần khi đã điều trị.
- Dùng thuốc giãn mạch, bổ sung dinh dưỡng và giảm phù nề cho mắt. Tuy nhiên, người bệnh không nên tùy tiện mua thuốc và sử dụng, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bệnh viêm võng mạc ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của chúng ta, nếu để bệnh trở nặng, người bệnh có thể bị mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, khi thấy mắt có dấu hiệu bất thường, bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.