Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhược cơ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Nhược cơ là bệnh tự miễn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tử vong do suy hô hấp cấp. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về nhược cơ là gì nhé.
Tổng quan chung
Nhược cơ hay yếu cơ (Myasthenia Gravis) là bệnh lý tự miễn của những điểm nối thần kinh – cơ ở người bệnh, đặc trưng bởi yếu cơ có tính chất dao động theo thời điểm trong ngày, buổi sáng khỏe hơn buổi chiều hoặc yếu tăng khi người bệnh hoạt động quá sức và giảm khi nghỉ ngơi. Biểu hiện yếu cơ thường gặp ở cơ mắt (sụp mi), cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, hông, hoặc cơ hô hấp (thở mệt).
Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại quá trình gắn thụ thể Acetylcholine (AChR) ở màng sau Synap. Điều này làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh qua khe synap, biểu hiện bằng mỏi cơ, yếu cơ hoặc liệt vận động.
Triệu chứng
Nhược cơ thường diễn tiến âm thầm với những triệu chứng ban đầu thoáng qua, một số trường hợp hiếm gặp thì bệnh tiến triển rất nhanh đến giai đoạn cuối.
Bệnh có thể bị khởi phát sau một khoảng thời gian người bệnh bị stress hoặc mắc những bệnh nhiễm trùng hô hấp, hoặc trong thời gian mang thai, hay khi đang thực hiện gây mê.
Biểu hiện điển hình của nhược cơ là bệnh nhân thấy yếu cơ tăng dần theo thời gian; trương lực một số cơ bị giảm:
- Yếu cơ vùng đầu mặt cổ: sụp mi, nhìn đôi,nhìn mờ, liệt mặt, nuốt khó, nhai khó, đùn nước bọt, thay đổi giọng nói, nói khó.
- Yếu cơ tay chân, trong những cơn nhược cơ bệnh nhân thậm chí không nhấc được tay lên.
- Yếu các cơ hô hấp: khó thở, suy hô hấp cấp.
- Các triệu chứng yếu cơ thường xuất hiện vào cuối ngày, hoặc sau khi vận động nhiều và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng, và có các biểu hiện rối loạn khác nhau. Phản xạ thần kinh và cảm giác của người bệnh thường không bị tổn thương.
Nguyên nhân
Bệnh nhược cơ có đặc trưng là tình trạng giảm hoặc mất sự liên tục trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh đến những cơ tương ứng và gây nên triệu chứng yếu, liệt cơ trên lâm sàng. Nhược cơ có thể gây nên bởi những nguyên nhân sau:
- Sự xuất hiện của những tự kháng thể phá hủy những thụ cảm của acetylcholin trên màng tế bào cơ ở màng sau synap. Do đó, tế bào cơ không tiếp nhận được xung thần kinh dẫn truyền đến.
- Do sự tồn tại của tự kháng thể kháng lại enzyme kinase: Việc này làm cản trở sự hình thành cũng như biệt hóa của các thụ thể của acetylcholin.
- Do các bệnh lý tuyến ức như: U tuyến ức, tăng sản tuyến ức làm sản xuất những tự kháng thể trong cơ thể tấn công các thụ thể của acetylcholin.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh, nhưng những người phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ cao bị mắc bệnh này hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhược cơ:
- Có u tuyến ức;
- Bị bệnh truyền nhiễm;
- Đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp cao;
- Có ba hoặc mẹ bị nhược cơ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh nhược cơ cần sự phối hợp giữa việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, trong đó các phương tiện cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
- Nghiệm pháp zoly: yêu cầu bệnh nhân nhấp nháy mắt 15 lần liên tục rồi mở mắt nhìn. Bệnh nhân không mở mắt nhìn được là một gợi ý bệnh nhược cơ.
- Test prostigmin: sau 15 phút tiêm prostigmin, bệnh nhân nhược cơ có thể mở mắt bình thường trở lại. Kết quả như trên gọi là test prostigmin dương tính.
- Phản ứng điện cơ: là một xét nghiệm có độ nhạy cao.
- Định lượng kháng thể kháng acetylcholin: bệnh nhân nhược cơ có kháng thể kháng acetylcholin tăng cao. Tuy nhiên nếu kết quả trong giới hạn bình thường vẫn không loại trừ được bệnh.
- Xquang ngực, CT scan, MRI ngực để phát hiện các hình ảnh bất thường của tuyến ức nếu có.
- Sinh thiết cơ vân.
Phòng ngừa bệnh
Nhược cơ là bệnh tự miễn và chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên lưu ý:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là trái cây và rau xanh.
- Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe và kiểm soát bệnh lý (nếu có).
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe toàn diện.
Điều trị như thế nào?
Điều trị nhược cơ hiện nay còn gặp nhiều hạn chế. Bệnh hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn và có thể tái phát sau một khoảng thời gian dài. Bệnh nhược cơ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sức khỏe của người bệnh. Trong những đợt tiến triển, bệnh nhân có thể không nhấc nổi cánh tay, không thể làm bất kỳ việc gì dù là nhỏ nhất. Những trường hợp đến muộn có thể phải đối mặt với tình trạng khó thở, nguy cơ tử vong cao. Điều quan trọng trong điều trị là phát hiện và xử trí kịp thời các cơn nhược cơ, cấp cứu được tình trạng hôn mê và suy hô hấp của bệnh nhân.
Thuốc
Trong bệnh nhược cơ, các loại thuốc được chỉ định để làm nhẹ triệu chứng, nhưng không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh. Các thuốc cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Lọc máu
Đây là phương pháp loại bỏ trực tiếp các tự kháng thể kháng acetylcholin trong máu của người bệnh. Biện pháp điều trị này có thể được chỉ định trong các trường hợp cấp cứu, biểu hiện suy hô hấp cấp.
Ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh. Phương pháp này được áp dụng trong các trường hợp có các định bất thường tuyến ức hoặc trường hợp có tính chất cấp cứu. Sau phẫu thuật, bệnh nhẫn vẫn được khuyên tiếp tục dùng thuốc để điều trị bệnh.
Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi
- Tránh căng thẳng, lo âu.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp.
Trên đây là những chia sẻ về nhược cơ, hi vọng giúp các bạn hiểu hơn về bệnh nhược cơ.