Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm phế quản là gì? Những điều cần biết về viêm phế quản
Viêm phế quản là một bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi. Do niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dày lên, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, tăng tiết dịch gây ra ho, có thể kèm theo đờm đặc… khiến bệnh nhân khó thở. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Khi mắc viêm phế quản, người bệnh thường ho, khạc đờm. Có hai loại viêm phế quản gồm:
- Viêm phế quản cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở người trước đó không có tổn thương, thường do vi khuẩn, virus hoặc cả hai.
- Viêm phế quản mãn tính: Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, nó sẽ kích thích liên tục các ống phế quản, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính có cấp độ nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.
Triệu chứng
Đối với viêm phế quản cấp tính hoặc viêm phế quản mãn tính, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Ho kéo dài
- Sản xuất chất nhầy (đờm), có thể có màu trong, trắng, xám vàng hoặc xanh lục – hiếm khi, nó có thể có vệt máu
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Sốt nhẹ và ớn lạnh
- Tức ngực
Viêm phế quản cấp tính: người bệnh có thể có các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như nhức đầu nhẹ hoặc đau nhức cơ thể. Mặc dù các triệu chứng này thường cải thiện trong khoảng một tuần, nhưng người bệnh có thể bị ho dai dẳng kéo dài trong vài tuần.
Viêm phế quản mãn tính: là ho khan kéo dài ít nhất ba tháng, với các cơn tái phát xảy ra trong ít nhất hai năm liên tiếp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh ban đầu thường do nhiễm virus như virus hợp bào hô hấp, virus cúm,… hoặc do bội nhiễm vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, haemophilus influenzae. Bên cạnh đó, một số yếu tố môi trường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản như:
- Khói thuốc lá
- Khói bụi
- Ô nhiễm môi trường
- Hóa chất nồng độ cao
- Các loại phấn hoa
- Không khí quá lạnh, khô và ẩm
Ngoài ra, người có sức đề kháng kém như người lớn tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, những người mắc các bệnh lý mãn tính… và người có lối sống không lành mạnh, ăn uống thất thường hoặc ăn không đầy đủ dinh dưỡng… cũng dễ mắc các bệnh về phổi.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có khả năng nhiễm bệnh cao khiến cho các tác nhân gây bệnh nguy hiểm có điều kiện phát triển nhanh chóng hơn, cụ thể:
- Các bạn nhỏ dưới 2 tuổi là những người dễ bị nhiễm bệnh nhất.
- Những người trên 65 tuổi.
- Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc uống rượu bia quá nhiều trong thời gian dài.
- Những người sử dụng thuốc kháng sinh thời gian trước đó với nguy cơ cao có thể bị viêm phế quản phổi.
- Những người vừa làm phẫu thuật hoặc gặp những chấn thương nặng trong thời gian gần đây.
- Những người bị chứng nhiễm trùng hô hấp trên, ví dụ như bệnh cảm lạnh hoặc bệnh cúm có thể chuyển sang thành chứng viêm phế quản phổi.
- Người có tiền sử mắc phải các bệnh lý có liên quan đến hô hấp mạn tính điển hình như chứng COPD, chứng xơ nang hoặc giãn phế quản và hen phế quản.
- Những người có tiểu sử về các loại bệnh lý khác ví dụ như đái tháo đường, suy tim hoặc chứng suy gan.
- Những người có vấn đề về chứng suy giảm hệ miễn dịch ví dụ như nhiễm HIV hoặc mắc phải các căn bệnh như rối loạn tự miễn.
- Những người hiện tại đang điều trị các bệnh khác thông qua những loại thuốc có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch (ví dụ hóa trị ung thư, các loại thuốc chống thải ghép hoặc thuốc corticosteroid).
Những đối tượng này cần phải sử dụng những biện pháp nhằm phòng ngừa và tránh tình trạng nhiễm trùng. Nhất là khi bạn phải tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm phế quản phổi vì chúng rất dễ lây nhiễm bệnh.
Chẩn đoán
Viêm phế quản cấp có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, cũng có một vài triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên thực hiện một số kỹ thuật như:
- Chụp X-quang phổi: Dựa vào hình ảnh trên phim X-quang, bác sĩ có thể phân biệt bệnh nhân bị viêm phế quản cấp hay mắc các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, áp xe phổi.
- Xét nghiệm: Mục đích của việc xét nghiệm là giúp tìm ra chính xác căn nguyên gây bệnh là do vi khuẩn, virus hay tác nhân khác. Một số xét nghiệm có thể chẩn đoán viêm phế quản cấp là nuôi cấy đờm, xét nghiệm pcr 26 tác nhân, xét nghiệm panel…
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh viêm phế quản người bệnh cần lưu ý một số biện pháp sau đây:
- Giữ vệ sinh vùng tai mũi họng.
- Giữ ấm đường hô hấp.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối.
- Uống nhiều nước ấm.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Thường xuyên tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe.
- Tuân thủ điều trị với những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính.
- Tránh xa các dị nguyên gây dị ứng.
- Tránh các loại khói, bụi, hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường.
- Không hút thuốc.
- Hạn chế sử dụng thức uống có cồn và chất gây nghiện.
Điều trị viêm phế quản
Tùy mỗi tình trạng viêm phế quản sẽ được điều trị khác nhau:
Viêm phế quản cấp tính:
- Chủ yếu là do virus do đó không nên sử dụng kháng sinh (trừ khi được bác sĩ chỉ định là viêm phế quản do vi khuẩn). Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, tránh khói bụi, thuốc lá… bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần.
- Tùy từng triệu chứng bác sĩ có thể kê một số thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm… để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
- Nếu bệnh nhân có ho nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt… bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm ho. Lưu ý là tùy tình trạng ho sẽ có thuốc phù hợp, chính vì thế bệnh nhân không nên tự mua thuốc ho về uống. Ví dụ với ho khan, chỉ nên dùng thuốc giảm ho như terpin codein, dextromethorphan. Nếu ho có đờm, cần dùng thuốc long đờm để việc tống đẩy đờm ra ngoài thuận lợi hơn như thuốc: acetylcystein, guaifenesin, eprazinon dichlorhydrate (thuốc không dùng cho trẻ em).
- Trường hợp có đờm không được sử dụng thuốc ức chế ho, vì sẽ làm cho đờm không được tống đẩy ra ngoài, bệnh sẽ lâu khỏi và trầm trọng hơn.
- Nếu bệnh nhân có khó thở, thuốc giãn phế quản như theophylin, salbutamol có thể được sử dụng.
Viêm phế quản mãn tính
- Điều trị viêm phế quản mạn cần đạt được 3 mục tiêu: Chống nhiễm khuẩn mới; phục hồi lưu thông không khí; chống nguy cơ suy hô hấp. Do đó tùy từng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ có những đơn thuốc thích hợp để điều trị.
- Cũng như viêm phế quản cấp, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc ho khi chưa có chỉ định. Bởi ho là phản xạ có lợi trong bệnh lý hô hấp. Động tác ho sẽ giúp tống đẩy đờm (có chứa nhiều vi khuẩn, virus) trong đường hô hấp ra ngoài, giúp mau khỏi bệnh. Chỉ lưu ý là bệnh nhân nên ho vào khăn giấy và vứt gọn để tránh lây nhiễm vi khuẩn, virus ra xung quanh.
- Nếu có nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phổ rộng, liều dùng tối thiểu 5 ngày. Sau đó tái khám để đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định có được dừng kháng sinh hay tiếp tục dùng.
- Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có sẵn bệnh lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất dễ bị co thắt phế quản cấp. Do đó bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản nhóm cholinergic. Đây là các thuốc giúp làm giãn tạm thời các phế quản bị hẹp trong phổi.
- Các thuốc nhóm steroid giúp giảm nhanh tình trạng viêm.
- Trong trường hợp viêm phế quản mạn tính có kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, bệnh nhân có thể phải thở oxy liên tục hoặc tùy theo nhu cầu. Nếu sử dụng bình oxy tại nhà thì phải đặc biệt chú ý không được đặt thiết bị gần những chất dễ cháy nổ như rượu, xăng, các loại bình xịt… hoặc gần những nguồn nhiệt như bếp, máy sấy tóc, lò sưởi…
Trong điều trị viêm phế quản nói chung, biện pháp quan trọng nhất là ngừng hút thuốc. Với viêm phế quản mạn tính và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đang trong giai đoạn tiến triển thì việc ngừng hút thuốc (hoặc tránh hít phải khói thuốc thụ động) giúp làm giảm đi độ nặng của các triệu chứng và cải thiện tiên lượng cuộc sống.
Kết luận
Viêm phế quản là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được chăm sóc đúng cách. Để phòng ngừa viêm phế quản, hãy duy trì vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh xa các tác nhân gây kích thích như khói thuốc, bụi bẩn, và các hóa chất độc hại. Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng. Nếu bạn có triệu chứng ho kéo dài, khó thở hay đau ngực, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe hô hấp không chỉ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh mà còn bảo vệ những người thân yêu xung quanh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.