Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu theo giai đoạn và cách điều trị hiệu quả
Sốt, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi là một trong những triệu chứng sớm của bệnh thủy đậu, tuy nhiên tình trạng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tìm hiểu ngay!
Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách
Bệnh thủy đậu là gì?
Thuỷ đậu hay còn gọi là trái rạ là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút thuộc họ Herpesviridae có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV). Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, thủy đậu thường gặp ở cả nam và nữ mọi độ tuổi, đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi (độ tuổi mầm non và tiểu học).
Triệu chứng bệnh thủy đậu theo giai đoạn
Thời kỳ ủ bệnh
Bắt đầu từ khi nhiễm vi rút đến khi phát bệnh, giai đoạn này thường kéo dài từ 2 – 3 tuần, người bệnh không có triệu chứng cụ thể nào, do đó rất khó nhận biết đang bị bệnh thủy đậu.
Thời kỳ khởi phát
Nhận biết thủy đậu trong giai đoạn khởi phát đặc trưng bởi dấu hiệu sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, viêm họng, đau cơ, nổi hạch sau tai, có phát ban đỏ đường kính khoảng vài mm trong thời gian từ 1 – 2 ngày.
Các dấu hiệu này rất dễ bị nhầm với dấu hiệu bệnh cảm cúm thông thường. Một số trường hợp, không có dấu hiệu bị thủy đậu rõ ràng ở đối tượng trẻ em.
Thời kỳ toàn phát
Triệu chứng thủy đậu ở giai đoạn này rõ ràng như sốt cao, đau cơ, đau đầu, chán ăn, nôn ói. Đặc biệt, nốt ban đỏ chuyển thành mụn nước tròn, đường kính 1 – 3mm, có chất dịch bên trong, mụn xuất hiện toàn thân, nhiều nhất ở mặt, lưng, tay, chân, vùng niêm mạc miệng gây khó chịu cho người bệnh.
Giai đoạn toàn phát nốt ban đỏ chuyển thành mụn nước tròn
Trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng, mụn nước cỡ lớn, màu đục do bên trong có chứa mủ.
Thời kỳ hồi phục
Sau 7 – 10 ngày phát bệnh, thông thường các mụn nước sẽ vỡ, khô, bong vảy và dần hồi phục. Giai đoạn này, người bệnh cần đặc biệt chú ý giữ vệ sinh cơ thể để tránh tình trạng nhiễm trùng.
Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiễm trùng, biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não,…Mất nhiều thời gian hơn để bệnh nhân hồi phục tùy vào cơ địa và tình trạng thực tế của người bệnh.
Những điều cần lưu ý điều trị thủy đậu hiệu quả
Bệnh thủy đậu chưa có phương pháp đặc trị hiệu quả 100%, việc dùng thuốc kháng vi rút cũng không thể ngăn chặn bệnh toàn phát. Người bệnh chủ yếu điều trị tại nhà và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt và bổ sung vitamin tăng cường sức khỏe. Lưu ý, dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với các mụn nước, người bệnh có thể dùng thuốc chống ngứa và các loại thuốc bôi (thuốc tím) tại chổ để làm giảm cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Khi các mụn nước khô, bong vảy có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ trị sẹo.
Bên cạnh các biện pháp điều trị bằng thuốc, cách chăm sóc người bệnh thủy đậu nhanh nhất và an toàn tại nhà nên áp dụng như:
- Vị trí các mụn nước gây khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh, tuy nhiên không được cào, gãi tại các vị trí này để tránh làm các vết loét nghiêm trọng hơn, bị nhiễm trùng và lâu lành. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mái, bằng các chất liệu mềm mại, có độ thấm hút tốt.
- Kết hợp cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng cho người bệnh để tăng cường sức khỏe, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn. Người bệnh thủy đậu nên kiêng các thực phẩm chiên, rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, mặn.
- Uống đủ nước hàng ngày giúp cơ thể loại bỏ vi rút gây bệnh hiệu quả. Đồng thời, khi bị sốt do thủy đậu, việc bổ sung đủ nước là quan trọng để tránh các biến chứng liên quan đến mất nước.
Trong quá trình điều trị tại nhà, nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
Những người đã từng mắc bệnh thủy đậu thường rất hiếm khi tái nhiễm bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể bạn sẽ tự miễn dịch với bệnh. Nhưng vi rút Varicella Zoster vẫn có thể xâm nhập và tồn tại trong cơ thể ở các rễ hạch thần kinh, gây ra bệnh Zona khi hệ miễn dịch của bạn suy yếu đi, thường gặp ở người lớn tuổi
Nếu chưa bị thủy đậu bạn nên tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh thủy đậu, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ chuẩn bị kế hoạch mang thai để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và con.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.