Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tủy cắt ngang là gì? Những điều cần biết về viêm tủy cắt ngang
Viêm tủy cắt ngang thường gặp ở độ tuổi từ 10-19 tuổi và 30-39 tuổi gây tổn thương hoặc phá hủy myelin khiến tế bào thần kinh mất khả năng dẫn truyền các thông tin thần kinh từ tủy sống đến các cơ quan trong cơ thể.
Tổng quan chung
Viêm tuỷ cắt ngang là gì?
Viêm tủy cắt ngang là quá trình viêm của một hoặc nhiều khoanh tủy liên tiếp, thường là đoạn tủy ngực. Quá trình viêm gây phá hủy hoặc tổn thương Myelin, một chất giàu lipid bao bọc xung quanh sợi trục của tế bào thần kinh. Khi bị tổn thương myelin, tế bào thần kinh sẽ mất khả năng dẫn truyền các thông tin thần kinh( điện thế hoạt động) từ tủy sống tới các phần còn lại của cơ thể và gây ra các triệu chứng về cảm giác, vận động hoặc rối loạn cơ tròn.
Triệu chứng viêm tuỷ cắt ngang
Triệu chứng của viêm tủy cắt ngang có thể diễn ra trong vòng vài giờ đến vài ngày hoặc cũng có thể tiến triển âm thầm trong nhiều tuần.
Bệnh thường gây ảnh hưởng đến bên dưới vùng ảnh hưởng của tủy sống. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp chỉ nằm một bên cơ thể.
Những triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:
- Đau: Cơn đau do viêm tủy cắt ngang thường xảy ra đột ngột ở vùng lưng dưới, sau đó đau buốt lan dọc xuống chân, tay hoặc lan lên quanh ngực bụng của bạn. Những vị trí đau khác phụ thuộc vào vùng tủy sống bị ảnh hưởng.
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa ran, bỏng rát hoặc tê bì. Đôi khi nhạy cảm nhẹ với da, quần áo, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Vận động tay chân yếu: Một số người nhận thấy tay chân mình nặng nề hơn bình thường, dễ bị vấp ngã hoặc nhiều trường hợp yếu nghiêm trọng gây ra liệt toàn bộ.
- Xáo trộn hoạt động bàng quang và ruột: Đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu tiện không tự chủ, tiểu buốt hoặc táo bón.
Bệnh nhân mắc viêm tủy cắt ngang thường chỉ trải qua một đợt bệnh, nhưng biến chứng thì có thể kéo dài gồm các biểu hiện như:
- Đau: Đây là di chứng lâu dài của bệnh nhân mắc phải rối loạn này.
- Co cứng cơ: Thường gặp ở chân và mông với biểu hiện thắt chặt gây ra đau đớn.
- Liệt toàn bộ hoặc một phần cánh tay.
- Chức năng tình dục rối loạn: Ở nam gặp rối loạn cương cứng hoặc khó đạt cực khoái ở cả nam và nữ.
Nguyên nhân viêm tuỷ cắt ngang
Hơn một nửa số trường hợp, các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây bệnh, nhưng họ biết bệnh viêm tủy cắt ngang có thể xảy ra khi cơ thể đang cố gắng chống lại một căn bệnh hoặc khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh vì một lý do nào đó. Bệnh thường liên quan đến:
- Các bệnh tự miễn như lupus và hội chứng Sjogren gây viêm.
- Nhiễm trùng:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh Lyme, bệnh lao và giang mai
- Nhiễm trùng tủy sống, như aspergillus, blastomyces, coccidioides và cryptococcus
- Ký sinh trùng như toxoplasmosis, cysticercosis, schistosomiasis và anti strongyloid
- Nhiễm virus như varicella zoster, gây bệnh thủy đậu và bệnh zona; enterovirus; virus West Nile
- Đa xơ cứng (MS): viêm tủy cắt ngang có thể là dấu hiệu đầu tiên của đa xơ cứng, phá hủy myelin trong não và tủy sống. Nó cũng có thể là dấu hiệu tái phát. Nếu là đa xơ cứng giai đoạn sớm, có thể bạn chỉ có triệu chứng ở một bên cơ thể.
- Viêm tủy-thị thần kinh: bệnh này gây viêm và mất myelin của dây thần kinh trong não, tủy sống và dây thần kinh thị giác, gửi thông tin đến não. Nếu bạn mắc loại này, các triệu chứng sẽ xuất hiện ở cả hai bên cơ thể.
- Rối loạn mạch máu: giống như dị dạng động mạch, lỗ rò động tĩnh mạch màng cứng, dị dạng hang nội tủy sống, thuyên tắc đĩa.
Đối tượng nguy cơ mắc viêm tuỷ cắt ngang
Viêm tủy cắt ngang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, cũng như ở các chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên bệnh hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 10-19 tuổi và 30-39 tuổi.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm tủy cắt ngang như:
- Từng mắc bệnh truyền nhiễm
- Tiêm chủng gần đây
- Giới tính nữ
- Chấn thương vật lý gần đây
- Chọc tủy sống
Chẩn đoán viêm tuỷ cắt ngang
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tủy cắt ngang dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng, tiền sử bệnh, đánh giá lâm sàng về chức năng thần kinh và kết quả xét nghiệm.
Các xét nghiệm này, có thể chỉ ra tình trạng viêm tủy sống và loại trừ các rối loạn khác, bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp MRI có thể cho thấy tình trạng viêm tủy sống. Và có thể phát hiện các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây nên triệu chứng. Có thể kể đến như các bất thường tại tủy sống hoặc mạch máu.
- Chọc dò tủy sống thắt lưng. Bác sĩ sẽ sử dụng kim để hút một lượng nhỏ dịch não tủy, chất lỏng bảo vệ bao quanh tủy sống và não. Ở một số người bị viêm tủy cắt ngang, dịch não tủy có thể có số lượng tế bào bạch cầu hoặc protein hệ miễn dịch cao bất thường báo hiệu tình trạng viêm. Dịch tủy sống cũng có thể được xét nghiệm để tìm nhiễm virus hoặc một số bệnh ung thư.
- Xét nghiệm máu. Một số xét nghiệm giúp kiểm tra các kháng thể liên quan đến viêm dây thần kinh mắt, một tình trạng viêm xảy ra cả trong tủy sống và dây thần kinh trong mắt của bạn. Những người có xét nghiệm kháng thể dương tính có nhiều nguy cơ bị viêm tủy cắt ngang và cần điều trị để ngăn ngừa các đợt tấn công trong tương lai. Các xét nghiệm máu khác có thể xác định nhiễm trùng có thể góp phần gây viêm tủy cắt ngang hoặc loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng.
Phòng ngừa bệnh viêm tuỷ cắt ngang
Hiện nay không có cách nào để ngăn ngừa viêm tủy cắt ngang.
Bạn có thể xây dựng lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà như sau để có thể giúp bạn đối phó với bệnh viêm tủy cắt ngang:
- Thường xuyên tập thể dục.
- Một chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nước đầy đủ và đúng lúc, các loại thuốc giúp điều chỉnh sự bài tiết của ruột và tập thể dục đều đặn là những điều đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của đường tiêu hóa.
- Mệt mỏi là một triệu chứng rất thường gặp trong viêm tủy cắt ngang. Điều quan trọng là bạn cố gắng xác định nguyên nhân cơ bản gây mệt mỏi. Nếu bạn không thể ngủ vì đau, rối loạn chức năng bàng quang hoặc trầm cảm, điều này cần được xác định và giải quyết.
- Những thay đổi về cảm giác thường xảy ra ở bệnh nhân viêm tủy cắt ngang. Mặc dù triệu chứng này có thể cải thiện theo thời gian, nhưng bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị để bạn không phải chịu đựng nó. Một loại thuốc sẽ không có tác dụng giống nhau cho tất cả mọi người, vì vậy bạn có thể phải thử thuốc để tìm ra loại thuốc phù hợp. Các liệu pháp thay thế như châm cứu và thiền định cũng được sử dụng, với mức độ thành công khác nhau.
Điều trị viêm tuỷ cắt ngang như thế nào?
Điều trị nội khoa
Một số liệu pháp nhắm vào các dấu hiệu và triệu chứng cấp tính của viêm tủy cắt ngang:
Phương thức điều trị thường dùng
- Steroid đường tĩnh mạch. Bạn có thể sẽ được truyền steroid qua tĩnh mạch ở cánh tay trong vài ngày. Steroid giúp giảm tình trạng viêm trong cột sống.
- Liệu pháp thay huyết tương. Những người không đáp ứng với steroid tiêm tĩnh mạch có thể cần liệu pháp thay huyết tương. Điều này có nghĩa là huyết tương trong máu của bạn sẽ được lọc và thay thế nhằm cải thiện các triệu chứng. Không rõ liệu pháp này giúp những người bị viêm tủy cắt ngang như thế nào, nhưng có thể là quá trình trao đổi huyết tương loại bỏ các kháng thể gây viêm.
- Thuốc kháng vi-rút. Một số người bị nhiễm vi-rút – tác nhân gây ra viêm tủy sống cắt ngang – có thể được điều trị bằng thuốc để điều trị vi-rút.
- Thuốc giảm đau. Đau mãn tính là một biến chứng phổ biến của viêm tủy cắt ngang. Các loại thuốc có thể làm giảm đau cơ bao gồm thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen và naproxen sodium. Đau dây thần kinh có thể được điều trị bằng các nhóm thuốc khác. Như thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như sertraline (Zoloft). Hay thuốc chống co giật, chẳng hạn như gabapentin (Neurontin, Gralise) hoặc pregabalin (Lyrica).
Các phương thức kèm theo
- Thuốc để điều trị các biến chứng khác. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác nếu cần để điều trị các vấn đề như co cứng cơ, rối loạn chức năng tiết niệu hoặc ruột, trầm cảm hoặc các biến chứng khác liên quan đến viêm tủy cắt ngang.
- Thuốc để ngăn ngừa các đợt tái phát của viêm tủy cắt ngang. Những người có kháng thể liên quan đến viêm tủy thần kinh mắt cần dùng thuốc liên tục. Chẳng hạn như corticosteroid và/hoặc thuốc ức chế miễn dịch, để giảm nguy cơ bị viêm tủy cắt ngang hoặc phát triển viêm dây thần kinh thị giác.
Các liệu pháp khác
Các liệu pháp bổ sung tập trung vào việc phục hồi và chăm sóc lâu dài:
- Vật lý trị liệu: Điều này giúp cải thiện sức mạnh và sự phối hợp. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn sử dụng những thiết bị hỗ trợ cần thiết. Chẳng hạn như xe lăn, gậy hoặc nẹp.
- Các liệu pháp vật lý trị liệu nâng cao: Điều này giúp những người bị viêm tủy cắt ngang học được những cách mới để thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như tắm rửa, chuẩn bị bữa ăn và dọn dẹp nhà cửa.
- Tâm lý trị liệu: Một nhà trị liệu tâm lý có thể sử dụng liệu pháp trò chuyện để điều trị lo âu, trầm cảm, rối loạn chức năng tình dục và các vấn đề cảm xúc hoặc hành vi khác do đối phó với bệnh viêm tủy cắt ngang.