Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết
Trào ngược dạ dày thường xuyên và kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về trào ngược dạ dày và nhận biết các dấu hiệu để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Trào ngược dạ dày thường gặp ở mọi đối tượng nam nữ
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản hay còn được gọi là GERD (Gastroesophageal reflux disease) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi…) trào ngược lên thực quản, hầu họng và đường hô hấp. Đây là bệnh tiêu hoá khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Dấu hiệu bị trào ngược dạ dày
Ợ hơi: Là dấu hiệu phổ biến nhất của trào ngược dạ dày, tuy nhiên thường dễ bị nhầm với các hiện tượng sinh lý bình thường.
Ợ nóng: Cảm giác nóng rát từ dạ dày (vùng thượng vị), dưới xương ức lan lên cổ.
Ợ chua: Ợ để lại vị chua trong miệng, thường đi kèm với ợ hơi và ợ nóng. Hay xảy ra vào buổi sáng, đặc biệt khi đánh răng.
Nôn và buồn nôn: Do axit dạ dày trào ngược vào họng và miệng gây cảm giác buồn nôn. Dấu hiệu thường nặng nhất khi ở tư thế ngủ.
Đau tức ngực: Cảm giác bị đè ép, đau thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay.
Khó nuốt: Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra với tần suất cao sẽ gây tổn thương, sưng tấy thực quản do tiếp xúc axit, gây triệu chứng khó nuốt, vướng ở cổ họng.
Khản giọng: Người bệnh trào ngược dạ dày có thể bị khản tiếng do dây thanh quản bị tổn thương khi tiếp xúc với axit dạ dày.
Ho: Có đến 25 – 40% người bệnh trào ngược dạ dày thường bị ho mãn tính. Cơn ho xuất hiện do axit đọng vào thanh quản hoặc cổ họng, lâu ngày có thể gây hen hoặc có triệu chứng khó thở.
Miệng tiết nhiều nước bọt: Miệng tiết nhiều nước bọt là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể nhằm trung hòa lượng axit trào lên.
Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày
Có 2 cơ chế chính gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới và sự dư thừa axit bên trong dạ dày.
Nguyên nhân gây suy yếu cơ thắt thực quản dưới:
- Tác dụng của thuốc Tây (Holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen và các loại thuốc huyết áp…).
- Dùng các chất kích thích (cafein, thuốc lá, rượu bia,…).
- Do các bệnh lý (nhiễm trùng thực quản, yếu cơ vòng thực quản, thoát vị hoành,…).
Nguyên nhân gây dư thừa axit bên trong dạ dày
- Thói quen ăn uống: Ăn quá no, ăn thức ăn khó tiêu (thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn chua cay, nước có gas, trứng, sữa…).
- Bệnh lý về dạ dày (viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp hang môn vị dạ dày, nhiễm vi khuẩn H.Pylori).
Một số nguyên nhân khác gây trào ngược dạ dày do mang thai, thừa cân, stress,…
Tác hại bệnh trào ngược dạ dày
Dạ dày có khả năng tiết ra các axit và các enzyme để tiêu hoá thức ăn và đồng thời ngăn chặn chúng quay lại ăn mòn dạ dày. Tuy nhiên, các cơ quan khác lại không có cơ chế này khiến chúng có nguy cơ bị dịch dạ dày làm tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm, phù nề, xơ, nghiêm trọng nhất là ung thư.
Các biến chứng có thể gặp của trào ngược dạ dày:
- Loét thực quản: Khó nuốt, đau khi nuốt.
- Hẹp và sẹo thực quản: Sẹo để lại sau tổn thương gây hẹp thực quản làm tắc nghẽn đường lưu chuyển thức ăn.
- Thực quản Barrett: Là tình trạng mô vảy ở đoạn dưới thực quản bị biến đổi do bị tiếp xúc nhiều lần với axit dạ dày. Đây là một trong những biến chứng có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Biểu hiện khác ngoài thực quản: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa, tăng nặng bệnh hen suyễn, xơ phổi, ăn mòn răng…
Điều trị trào ngược dạ dày
Điều trị bằng thuốc: Tuỳ vào tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê thuốc kết hợp hướng dẫn các biện pháp ăn uống lành mạnh nhằm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Phương pháp này yêu cầu người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hay các phương pháp dân gian tránh làm bệnh tình phức tạp thêm.
Phẫu thuật: trong trường hợp thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để chữa dứt điểm. Hiện tại có 2 phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là phẫu thuật Nissen hoặc phẫu thuật LINX.
Cách giảm triệu chứng trào ngược dạ dày
Bên cạnh việc điều trị, bạn hoàn toàn có thể giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà như:
Cải thiện chế độ ăn uống:
- Chia nhỏ bữa ăn, ăn vừa đủ.
- Nên ăn thực phẩm có tính kiềm (bánh mì, yến mạch).
- Bổ sung sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho việc tiêu hoá.
- Hạn chế ăn: hoa quả có nhiều axit (cam, chanh, dứa…), đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chua cay.
- Không dùng chất kích thích, gây nghiện (thuốc lá, rượu bia, nước có gas…).
Lối sống lành mạnh:
- Không nằm hoặc vận động mạnh sau khi ăn.
- Tập thể dục và giữ cân nặng hợp lý.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh để tránh tình trạng mệt mỏi, stress.
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản bạn hãy đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời để tránh bệnh tình kéo dài và gặp các biến chứng nguy hiểm bạn nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: