Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm Gân Bánh Chè Là Gì? Dấu Hiệu, Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Viêm gân bánh chè là một bệnh lý thường gặp ở những người hoạt động thể thao hoặc có công việc yêu cầu vận động nhiều. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, và cách phòng ngừa, điều trị viêm gân bánh chè.
Tổng quan chung
Gân bánh chè là phần nối giữa xương bánh chè và xương chày, có vai trò giúp cơ đùi và bắp chân duỗi thẳng khi chúng ta vận động: đi, chạy, nhảy…
Viêm gân bánh chè (hay viêm gân xương bánh chè, viêm điểm bám gân bánh chè) là tình trạng gân bánh chè bị viêm và sưng tấy do khớp gối hoạt động liên tục với cường độ cao kéo dài. Chính vì thế, các vận động viên nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền… là đối tượng rất dễ gặp tình trạng này.
Tuy nhiên, người bình thường cũng có thể bị viêm xương gân bánh chè nếu không khởi động kỹ trước khi vào bài tập chính hoặc chọn bài tập quá sức. Đồng thời, quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể cũng là yếu tố thúc đẩy tình trạng trên diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng
Khi bị viêm gân xương bánh chè, người bệnh có dấu hiệu chính là đau nhức. Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí trước gối. Các triệu chứng phổ biến gồm:
- Cơn đau tăng dần và âm ỉ. Rất ít trường hợp đau ở mức độ dữ dội. Đặc điểm của cơn đau viêm gân xương bánh chè là đau liên tục.
- Người bệnh đau mạnh, sau đó giảm dần rồi lại tăng lên.
- Cơn đau nặng hơn khi vận động, gấp duỗi chân như ngồi xổm, leo cầu thang…
- Đầu gối bị căng cứng, khó mở rộng.
- Viêm gân xương bánh chè thường tiến triển theo 2 hướng: Tự khỏi hoặc trở thành mãn tính.
Nguyên nhân
Viêm gân bánh chè là một chấn thương quá mức thông thường. Nó xảy ra khi gân bánh chè chịu các lực liên tục, dẫn đến tổn thương gân.
Các yếu tố dẫn đến tình trạng viêm gân bánh chè:
- Cường độ và tần suất hoạt động thể chất: Nhảy lặp đi lặp lại thường xuyên, tăng đột ngột cường độ hoạt động thể chất thể thao
- Thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực lên gân bánh chè, dẫn đến tăng nguy cơ viêm gân bánh chè.
- Đặc điểm giải phẫu: Lệch trục chi, xương bánh chè lên cao, mất cân bằng cơ, teo cơ cẳng chân…
- Vì thế ai cũng có thể bị viêm gân bánh chè, dù có nhảy thường xuyên hay không.
Đối tượng nguy cơ
Viêm gân xương bánh chè thường gặp ở các vận động viên, người chơi thể thao, người vận động nhiều. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh viêm gân bánh chè bao gồm: người bị chấn thương; người mắc các bệnh mãn tính về xương khớp như gút, viêm khớp; người cao tuổi; người có giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục…
Đặc biệt, viêm gân bánh chè có thể gặp ở những người mắc bệnh béo phì, hai chân không bằng nhau khiến một chân chịu quá tải…
Chẩn đoán
Người bệnh nên đến cơ sở y tế để điều trị ngay nếu đau gân bánh chè không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều tới khả năng đi lại, xuất hiện tình trạng sưng tấy và phù nề.
Các phương pháp chẩn đoán thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm gân bánh chè gồm:
- Thăm khám lâm sàng để xác định tần suất, mức độ, vị trí… của cơn đau.
- Chụp X-quang để loại trừ các vấn đề về xương khác có thể gây đau gối.
- Chụp MRI và siêu âm nhằm kiểm tra tình trạng gân và phát hiện tổn thương ở mô mềm.
Phòng ngừa bệnh
Để giảm nguy cơ mắc viêm gân bánh chè, mọi người cần lưu ý:
- Không chơi thể thao khi đau gối.
- Tránh các hoạt động gây đau, chuyển sang các môn thể thao gây áp lực lên gân bánh chè ít hơn.
- Nếu đau đầu gối khi chơi thể thao cần nghỉ ngơi, chườm đá, giảm đau.
- Tăng cường các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu, cơ vùng cẳng chân.
- Mang giày dép phù hợp với việc phân bố trọng lượng cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng những thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen. Nếu sau khi dùng thuốc, cơn đau vẫn không thuyên giảm, bạn nên báo ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Vật lý trị liệu
- Bài tập giãn cơ: Thực hiện các bài tập giãn cơ thường xuyên để giảm tình trạng co thắt cơ. Lưu ý khi tập không nên thực hiện động tác quá nhanh hoặc đột ngột.
- Bài tập nâng cao sức cơ: Cơ đùi yếu sẽ tạo nhiều áp lực lên gân xương bánh chè. Vì thế, người bệnh nên thực hiện thường xuyên và đều đặn các dạng bài tập này để tăng cường sức cơ vùng chân, rất hữu ích cho quá trình điều trị viêm gân bánh chè.
- Băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè (Patellar tendon strap): Băng đeo sẽ giúp phân tán lực ra khỏi gân, truyền lực vào dây đeo. Qua đó, băng đeo sẽ giúp giảm đau vùng gối khi cử động.
Phẫu thuật và những phương pháp xâm lấn
Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp như:
- Tiêm corticosteroid thông qua siêu âm định hướng đi vào vỏ bọc quanh gân, giúp giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể làm gân suy yếu và dễ đứt hơn.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này giúp hình thành các mô mới, hỗ trợ quá trình gân phục hồi.
- Phẫu thuật: Rất ít trường hợp cần đến can thiệp phẫu thuật. Đây thường là lựa chọn điều trị cuối cùng cho người bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ vùng gân bị tổn thương.
Kết luận
Viêm gân bánh chè là một vấn đề phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu chúng ta nhận thức rõ nguyên nhân, triệu chứng, và cách chăm sóc. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp sẽ giúp giảm nguy cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi gặp các vấn đề về sức khỏe.
Chăm sóc gân bánh chè đúng cách không chỉ giúp bạn tiếp tục tham gia các hoạt động yêu thích mà còn đảm bảo rằng bạn sẽ không gặp phải các biến chứng nghiêm trọng trong tương lai. Hãy dành thời gian để tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình.