Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mộng thịt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Mộng thịt, hay còn gọi là mộng mắt, là một tình trạng bệnh lý về mắt phổ biến, thường gặp ở những người phải làm việc ngoài trời nhiều giờ. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều phiền toái cho người mắc. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về mộng thịt qua bài viết này.
Tổng quan chung
Mộng thịt (Pterygium) là sự tăng sinh các tế bào kết mạc tạo thành vùng mô hình cánh hoặc tam giác nhô lên phần lòng trắng của mắt, thường xuất hiện ở góc trong hoặc ngoài của mắt và có xu hướng phát triển vào trung tâm giác mạc, gây giảm thị lực. Mặc dù mộng thịt không phải là khối u ác tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị lực.
Dựa vào kích thước và khả năng xâm lấn vào giác mạc, người ta chia mộng thịt thành 4 độ:
- Mộng độ 1: Mộng phát triển đến rìa giác mạc (lòng đen).
- Mộng độ 2: Mộng phát triển qua rìa giác mạc nhưng chưa đến bờ đồng tử (lỗ nhỏ màu đen, nằm chính giữa trung tâm mắt).
- Mộng độ 3: Mộng phát triển đến bờ đồng tử.
- Mộng độ 4: Mộng xâm lấn qua bờ đồng tử.
Triệu chứng
Mộng thịt thường có các triệu chứng sau:
- Xuất hiện vùng mờ màu hồng hoặc đỏ ở góc trong của mắt.
- Kích ứng, cảm giác có dị vật trong mắt.
- Khô, ngứa hoặc nóng mắt.
- Đỏ mắt, chảy nước mắt.
- Nhìn mờ nếu mộng thịt phát triển che phủ đồng tử.
Nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra dấu hiệu liên quan giữa bệnh mộng thịt và yếu tố di truyền. Điều này đồng nghĩa với việc những người sinh ra trong gia đình có người mắc mộng thịt không có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bất kỳ ai khác.
Nguyên nhân chính dẫn tới bệnh mộng thịt ở mắt vẫn chưa được xác định cụ thể. Một số nhà nghiên cứu cho rằng mộng thịt hình thành do mắt phải tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím. Những người phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp và thường xuyên làm việc ngoài trời được coi là có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, những người sống trong môi trường thường xuyên ô nhiễm hay có thói quen chăm sóc mắt sai cách cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người mắc các bệnh lý về mắt mà chưa được điều trị khỏi hoặc đang trong quá trình điều trị cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Những người sau đây có nguy cơ cao mắc mộng thịt:
- Người làm việc ngoài trời: nông dân, ngư dân, công nhân xây dựng.
- Người sống ở vùng nhiệt đới, nơi có nhiều ánh nắng mặt trời.
- Người không đeo kính bảo vệ mắt khi tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán mộng thịt bác sĩ sẽ sử dụng đèn khe. Thiết bị này, giúp bác sĩ kiểm tra giác mạc, mống mắt thủy tinh thể của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ có thể cần các xét nghiệm bổ sung như:
- Kiểm tra thị lực: Kiểm tra tầm nhìn người bệnh liệu có thể nhìn thấy các chữ cái hoặc biểu tượng trên biểu đồ cách xa 6m.
- Đánh giá hình dạng giác mạc: Sử dụng máy tính để tạo bản đồ 3D để chụp toàn cảnh giác mạc nhằm phát hiện bất thường.
Bác sĩ có thể chụp ảnh mắt của người bệnh để theo dõi những thay đổi sự phát triển của mộng thịt theo thời gian. Ngoài ra, có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để loại trừ các tình trạng khác, chẳng hạn bệnh ung thư ảnh hưởng đến mắt.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa mộng thịt chủ yếu dựa vào việc bảo vệ mắt khỏi các yếu tố nguy cơ:
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hơi nóng, gió, bụi bẩn, khói, hóa chất độc hại.
- Đối với các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ này thì cần đeo kính bảo hộ trong quá trình làm việc.
- Khi đi ra ngoài nắng, nên đeo kính râm chống tia cực tím và đội mũ rộng vành để bảo vệ đôi mắt khởi bức xạ mặt trời.
- Điều trị tốt các vấn đề viêm nhiễm ở mắt cũng có tác dụng hạn chế sự hình thành và phát triển mộng thịt tại mắt.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt làm ẩm để giảm khô mắt và kích ứng.
Điều trị như thế nào?
Điều trị mộng thịt phụ thuộc vào mức độ và triệu chứng của bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị bảo tồn: Sử dụng thuốc nhỏ mắt chống viêm, nước mắt nhân tạo để giảm triệu chứng. Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi tia UV và các yếu tố môi trường.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp mộng thịt gây ảnh hưởng lớn đến thị lực hoặc thẩm mỹ, phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt là cần thiết. Phẫu thuật này có thể được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó kỹ thuật ghép kết mạc tự thân được xem là hiệu quả và an toàn nhất.
Kết luận
Mộng thịt là một tình trạng bệnh lý về mắt có thể gây nhiều phiền toái nếu không được điều trị kịp thời. Việc bảo vệ mắt khỏi các yếu tố nguy cơ như tia UV, bụi bẩn và khói là rất quan trọng. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của mộng thịt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp. Chăm sóc sức khỏe mắt không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ thị lực của bạn trong thời gian dài.