Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mụn trứng cá là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị mụn trứng cá
Mụn trứng cá là tình trạng viêm mạn tính của nang lông tuyến bã, thường được điều trị tại các bệnh viện và chuyên khoa da liễu. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở thanh thiếu niên. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về mụn trứng cá qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Mụn trứng cá được biết đến là tình trạng viêm da mạn tính và có thể gây ra các đốm đỏ, mụn nhọt ở bất kì đâu trên cơ thể, đặc biệt là trên mặt, vai, lưng, cổ, ngực và vùng cánh tay trên.
Tùy theo đặc điểm và mức độ của từng loại mụn, mụn trứng cá có thể bao gồm:
- Mụn đầu trắng
- Mụn đầu đen
- Mụn nhọt
- Mụn mủ
- Các nốt sần.
Bệnh mụn trứng cá xảy ra ở mọi độ tuổi và có thể tái đi tái lại nhiều lần, nhiều nhất ở độ tuổi dậy thì. Tuy không nguy hiểm, nhưng mụn trứng cá có thể để lại các vết thâm, sẹo trên da.
Theo thống kê, loại mụn này ảnh hưởng đến 75% người trong độ tuổi từ 11 đến 30 tuổi. Điều này được giải thích do ở độ tuổi này, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh gây bí bách da và dẫn đến viêm nhiễm do sự tích tụ của bụi bẩn, vi khuẩn.
Mụn trứng cá gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Triệu chứng
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và làn da của mỗi người mà mụn trứng cá có thể gây ra những biểu hiện khác nhau. Cụ thể là:
- Mụn đầu trắng với những trường hợp da có lỗ chân lông kín.
- Nếu da có lỗ chân lông mở thì có thể xuất hiện mụn đầu đen.
- Xuất hiện những vết sưng nhỏ và đỏ dạng sẩn.
- Mụn nhọt hay mụn mủ.
- Có những khối lớn dưới da và rất rắn. Những khối u này có thể khiến người bệnh bị đau, sưng viêm, thậm chí có chứa nhiều mủ.
Nguyên nhân
Có bốn yếu tố chính được xem là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá:
- Sản xuất dầu dư thừa, làm tắc nghẽn nang lông
- Nang lông bị tắc bởi tế bào da chết và dầu
- Vi khuẩn gây viêm nhiễm tổn thương trên da
- Hoạt động quá mức của hormone androgen, tăng tiết chất nhờn hơn so với nhu cầu của da.
Ngoài ra, một nguyên nhân gây mụn trứng cá khác do di truyền. Nếu cha mẹ bị mụn trứng cá, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc cao hơn những người cùng trang lứa trong lứa tuổi vị thành niên. Thậm chí, nếu một hoặc cả hai cha mẹ bạn bị mụn trứng cá cho đến lúc trưởng thành, bạn cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá kéo dài cho đến khi lớn.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá trong tuổi trưởng thành hơn nam giới. Giả thiết giải thích cho điều này là do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ có vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời. Những mốc thời gian này bao gồm:
- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt
- Trong thời gian mang thai, thường là trong 3 tháng đầu của thai kỳ
- Mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang – một tình trạng phổ biến có thể gây ra mụn trứng cá ở người nữ trong tuổi trưởng thành, kèm với đó là tăng cân và hình thành các nang nhỏ bên trong buồng trứng làm chậm mang thai.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh mụn trứng cá là một căn bệnh ngoài da khá phổ biến ở các bạn trẻ, bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi sau dậy thì, 15-16 tuổi cho đến tuổi trưởng thành, 18-25 tuổi ở cả nam và nữ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định:
Chủ yếu dựa vào lâm sàng: mụn cám, sẩn, mụn mủ, mụn bọc, nang tập trung chủ yếu ở vùng tiết nhiều chất bã như mặt, ngực, lưng.
Chẩn đoán mức độ:
Theo Karen McCoy (2008), bệnh trứng cá chia thành ba mức độ:
- Mức độ nhẹ: dưới 20 tổn thương không viêm, hoặc dưới 15 tổn thương viêm hoặc tổng số lượng tổn thương dưới 30.
- Mức độ vừa: có 20-100 tổn thương không viêm hoặc 15-50 tổn thương viêm, hoặc 20-125 tổng tổn thương.
- Mức độ nặng: trên 5 nang, cục hoặc trên 100 tổn thương không viêm, hoặc tổng tổn thương viêm trên 50 hoặc trên 125 tổng tổn thương.
Phòng ngừa bệnh
Dẫu không thể ngăn ngừa hoàn toàn mụn trứng cá, nhưng bạn có thể thực hiện những bước chăm sóc tại nhà để giảm nguy cơ phát sinh mụn trứng cá. Những việc làm cụ thể bao gồm:
- Rửa mặt hàng ngày bằng sữa rửa mặt không chứa dầu.
- Dùng sữa rửa mặt trị mụn không kê đơn để giúp loại bỏ dầu thừa.
- Sử dụng mỹ phẩm trang điểm gốc nước hoặc gắn mác “không gây dị ứng” để giảm tình trạng làm tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh mụn.
- Tránh các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm có chứa dầu.
- Tẩy trang và làm sạch da thật sạch trước khi ngủ.
- Tắm hoặc rửa mặt sau khi tập thể dục.
- Cột tóc (nếu tóc dài) để không che khuất khuôn mặt.
- Tránh đội mũ, băng đô bó sát đầu, quần áo ở các khu vực dễ nổi mụn.
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và uống đủ nước.
- Giảm căng thẳng.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị mụn trứng cá cần áp dụng các nguyên tắc:
- Kiêng ngọt, giảm chất béo.
- Tôn trọng cấu trúc da. Không cắt, lể, nặn mụn không đúng phương pháp.
- Tránh sử dụng mỹ phẩm, corticoid bôi.
- Vệ sinh da, sạch, thoáng.
- Không dùng kem trộn, các loại kem có chứa chất corticoid để bôi lên mặt vì có nhiều biến chứng độc hại.
- Tránh lo âu, thức khuya, mất ngủ.
- Sử dụng thuốc điều trị cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
- Mụn trứng cá có thể để lại biến chứng sẹo xấu cho nên người bệnh cần điều trị sớm và cẩn thận.
- Chế độ ăn cần hạn chế đường, mỡ. Nên ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt, tập thể dục thể thao đều đặn, chế độ làm việc không quá căng thẳng sẽ góp phần hạn chế sự bùng phát các tổn thương mụn trứng cá và cải thiện chức năng của da.
Vệ sinh da sạch sẽ để điều trị mụn trứng cá
Trên đây là những chia sẻ về mụn trứng cá. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.