Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U cơ trơn tử cung là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
U xơ tử cung (u cơ trơn) là khối u cơ trơn lành tính của tử cung. U xơ thường gây chảy máu tử cung bất thường và tì đè ở vùng chậu và đôi khi gây ra các triệu chứng tiết niệu hoặc triệu chứng đường ruột, vô sinh hoặc các biến chứng khi mang thai. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về u xơ tử cung.
Tổng quan chung về u xơ tử cung
U xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung là một bệnh lý lành tính của tử cung. U xơ là những khối u được cấu tạo bởi các tế bào cơ trơn và mô liên kết dạng sợi, chúng phát triển trong tử cung. Người ta ước tính rằng 70 – 80% phụ nữ sẽ phát triển khối u xơ trong tử cung ở một khoảng thời gian trong cuộc đời, tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng hoặc cần điều trị.
Khi phát hiện u xơ cổ tử cung, bác sĩ thường quan tâm đến vị trí, kích thước và số lượng khối u trên tử cung cũng như những triệu chứng bệnh gây ra. Tuỳ vào tình trạng, kích thước và số lượng khối u, người bệnh có thể gặp những triệu chứng khác nhau.
Theo thời gian, kích thước khối u sẽ to lên nhưng rất chậm. Khi người phụ bước vào thời kỳ mãn kinh, kích thước khối u sẽ có xu hướng nhỏ dần đi. Tuy nhiên, nếu qua thăm khám phát hiện khối u to lên nhanh bất thường thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý ác tính.
Triệu chứng u xơ tử cung
Hầu hết nhân xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và không cần điều trị ngoài việc theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ sản khoa. Đối với những khối u xơ lớn có thể khiến bạn gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Kinh nguyệt nhiều hoặc chu kỳ kinh kéo dài;
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều;
- Chảy máu giữa các kỳ kinh;
- Đau và áp lực vùng chậu;
- Đi tiểu thường xuyên;
- Táo bón;
- Đau lưng dưới;
- Đau và chảy máu khi giao hợp;
- Khí hư ra nhiều;
- Cảm giác đầy bụng, chướng bụng;
- Khó mang thai;
Sau khi chị em trải qua thời kỳ mãn kinh, lượng hormone trong cơ thể suy giảm, do đó các triệu chứng của u xơ tử cung thường ổn định hoặc biến mất.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh u xơ cổ tử cung chưa được xác định rõ ràng. Phần lớn nhân xơ tử cung cung xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và thường không gặp ở những phụ nữ trẻ chưa có kinh lần đầu. Một số giả thuyết cho rằng u xơ trong cổ tử cung có liên quan đến nội tiết, trong đó vai trò của estrogen và progesteron thông qua yếu tố tăng trưởng biểu mô hoặc khi người ta nhận thấy có các rối loạn nhiễm sắc thể ở trong khối u. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Di truyền học: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt về gen giữa u xơ và các tế bào bình thường trong tử cung.
- Các yếu tố tăng trưởng: Các chất trong cơ thể giúp duy trì mô như yếu tố tăng trưởng giống insulin, chất này có thể đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của u xơ.
- Chất nền ngoại bào (Extracellular matrix – ECM): ECM có tác dụng làm cho các tế bào của bạn kết dính với nhau. Người ta phát hiện trong các khối u xơ có nhiều ECM hơn các tế bào bình bình thường.
Đối tượng nguy cơ
Dù nguyên nhân dẫn đến bệnh vẫn chưa được xác định rõ nhưng một số đối tượng có các yếu tố dưới đây được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
- Tuổi tác: U xơ trở nên phổ biến hơn khi phụ nữ trưởng thành đặc biệt là ở độ tuổi 30, 40 và đến tuổi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, u xơ ít hình thành hơn, hoặc nếu trước đó có u xơ thì khối u có xu hướng nhỏ dần.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có thành viên bị u xơ tử cung thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu người mẹ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải của con gái sẽ cao hơn 3 lần so với mức trung bình.
- Nguồn gốc dân tộc: Theo nghiên cứu phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị nhân xơ tử cung cao hơn so với phụ nữ ở các sắc tộc khác.
- Béo phì: Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt đối với những phụ nữ quá nặng cân, nguy cơ này cao hơn mức trung bình từ hai đến ba lần.
Chẩn đoán
Nhân xơ tử cung thường được phát hiện khi khám sức khỏe. Bác sĩ có thể sờ thấy một cục cứng ở vùng bụng hoặc thông qua một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện khối u xơ.
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp chẩn đoán u xơ tử cung được sử dụng phổ biến nhất. Hầu hết các khối u được phát hiện thông qua siêu âm tử cung và phần phụ qua ổ bụng. Trước khi siêu âm, chị em cần nhịn tiểu để làm đầy bàng quang, lúc này bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương một cách chính xác hơn. Bên cạnh đó một số trường hợp khối u xơ nằm ở dưới niêm mạc cần được siêu âm bằng đầu dò âm đạo
- MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI được sử dụng để kiểm tra và đánh giá đặc điểm của khối u tốt hơn. Với phương pháp này có thể cung cấp cho bác sĩ về kích thước, số lượng và vị trí của các khối u xơ. Chúng ta cũng có thể phân biệt giữa u xơ và u tuyến, cũng như phân biệt với các bệnh lý ác tính khác của tử cung.
Phòng ngừa u xơ tử cung
Nói chung, bạn không thể ngăn ngừa u xơ tử cung. Bạn có thể chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì trọng lượng cơ thể và khám phụ khoa thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn nên áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ góp phần giảm nguy cơ bị u xơ tử cung.
Điều trị u xơ tử cung như thế nào?
Điều trị u xơ tử cung có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ, cũng như những triệu chứng mà khối u gây ra. Nếu bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào do u xơ ở tử cung, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi khối u. Ở những người tiền mãn kinh, mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây triệu chứng cũng không cần điều trị vì sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ đi.
Tốt nhất trong chữa trị u xơ tử cung là bạn cần được theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u theo thời gian. Bác sĩ có thể đề nghị khám phụ khoa và siêu âm định kỳ tùy thuộc vào kích thước hoặc các triệu chứng của khối u xơ. Kế hoạch điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Số lượng u xơ ở tử cung của bạn;
- Kích thước của nhân xơ tử cung của bạn;
- Vị trí của khối u xơ nằm ở đâu trong tử cung;
- Những triệu chứng bạn đang gặp phải liên quan đến khối u xơ;
- Mong muốn về việc mang thai của bạn trong tương lai;
- Mong muốn của bạn để bảo tồn tử cung.
Chỉ định điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố, các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay như:
- Điều trị nội khoa
- Điều trị can thiệp ít xâm lấn
- Dùng hormone
- Phẫu thuật.
Với những khối u cơ trơn tử cung, khi người bệnh có triệu chứng, có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật bóc tách khối u, cắt tử cung hoặc cắt bán phần tử cung. Điều trị bằng thuốc được xem là phương pháp điều trị tạm thời và bệnh nhân phải uống thuốc thường xuyên trong một thời gian (tức là dùng hormone thường xuyên).
Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng để điều trị triệt để khối u. Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa, bệnh nhân sẽ phải chịu một cuộc phẫu thuật, phải gây mê và mất tử cung (trong trường hợp cần phải cắt tử cung).
Với bệnh nhân bóc tách u, sau này vẫn có nguy cơ tái phát vì vẫn còn cơ tử cung. Khi đã phẫu thuật u xơ tử cung thì cơ hội mang thai lại cho phụ nữ là rất thấp, trừ những trường hợp bóc tóc khối u nhưng vẫn bảo tồn được tử cung. Còn khi mổ gây biến dạng buồng tử cung thì phụ nữ giảm cơ hội có thai, hoặc trong trường hợp đã cắt toàn bộ tử cung thì chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.