Các biện pháp điều trị táo bón hiệu quả
Táo bón là một vấn đề thường gặp ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Điều trị bằng một số biện pháp khoa học mang lại hiệu quả rất cao cho bệnh nhân táo bón, cải thiện tốt chất lượng cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết táo bón
Các triệu chứng táo bón ở mỗi đối tượng, độ tuổi có thể khác nhau nhưng thường có các đặc điểm chung là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, tỏn mỏn, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng. Cụ thể hơn:
- Dấu hiệu táo bón ở người lớn: Quá 3 ngày không thể đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được, hoặc rất khó để tống phân ra ngoài, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn.
- Dấu hiệu táo bón ở trẻ em: Không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức. Hoặc ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi 5-7 ngày không đi đại tiện; phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy; trẻ quấy khóc, lười ăn/bú, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng.
Trường hợp táo bón mức độ nặng:
- Tần suất đi đại tiện rất thấp, chỉ khoảng 1 lần/tuần, phân rắn màu đen và vón cục
- Đau quặn bụng theo từng cơn, bụng luôn có cảm giác căng chướng và đầy hơi.
- Rặn mạnh khi đi đại tiện khiến hậu môn bị rách và gây ra các triệu chứng như chảy máu, đau rát,…
- Biến chứng sang bệnh trĩ hoặc viêm mạch máu, trường hợp phân khô cứng ứ đọng bên trong còn gây tắc nghẽn cục bộ.
- Cơ thể bị suy nhược, xanh xao và gầy sút cân nghiêm trọng.
Các phương pháp điều trị táo bón hiệu quả
Về cơ bản, việc điều trị táo bón sẽ thường bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả việc uống các loại nước ép trái cây; tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp; không ăn các loại quả xanh chát; không uống nước ngọt đóng chai, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia…
- Vận động: Người bệnh nên tập 30 phút thể dục mỗi ngày. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.
- Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thành giờ sinh học cho cơ thể. Điều này giúp cho việc đại tiện luôn đều đặn trong một khung giờ mỗi ngày.
- Thuốc: Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Lưu ý, không được dùng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh.
- Thụt hậu môn: Thụt hậu môn có thể được áp dụng khi việc đại tiện không thể thực hiện. Thuốc thụt hậu môn và phương pháp thụt, người bệnh nên nắm kỹ trước khi áp dụng, nhất là áp dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai nhằm tránh tổn thương vùng hậu môn trực tràng và ảnh hưởng đến thai nhi.
- Phẫu thuật: Một số tình trạng táo bón có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.
Bị táo bón, khi nào cần đi khám bác sĩ?
Táo bón là tình trạng bệnh không gây nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, chất lượng cuộc sống. Táo bón nếu kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ, ung thư trực tràng…
Theo đó, để chữa táo bón hiệu quả chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây, uống nhiều nước và tăng cường tập thể dục. Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, bạn không nên sử dụng thuốc nhuận tràng nhiều hơn hai tuần nếu như không có ý kiến của bác sĩ. Bởi việc này có thể dẫn đến cơ thể bạn phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc khi muốn đi tiêu, chưa kể việc làm dụng thuốc có thể khiến bạn không thể đi ngoài tự nhiên được nữa.
Vì vậy, nếu để ý thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng sau bạn không nên tự trị táo bón tại nhà, hãy sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Bị táo bón kéo dài hơn 3 tuần dù đã dùng thuốc nhuận tràng hoặc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động.
- Đi tiêu có máu lẫn trong phân, hoặc luôn cảm thấy khó chịu, đau rát hoặc chảy máu hậu môn sau khi đi tiêu.
- Luôn cảm thấy đau bụng, chướng bụng, đau rát/ gặp khó khăn khi đi tiêu…
- Đau quặn ở vùng hậu môn hoặc bụng khi đi vệ sinh.
- Táo bón và tiêu chảy diễn ra xen kẽ.
- Sốt, nôn nhiều, gây sút cân.
- Có dấu hiệu của bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc sa trực tràng.