Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hồi hộp, đánh trống ngực là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Hay hồi hộp, đánh trống ngực tưởng chừng chỉ là những dấu hiệu thông thường khi cơ thể mệt mỏi hoặc làm việc nặng quá sức. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì đó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh tim mạch, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến ngất, đột tử, suy tim.
Tập luyện thể thao cường độ cao gây đánh trống ngực
Tổng quan chung
Hiện tượng hồi hộp đánh trống ngực là tình trạng xảy ra khi bạn nhận thấy tim đập nhanh hơn bình thường, có cảm giác đập thình thịch. Đi kèm với đó là cảm giác lo lắng mơ hồ, hồi hộp khó tả, người run rẩy, đổ mồ hôi lòng bàn tay. Đôi khi, bạn còn có thể cảm nhận được triệu chứng này ở phần cổ, cuống họng.
Ở trạng thái bình thường, chúng ta có thể tự cảm nhận được nhịp tim của mình. Việc bạn quá hồi hộp hoặc vận động mạnh khiến nhịp tim tăng, gây ra cảm giác đánh trống ngực thường vô hại. Vì bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục được tình trạng này bằng cách nghỉ ngơi và điều chỉnh mức độ hoạt động thể chất. Tuy nhiên, cảm giác đánh trống ngực hồi hộp có thể xuất hiện một cách đột ngột.
Đánh trống ngực hồi hộp, tim đập nhanh do hệ thống thần kinh của cơ thể được kích hoạt. Khi đó, cơ thể sẽ có phản ứng lại với vấn đề bằng cách gây ra các biểu hiện như đánh trống ngực, khó thở, thở nhanh, run rẩy, căng cơ, đổ mồ hôi,…
Triệu chứng
Tình trạng hồi hộp đánh trống ngực thường gây ra các triệu chứng có cảm giác ở vị trí ngực do sự chuyển động bất thường của tim bên trong lồng ngực.
Cảm giác phập phồng
Đây là biểu hiện phổ biến nhất ở hầu hết những ai bị hồi hộp đánh trống ngực. Bạn có thể cảm nhận được rõ tim đập nhanh hơn bình thường, đập mạnh hoặc rất mạnh. Điều này gây ra cảm giác phập phồng trong lồng ngực. Đôi lúc bạn có thể nghe được nhịp tim đập trong tai.
Nhịp tim không đều
Nhịp tim có thể nhanh hoặc chậm hơn so với bình thường. Trong tình trạng nhịp tim nhanh, tim đập hơn 100 lần/phút khi nghỉ ngơi. Còn khi tim đập chậm hơn 60 nhịp/phút được gọi là nhịp tim chậm. Bạn cũng có thể cảm thấy như tim bị ngừng đập trong một hoặc hai giây.
Tim đập thình thịch
Bạn có cảm giác tim đập lệch nhịp hoặc tăng thêm nhịp. Mỗi nhịp tim đều đập mạnh, thình thịch gây mệt hoặc khó khăn trong việc thở. Trường hợp tim đập thình thịch quá mức có thể kèm theo triệu chứng nghẹn ở cổ họng, buồn nôn.
Nguyên nhân hồi hộp, đánh trống ngực
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh trống ngực, có thể là nguyên nhân do căng thẳng hay vấn đề liên quan thể chất, hoặc cũng có thể là nguyên nhân do bệnh lý liên quan tim mạch hay bệnh lý ngoài tim.
Các nguyên nhân thường gặp
Nhiều trường hợp bị đánh trống ngực xảy ra trong cuộc sống hằng ngày do các nguyên nhân thường gặp như:
- Do căng thẳng và lo lắng quá mức khiến tim đập nhanh, gây ra cảm giác đánh trống ngực, hồi hộp, có thể bị khó thở.
- Tập luyện với cường độ mạnh: Khi đó, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn nên tim phải co bóp, bơm máu nhiều hơn. Hoặc trong trường đã lâu ngày bạn không vận động mạnh, khi bắt đầu tập luyện lại với các bài tập nặng có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực.
- Lạm dụng các chất kích thích: Caffeine có trong cà phê, chất nicotin trong khói thuốc lá, xì gà là các tác nhân khiến bạn bị tăng nhịp tim, đánh trống ngực.
- Thay đổi hormone do đang mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
- Bị sốt, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn nên tim đập nhanh và dễ bị đánh trống ngực;
- Sử dụng một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Do các bệnh lý khác ngoài tim
Đánh trống ngực có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác mà người bệnh cần lưu ý đến như: Bệnh về tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), u tủy thượng thận, bị hạ đường huyết,…
Các rối loạn chuyển hóa thường gặp có biểu hiện là đánh trống ngực như: Bị thiếu máu, hạ oxy máu, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn,…
Đánh trống ngực gây ra bởi bệnh tim
Nguyên nhân gây đánh trống ngực đáng lo ngại nhất là khi nó xuất phát từ các vấn đề có liên quan đến tim mạch bao gồm:
- Rung nhĩ: Nhịp tim đập không đều, hỗn loạn ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Nhịp tim nhanh trên thất: Nhịp tim đập với tần số nhanh hơn bắt nguồn từ các bất thường ở tâm nhĩ.
- Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim nhanh do tín hiệu bất thường ở tâm thất.
- Ngoại tâm thu thất: Khiến người bệnh cảm giác tim đập mạnh và loạn xạ trong lồng ngực do sự xuất hiện của những nhịp tim phụ.
- Bị bệnh tim bẩm sinh: Gồm bệnh cơ tim thất phải, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài bẩm sinh.
- Các bất thường ở van tim: Như hẹp van, hở van, sa van tim.
- Hạ huyết áp thế đứng: Người bệnh thường có cảm giác đánh trống ngực khi đứng dậy do nhịp nhanh xoang.
Đối tượng nguy cơ
Hồi hộp do nhiều nguyên và các yếu tố dưới đây là gia tăng tình trạng hồi hộp:
- Căng thẳng kéo dài;
- Thường xuyên bị sợ hãi, hoảng sợ hoặc rối loạn lo âu;
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra tình trạng hồi hộp đánh trống ngực;
- Mắc bệnh lý về tuyến giáp;
- Mắc các bệnh lý tim mạch;
- Rối loạn chuyển hóa và các vấn đề liên quan khác;
Chẩn đoán
Kiểm tra căng thẳng
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng hồi hộp đánh trống ngực, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ căng thẳng của bạn bằng cách đưa ra một bảng câu hỏi sàng lọc. Kiểm tra mức độ căng thẳng bằng bài tập để xem nhịp tim tăng lên như thế nào khi hoạt động của cơ thể tăng lên. Bài test này giúp đánh giá về tình trạng sức khỏe tâm thần, sinh lý của người bệnh. Thông qua đó, bác sĩ xem xét về nguyên nhân gây đánh trống ngực có phải do lo lắng gây ra hay không.
Điện tâm đồ 12 chuyển đạo
Ở tất cả những bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực đều sẽ được chỉ định làm điện tâm đồ 12 chuyển đạo. Điện tâm đồ gồm 12 chuyển đạo, giúp tạo ra cái nhìn đa chiều về hoạt động điện tim. Nhờ đó, giúp chẩn đoán tình trạng rối loạn nhịp tim, giúp loại trừ được các vấn đề về nhịp tim.
X-quang ngực
Kết quả sau khi chụp X-quang ngực sẽ là cơ sở để bác sĩ có thể đánh giá về tình trạng sức khỏe của người bệnh, giúp xác định các vấn đề về phổi, tim, thành ngực, cơ hoành, hệ thống xương sườn. Xem xét tình trạng hồi hộp đánh trống ngực có liên quan đến các bệnh lý ở phổi hoặc tim.
Xét nghiệm máu
Nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của rối loạn nhịp tim nên được cho làm xét nghiệm máu. Kết quả của xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây hồi hộp đánh trống ngực. Xác định các biểu hiện này có phải do bệnh tim, bệnh về máu.
Siêu âm tim
Đây là phương pháp chẩn đoán quan trọng để kiểm tra, giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc, chức năng ở tim. Bởi những vấn đề này thường gây ra triệu chứng là hồi hộp đánh trống ngực.
Theo dõi Holter điện tâm đồ
Bệnh nhân sẽ đeo thiết bị này trong vòng 24-48 tiếng hoặc kéo dài hơn trong 7 ngày để theo dõi nhịp tim cùng với thời điểm xuất hiện triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực. Sau khi thu thập lại thông tin mà thiết bị này đó được, bác sĩ sẽ có đánh giá mức độ và phân loại rối loạn nhịp tim.
Phòng ngừa bệnh
Đôi khi tình trạng hồi hộp đánh trống ngực xảy ra mà bạn không kiểm soát được. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như:
- Chú ý đến những yếu tố có thể khiến bạn bị kích động quá mức;
- Khi cảm thấy hồi hộp quá mức, hãy thử nhắm mắt lại và hít thở sâu để giúp ổn định nhịp tim;
- Hạn chế uống các loại nước có chứa cafein như cà phê, nước tăng lực, rượu,…;
- Thực hiện thói quen ăn uống khoa học, tốt cho tim mạch như ăn nhiều rau củ quả, cá, ngũ cốc. Đồng thời hạn chế nạp những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa.
- Kiểm soát tốt huyết áp;
- Có thói quen tập thể dục thường xuyên, mức độ tập phù hợp;
- Ngủ đủ giấc;
- Giảm stress, lo âu;
- Khám sức khỏe định kỳ hoặc đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy hồi hộp đánh trống ngực nặng hơn.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị tình trạng đánh trống lồng ngực tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Nếu bạn bị đánh trống ngực do hoạt động thể chất quá mức hoặc do yếu tố về tâm lý gây ra, thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn để ổn định nhịp tim, giảm tình trạng trống ngực đập nhanh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên điều chỉnh lại mức độ, tần suất cũng như bài tập luyện thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên tập luyện hoặc vận động quá sức. Nếu trong thời gian dài bạn không tập luyện, khi bắt đầu tập trở lại, cần chú ý mức độ tập phải từ nhẹ, sau đó tăng dần dần.
- Đánh trống ngực có thể xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh như: Sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá thì cách điều trị tốt nhất là bạn dần tránh xa chúng. Hạn chế sử dụng cà phê, rượu, bia và không hút thuốc lá.
- Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ làm tim đập nhanh, bị đánh trống ngực. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc khuyên bạn tạm ngưng hoặc dùng một loại thuốc thay thế khác để khắc phục tình trạng đánh trống lồng ngực.
- Đối với các bệnh lý về tim có biểu hiện đánh trống ngực, người bệnh cần được thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nặng hơn có thể cần đến can thiệp phẫu thuật.