Tiêm chủng vắc xin - biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe bệnh nhân hô hấp
Tiêm chủng vắc xin là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa các bệnh hô hấp và bảo vệ sức khỏe. Bằng cách tiêm chủng, bạn không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Hãy cùng khám phá tầm quan trọng và những lợi ích của việc tiêm chủng trong bài viết sau đây.
Gánh nặng bệnh do nhiễm trùng hô hấp đối với bệnh nhân hen và COPD
Bệnh hô hấp là một nhóm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.1
Người bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường có hệ thống hô hấp yếu hơn, nếu mắc thêm những bệnh nhiễm trùng hô hấp thì triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực và sốt có thể tăng lên và kéo dài trong thời gian dài. Do đó, quá trình phục hồi có thể mất thời gian lâu hơn, cần sự quản lý chặt chẽ từ bác sĩ và tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến gây ra 81% đợt cấp COPD và gây ra 85% đợt cấp hen.Chính vì vậy, để đạt mục tiêu quản lý toàn diện bệnh nhân hen và COPD thì tiêm chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm cũng cần được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh phòng ngừa cúm và phế cầu, chủng ngừa ho gà bằng vắc xin cũng cần được quan tâm theo các khuyến cáo.
Bệnh ho gà và tác động đến sức khỏe bệnh nhân người lớn
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, trung bình một người bị nhiễm bệnh có thể lây cho 12-17 người khỏe mạnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng ho gà tại Việt Nam đã tăng đáng kể, với 1.013 trường hợp năm 2019. Trong đó, 40% là trẻ em dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa được tiêm chủng ngừa, và người lớn có thể là nguồn lây nhiễm cho trẻ nhỏ.
Châu Âu là nơi có chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng cho trẻ em khá thành công tương tự như Việt Nam. Một nghiên cứu về tình trạng ho gà ở các nước phát triển tại Châu Âu đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ em giảm đáng kể nhờ chủng ngừa vào năm 2016. Tuy nhiên, đáng chú ý là hơn 75% các trường hợp ho gà đang xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn.
Nghiên cứu tại Đức trên 246 người lớn cho thấy rằng người bị ho kéo dài hơn 14 ngày là mắc bệnh ho gà chiếm 26%. Triệu chứng điển hình của bệnh ho gà là ho dai dẳng có thể kéo dài tới 12 tuần, đặc biệt liên quan đến các biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, nhập viện liên quan đến ho gà có thể dẫn tới tử vong. Đặc biệt, người lớn tuổi có tỷ lệ nhập viện vì bệnh ho gà cao thứ hai sau trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn.
Có hai lý do chính dẫn đến gánh nặng bệnh tật cao ở người lớn, đặc biệt người cao tuổi:
Người lớn tuổi rất dễ nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch liên quan đến tuổi.
Sự hiện diện của các bệnh tiềm ẩn như bệnh hô hấp mạn tính, làm tăng 2,5 lần nguy cơ mắc bệnh ho gà nặng ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tăng gấp 4 lần nguy cơ mắc bệnh ho gà nặng ở bệnh hen suyễn.
Ngược lại, khi nhiễm ho gà cũng làm tăng mức độ nặng của bệnh hô hấp. Cụ thể, ước tính 93 % người bệnh này có nguy cơ phải tăng sử dụng thuốc giãn phế quản, tăng sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm khiến cho việc điều trị khó khăn hơn.10,14,15 Tiếp đó, trong vòng 1 tháng mắc bệnh ho gà, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen có nguy cơ chịu đựng thêm:
Bệnh nhân hen phải tăng 3 lần thăm khám y tế, tăng 4 lần nhập viện khoa cấp cứu, các đợt ho kịch phát kéo dài lâu hơn 20%, số đêm bị mất giấc nhiều hơn 20%, nguy cơ viêm xoang tăng 4%.
Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng 2 lần thăm khám y tế và tăng 9 lần nhập viện khoa cấp cứu.Ước tính số người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa được chẩn đoán ho gà nhiều gấp hàng trăm lần.
Ngoài gánh nặng bệnh tật, trong một nghiên cứu cho thấy người bệnh mắc ho gà kèm COPD hoặc hen làm gánh nặng kinh tế cao hơn đáng kể so với người bệnh chỉ mắc ho gà.
Vắc xin có khả năng giúp phòng ngừa bệnh ho gà, tuy nhiên nhận thức về nguy cơ lây nhiễm và sự cần thiết của vắc xin vẫn còn thấp. Quan điểm sai lầm phổ biến là tiêm vắc xin sẽ bảo vệ suốt đời, điều này là không đúng vì kể cả nhiễm trùng tự nhiên hay tiêm chủng đều không tạo ra miễn dịch phòng ngừa lại bệnh ho gà suốt đời. Do đó, mặc dù tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em cao nhưng khả năng bảo vệ sẽ giảm dần theo độ tuổi trưởng thành nếu không được tiêm nhắc lại. Trái ngược với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tương đối cao đạt được ở trẻ em, tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn vẫn chưa đạt mức tối ưu.
Hiện nay, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và Hội Y học dự phòng Việt Nam khuyến cáo tiêm chủng ngừa nhắc lại mỗi 10 năm vắc xin có thành phần ho gà cho người lớn, đặc biệt người lớn có bệnh lý phổi như COPD hay hen.
Chủ động tiêm vắc xin bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng
Tiêm chủng đầy đủ cho gia đình là một biện pháp quan trọng và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Cơ thể sẽ hình thành và phát triển kháng thể bảo vệ chống lại các vi khuẩn, vi rút và tác nhân gây bệnh cộng đồng.
Hãy tham khảo các lịch tiêm chủng định kỳ và tư vấn y tế để biết rõ những loại vắc xin cần thiết cho từng độ tuổi và nhóm người cụ thể.
Một trang web hỗ trợ thông tin tiêm chủng cho từng cá nhân là Halo website https://halo.tiemngua.com/ được Hội Y Học Dự phòng Việt Nam thiết kế nhằm nâng cao kiến thức về các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Các thông tin được Halo dựa trên khuyến cáo từ các tổ chức y tế uy tín như Tổ chức y tế thế giới WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ và các khuyến cáo từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam.
Halo là viết tắt của Health (sức khỏe), Age (tuổi), Lifestyle (lối sống), Occupation (nghề nghiệp). Khi người dùng truy cập vào trang web Halo, trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình trạng sức khỏe, độ tuổi, lối sống, nghề nghiệp sẽ nhận bảng kết quả gợi ý khuyến cáo chủng ngừa vắc xin phù hợp với từng cá nhân.
Code: NX-VN-ABX-OGM-230004, ADD 06/23. Tài liệu dành cho công chúng. Vui lòng tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chẩn đoán phù hợp. Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của Công ty TNHH Dược Phẩm GSK Việt Nam, Pharmacity và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bạn có thể xem thêm: