Táo bón là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách ngừa bệnh hiệu quả
Táo bón là tình trạng khó đi đại tiện và đi ít hơn 3 lần trong một tuần. Táo bón thường gặp ở mọi đối tượng, thời gian kéo dài gây nên hậu quả khó lường. Tìm hiểu ngay để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!
Táo bón thường gặp ở mọi đối tượng và gây hậu quả khó lường
Bệnh táo bón là gì?
Táo bón (hay còn gọi là bón) là một tình trạng bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, với triệu chứng phân khô và cứng dẫn đến khó đi đại tiện kèm cảm giác đau hậu môn, thời gian đại tiện và rặn phân kéo dài hoặc nhiều ngày mới đi một lần (tần suất ít hơn 3 lần/tuần).
Tình trạng táo bón thường tự khỏi sau một thời gian ngắn và không nghiêm trọng khi thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, táo bón kéo dài là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý và có thể dẫn đến hậu quả khó lường, vì vậy cần đến bệnh viện thăm khám.
Nguyên nhân gây bệnh táo bón
Tình trạng táo bón ở trẻ em chủ yếu do chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh thiếu khoa học. Đối với người lớn, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh, một số nguyên nhân thường gặp như:
- Chế độ ăn thiếu chất xơ;
- Cơ thể bị mất nước hoặc không uống đủ nước;
- Lối sống ít vận động hoặc tập thể dục;
- Thường xuyên nhịn đại tiện lâu ngày;
- Thói quen sinh hoạt hàng ngày thay đổi đột ngột;
- Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thống chống tăng huyết áp, thuốc giảm đau,…
- Quá lạm dụng thuốc nhuận tràng;
- Phụ nữ mang thai, người cao tuổi;
- Bệnh nhân từng phẫu thuật ở đại trực tràng hoặc vùng hậu môn.
Ngoài ra, người mắc các bệnh nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn cũng sẽ dễ bị táo bón.
Đối tượng nào dễ mắc táo bón?
Táo bón là bệnh phổ biến ở mọi đối tượng từ trẻ em cho đến người lớn tuổi, tuy nhiên các nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ mắc phải tình trạng táo bón cao hơn.
- Nhân viên văn phòng do ngồi lâu và ít vận động, hay mặc đồ bó sát vùng bụng dưới, cùng với ăn uống không điều độ, thường xuyên ăn đồ cay, nóng là nguyên nhân có thể gây bệnh táo bón;
- Người già thường có chế độ ăn uống ít chất xơ, uống ít nước, ít vận động và chức năng của đường ruột hoạt động kém hơn;
- Phụ nữ mang thai do sự thay đổi hóc môn, chế độ ăn uống thay đổi và ít vận động gây nên;
- Trẻ em thường xuyên nhịn đi vệ sinh, ăn uống kém sẽ dễ dẫn đến bị táo bón.
Bên cạnh đó, người sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể gặp phải tình trạng này hay người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thường xuyên lo âu, căng thẳng, trầm cảm.
Triệu chứng của bệnh táo bón là gì?
Người bị táo bón đi cầu ít hơn 3 lần/tuần. Tình trạng đi ngoài phân nhỏ, cứng, rời rạc và mất rất nhiều sức để rặn. Nhiều trường hợp bị đau rát hậu môn và chảy máu theo phân khi đại tiện vì phân khô và lớn làm trầy xước niêm mạc trực tràng hậu môn.
Trường hợp buồn đại tiện nhưng không thể đi được bụng sẽ xuất hiện những cơn co thắt, bụng nặng, thắt lưng khó chịu, luôn có cảm giác phân vẫn ở trong trực tràng hoặc cần có biện pháp hỗ trợ để đi cầu được như dùng tay ấn vào bụng.
Hãy đến gặp bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt nếu táo bón xuất hiện kèm các triệu chứng sau: táo bón xen kẽ với đi tiêu phân lỏng, máu xuất hiện trong phân, đau bụng liên tục, sốt, nôn mửa, đau thắt lưng, mệt mỏi, sụt cân, mất ngủ,…
Phương pháp điều trị táo bón như thế nào?
Thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân gây ra táo bón, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể phù hợp. Nhìn chung, điều trị táo bón sẽ thường bao gồm.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm các loại nước ép trái cây, tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp. Không uống nước ngọt, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia.
- Tăng cường chế độ vận động: Người bệnh nên tập thể dục 30’ mỗi ngày hoặc chế độ luyện tập theo tình trạng sức khỏe. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.
- Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thói quen đi vệ sinh khoa học.
- Kết hợp thuốc theo đơn của bác sĩ: ột số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.
- Phẫu thuật: Một số tình trạng táo bón nặng có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.
Cách phòng ngừa bệnh táo bón ở người lớn
Táo bón rất phổ biến, bệnh kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng,…Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả bằng các biện pháp sau.
- Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ, tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám;
- Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, thức ăn nhanh, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá và chất kích thích;
- Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần;
- Hạn chế mặc trang phục bó sát người đặc biệt ở vùng bụng dưới;
- Tránh lo âu căng thẳng, trầm cảm, stress;
- Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện, hạn chế;
- Nên luyện tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày.
Tình trạng táo bón có thể tự khỏi thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Nếu kéo dài bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, kiểm tra chẩn đoán nguyên nhân để điều trị dứt điểm, tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bạn có thể xem thêm: