Nguyên nhân gây mụn bọc ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn dễ gặp mụn nhất do sự thay đổi về nội tiết tố bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác liên quan đến phương pháp chăm sóc da, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng gây nên tình trạng mụn tuổi dậy thì. Mụn dậy thì dạng nhẹ nhất sẽ xuất hiện dạng mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng. Nặng hơn, tình trạng mụn sẽ chuyển sang viêm nhiễm với mụn bọc. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây mụn bọc ở tuổi dậy thì.
Nguyên nhân gây mụn bọc ở tuổi dậy thì
Mụn bọc là tình trạng mụn viêm lớn, sâu, tạo nang nốt do lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn. Ban đầu, mụn hình thành do bã nhờn, cặn mỹ phẩm, vi khuẩn, bụi bẩn,… bị kẹt lại lỗ chân lông, sau đó tình trạng viêm nhiều và sâu hơn gây nên mụn mủ đầu trắng, mụn bọc và các loại mụn nhọt khác.
Do thay đổi hormone androgen
Hormone Androgen là nội tiết tố nam, làm gia tăng hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da trong giai đoạn tuổi dậy thì. Đây là thời điểm da sản sinh ra lượng bã nhờn và dầu thừa nhiều nhất, tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển và khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Về lâu dài, vấn đề này sẽ làm hình thành nhân mụn (mụn đầu trắng) và khi lỗ chân lông bị hở, nhân mụn bị oxy hoá, mụn đầu đen sẽ hình thành. Trong trường hợp nốt mụn bị vi khuẩn xâm nhập, da sẽ xuất hiện tình trạng mụn mủ sưng đỏ có thể gây nhiễm trùng trên da.
Da mặt không được làm sạch hiệu quả
Vào độ tuổi dậy thì, hầu hết các bạn trẻ đều không được trang bị đầy đủ các kiến thức về việc chăm sóc cơ thể và làn da. Một số thói quen phổ biến dẫn đến mụn có thể kể đến như sau:
- Rửa mặt không đúng cách: chỉ rửa mặt bằng nước hoặc sữa rửa mặt không phù hợp với làn da.
- Tự nặn mụn bằng tay hoặc thường xuyên dùng tay sờ lên mặt.
- Sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và chứa các thành phần không phù hợp với làn da.
Do vi khuẩn P. Acnes
Đây là một loại vi khuẩn thường sống trên bề mặt da. Khi gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn sẽ sinh sôi và phát triển tại vùng da đó khiến hình thành nên các nốt mụn bọc có mủ, gây sưng viêm và đau nhức.
Một số nguyên nhân khác
- Căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên, kéo dài khiến làn da xuất hiện mụn bọc, mụn viêm.
- Thức khuya, ngủ không đủ giấc khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, sức đề kháng kém đi, quá trình tái tạo da bị xáo trộn, tuyến bã nhờn hoạt động nhiều gây ra mụn bọc.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, nhiều đồ cay nóng, nhiều giàu mỡ, đồ uống có gas, cồn tác động xấu đến nội tạng, đặc biệt là gan gây ra mụn bọc.
- Mỹ phẩm, thuốc có thể gây ra mụn bọc, đặc biệt là các chế phẩm gốc dầu, xà phòng, mỹ phẩm chứa corticoid,…
Các phương pháp điều trị an toàn cho thanh thiếu niên
Điều trị mụn bằng Tây y
Khác với các mụn trứng cá khác, mụn bọc không mọc ở nông mà chúng nằm sâu tới tận lớp trung bì của da, nên nếu không điều trị cẩn thận có thể để lại sẹo thâm hoặc sẹo lõm rất khó điều trị.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân các loại thuốc điều trị phù hợp.
Thuốc bôi:
- Axit azelaic là axit tự nhiên được sản xuất bởi một loại men. Thuốc có đặc tính kháng khuẩn. Kem đặc trị này điều trị mụn bọc từ nhẹ đến trung bình. Kem hoặc gel axit azelaic 20% thường được sử dụng 2 lần/ngày.
- Benzoyl peroxide (BPO) có tác dụng diệt khuẩn với hoạt tính chống lại C. acnes trên da và trong nang lông. BPO có tính oxi hóa mạnh giúp giảm 90% C. acnes trong 7 ngày. Đến nay, không có vi khuẩn nào kháng lại BPO. Việc bổ sung BPO vào chế độ điều trị giúp tăng hiệu quả và làm giảm sự kháng thuốc của vi khuẩn.
- Niacinamide (một dạng vitamin B3) có tác dụng kháng viêm, dưỡng ẩm và làm dịu da.
- Retinoid là dạng hóa học của vitamin A như tretinoin và adapalene. Chất này giúp tăng sản xuất collagen, giảm nếp nhăn, kích thích sản xuất các mạch máu mới trong da, làm mờ đồi mồi và mang lại một làn da mịn màng. Người bệnh bôi thuốc vào buổi tối. Với trường hợp lần đầu dùng, người bệnh nên thoa 3 lần/tuần. Lưu ý, khi bôi Retinoids thì da của bạn sẽ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, do đó cần chống nắng kỹ. Hơn nữa, thuốc còn có tác dụng phụ có thể gây khô da và mẩn đỏ.
- Axit salicylic giúp ngăn nang lông bít tắc bằng cách làm tăng quá trình biệt hóa của lớp sừng. Thuốc có các dạng gel, kem, lotion hoặc dung dịch bôi ngoài da. Người bệnh cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc như gây kích ứng da.
- Kem kháng sinh như Clindamycin, Erythromycin là loại thuốc giúp tiêu diệt và ngăn vi khuẩn phát triển trên da. Người bệnh có thể dùng kết hợp retinol thoa vào buổi tối và thuốc bôi vào buổi sáng.
Kháng sinh đường uống
Với mụn bọc ở mức trung bình đến nặng, người bệnh cần đến khám và điều trị sớm để được bác sĩ chỉ định kháng sinh đường uống nhằm ức chế và ngăn vi khuẩn phát triển trên da. Thuốc kháng sinh Clindamycin hoặc Macrolid (erythromycin, azithromycin) dạng uống dùng điều trị mụn bọc. Kháng sinh đường uống chỉ nên được sử dụng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Isotretinoin dạng uống
Isotretinoin dạng uống là một dẫn xuất của vitamin A giúp điều trị mụn bọc ở mức độ vừa và nặng. Ngoài ra, thuốc còn dùng cho trường hợp điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả. Isotretinoin dạng uống cũng có tác dụng phụ tiềm ẩn khác như: khô mắt, khô môi, rối loạn lipid máu, tăng men gan, trầm cảm…. Người bệnh dùng thuốc isotretinoin dạng uống cần gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi các tác dụng phụ.
Nhẹ nhàng rửa sạch da hai lần một ngày
Rửa sạch da rất quan trọng trong việc chăm sóc, cải thiện tình trạng mụn. Việc rửa mặt cần phải nhẹ nhàng bằng khăn sạch, tránh chà xát vì sẽ gây kích ứng da, nổi mụn nhiều hơn. Nên dùng nước ấm để làm sạch da (không dùng nước quá nóng sẽ làm khô da, không dùng nước quá lạnh vì không đủ để làm sạch da đúng cách).
Mỗi ngày nên rửa mặt 2 lần và cần rửa mặt sau khi tập thể dục nếu đổ mồ hôi. Không rửa mặt quá nhiều vì có thể làm khô da, nổi mụn nhiều hơn.
Tẩy tế bào chết mỗi tuần một lần
Tẩy da chết hàng tuần cũng có thể giúp chữa mụn trứng cá tuổi dậy thì hiệu quả. Các liệu pháp tẩy tế bào chết chứa hoạt chất nhẹ như: axit salicylic hoặc axit alpha-hydroxy. Người bệnh cũng có thể dùng mặt nạ bùn để giúp thông thoáng lỗ chân lông, loại bỏ các tế bào da chết
Thoa kem chống nắng mỗi ngày
Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời gây ung thư da, giúp ngăn mụn trứng cá do cháy nắng gây ra.
Đặc biệt, nếu người bệnh đang sử dụng retinoids để điều trị mụn trứng cá thì da dễ bị bỏng hơn nên cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da.
Nên dùng những sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để có khả năng bảo vệ hiệu quả hơn, sản phẩm có nhãn “không gây mụn” hoặc “không chứa dầu”. Người bệnh có thể dùng kem dưỡng ẩm hoặc kem nền 2 trong 1 có chứa sẵn kem chống nắng để tiết kiệm thời gian.
Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc sản sinh mụn trứng cá. Có thực phẩm không gây mụn trứng cá nhưng cũng có một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra mụn trứng cá như: sữa, thực phẩm quá ngọt, các đồ ăn chế biến sẵn.
Do đó, việc ăn uống đúng cách, lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp ngăn mụn trứng cá xuất hiện.
Uống nhiều nước mỗi ngày giúp giữ nước cho da không tích tụ tế bào da chết, góp phần duy trì làn da sạch mụn.
Vai trò của nội tiết tố trong tuổi dậy thì
Androgens là hormone, có thể được gọi là nội tiết tố nam, nhưng cả cơ thể đàn ông và phụ nữ đều sản xuất androgen, chỉ với số lượng khác nhau.
Nội tiết tố androgen được xem như một kích thích tố sinh dục ở nam giới, tạo nên sự nam tính. Khi thiếu hormone này cơ thể người nam sẽ bị nữ hóa, cơ bắp không phát triển.
Hormone giới tính chính ở nam giới là testosterone, được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn. Tinh hoàn được kiểm soát bởi một tuyến nhỏ trong não gọi là tuyến yên, do đó được kiểm soát bởi một khu vực của não gọi là vùng dưới đồi.
Ở cả nam và nữ, nội tiết tố Androgen giúp:
- Tăng mật độ xương.
- Phát triển cơ bắp.
- Thúc đẩy dậy thì.
- Sản xuất hồng cầu.
- Hình thành ham muốn và chức năng tình dục.
Vai trò của nội tiết tố Androgen ở nam giới
Androgen gây nam hóa và chịu trách nhiệm hình thành cơ quan sinh dục ngoài của nam giới trong giai đoạn thai nhi. Sự vắng mặt của chúng hoặc không có các thụ thể androgen, dẫn đến một kiểu hình bên ngoài là nữ, mặc dù có công thức nhiễm sắc thể là 46 XY (ví dụ hội chứng không nhạy cảm với androgen).
Androgen cũng chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các cơ quan sinh dục thứ cấp và ống dẫn tinh, túi tinh và tuyến tiền liệt. Androgen cũng cần thiết cho sự hình thành tinh trùng, duy trì sở thích và ham muốn tình dục.
Ngoài ra, sự phát triển của lông mu, lông mặt, lông nách và lông ngực, hay chứng hói đầu đều bị ảnh hưởng bởi androgen.
Ở tuổi vị thành niên, nội tiết tố androgen làm dài và dày dây thanh quản của nam giới, khiến giọng nói trở nên trầm hơn. Chúng cũng giúp tăng cường sự phát triển của xương và tăng số lượng và độ dày của các sợi cơ trong cơ thể nam giới. Bên cạnh đó, androgen còn làm tăng trọng lượng và kích thước thận, sản xuất các tế bào hồng cầu, tăng sắc tố da, và gia tăng hoạt động của các tuyến mồ hôi và bã nhờn.
Vai trò của Androgen ở phụ nữ
Androgen là tiền chất thiết yếu của estrogen. Vì vậy, không có estrogen nào có thể được tạo ra nếu không có chúng.
Androgen đóng vai trò trực tiếp và quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng sinh sản của nữ giới. Đặc biệt, chúng rất cần thiết để điều phối chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản, kích thích tế bào hạt và tế bào noãn, tạo điều kiện cho sự phát triển của nang trứng, và điều hòa tất cả các giai đoạn trưởng thành của nang trứng.
Ngoài ra, những hormone này đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mất xương, tăng khối lượng cơ, cũng như ham muốn ở nữ giới và thỏa mãn tình dục.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.