Thalassophobia là gì? Những điều cần biết về hội chứng sợ biển
Thalassophobia, hay còn gọi là hội chứng sợ biển, đây là chứng rối loạn tâm lý gây ra nỗi sợ dai dẳng và tột độ đối với biển, đại dương, đặc biệt là với những vùng nước sâu và rộng lớn. Người mắc hội chứng này thường sẽ cảm thấy lo lắng, hoảng loạn, họ có thể bị co thắt khi ở gần biển hoặc thậm chí chỉ nghĩ về nó.
Thalassophobia, hay còn gọi là hội chứng sợ biển
Thalassophobia là gì?
Thalassophobia có nghĩa là nỗi sợ hãi đối với các vùng nước lớn và sâu giống như biển. Người mắc hội chứng này thường sẽ lo lắng, hoảng loạn mỗi khi đứng trước các vùng nước lớn, khi đi dạo trên bãi biển hoặc đi thuyền trên biển. Trong trường hợp nặng hơn, họ còn sợ cả tranh ảnh về biển hay những loài vật sống dưới nước như cá, mực, tôm,… cho dù chúng đã chết và bày bán trên đất liền.
Thalassophobia không phải là chứng sợ nước bình thường (Aquaphobia). Họ không sợ nước trong mọi trường hợp mà chỉ sợ những gì có liên quan đến các vùng nước rộng và sâu như công viên nước, hồ lớn, sông lớn, biển và đại dương.
Những người mắc hội chứng sợ biển tin rằng họ có thể sẽ bị chết đuối cho dù họ bơi rất giỏi. Họ sợ bị cá mập tấn công dù điều đó đó hiếm khi xảy ra. Nhìn chung, họ sợ tất cả những gì có khả năng gây nguy hiểm tính mạng dưới mặt nước.
Ở Mỹ có khoảng 15 triệu người mắc chứng sợ biển, tương đương với khoảng 7,1% người trưởng thành, tỷ lệ này ở trẻ vị thành niên là 5,5% (Theo WellMind). Hơn nữa, chỉ có khoảng 40% người mắc được điều trị đúng cách.
Họ sợ bị cá mập tấn công dù điều đó hiếm khi xảy ra
Triệu chứng của những người mắc hội chứng Thalassophobia
Khi nghĩ về biển hoặc đại dương, những người mắc chứng sợ biển có thể có những cảm giác sau:
- Cảm giác lo lắng và sợ hãi dữ dội: Khi ở gần biển hoặc chỉ nghĩ về nó.
- Hoảng loạn: Các cơn hoảng loạn có thể bao gồm các dấu hiệu khác như tim đập nhanh, khó thở, run rẩy, đổ mồ hôi, và cùng với cảm giác choáng váng hoặc sắp chết.
- Tránh né: Người mắc hội chứng Thalassophobia có thể cố gắng tránh xa những hoạt động liên quan đến biển như bơi lội, đi thuyền, thậm chí đi dạo dọc bờ biển.
- Mệt mỏi, mất ngủ: Do lo lắng và hoảng loạn liên tục gây nên.
- Khó tập trung: Do tâm trí bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi.
Trong cơn hoảng loạn, người bệnh có thể sẽ cảm thấy tim mình đập nhanh và buồn nôn. Hơn nữa, triệu chứng run, đổ mồ hôi hoặc choáng váng cũng thường xảy ra. Một số người thậm chí còn có cảm giác như ngày tận thế sắp xảy ra.
Nếu chứng sợ biển ở mức độ nặng, người bệnh còn cảm thấy lo lắng mỗi khi nhìn vào một bức ảnh chụp biển hoặc khi nghe thấy từ “biển” từ ai đó nói ra mà không hề ở gần yếu tố kích hoạt này.
Người bệnh lo lắng, hoảng loạn khi ở gần biển hoặc chỉ nghĩ về nó
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Thalassophobia là gì?
Nguyên nhân của nỗi ám ảnh không được hiểu rõ. Chúng có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Một số người có thể phát triển chứng sợ thalassophobia mà không có nguyên nhân nào được nhận biết, trong khi một số người khác lại có thể phát triển nỗi ám ảnh sau một sự kiện đau thương. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng này như:
- Tuổi nhỏ: Bất cứ đối tượng nào cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi các chứng sợ hãi. Tuy nhiên, trẻ em có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi hơn, bao gồm cả chứng sợ biển.
- Trải nghiệm cuộc sống tiêu cực: Một người khi có trải nghiệm tiêu cực liên quan đến đại dương hoặc những vùng nước sâu khác có thể tạo nên chứng sợ Thalassophobia. Tương tự, những người nhìn thấy những tình huống đáng sợ trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông cũng có khả năng phát triển một nỗi sợ hãi.
- Thông tin học được: Thay vì trải nghiệm tự hoặc quan sát các tình huống đáng sợ về biển thì một số người có thể thấy chứng sợ hãi của họ phát triển từ những thông tin nhận được bởi người khác. Nếu cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy nói với trẻ nhỏ về sự nguy hiểm của các vùng nước sâu thì trẻ cũng có thể trở nên sợ hãi.
- Di truyền: Tiền sử gia đình về chứng lo âu và ám ảnh có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên khác. Nếu cha mẹ mắc hội chứng sợ biển thì con sinh ra cũng có nhiều khả năng mắc hội chứng này cao hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ bình thường.
- Bất thường ở não bộ: Các chuyên gia nhận xét, hạch hạnh nhân của những người mắc hội chứng sợ đại dương thường ở trong trạng thái hoạt động quá mức. Mặc dù chưa tìm hiểu rõ được nguyên nhân vấn đề này, tuy nhiên rõ ràng một rối loạn nào đó trong não thực sự có liên quan đến hội chứng Thalassophobia.
- Sự bí ẩn của đại dương: Biển cả từ xưa đến nay luôn là một điều bí ẩn đối với con người. Sự bí ẩn và vô tận của đại dương khiến cho con người không khỏi lo lắng và sợ hãi. Hơn nữa, những câu chuyện về chình điện, thủy quái, thuồng luồng,… cũng phần nào làm gia tăng nguy cơ phát triển nỗi sợ đại dương.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Thalassophobia là gì?
Ảnh hưởng của hội chứng Thalassophobia đối với đời sống
Hội chứng Thalassophobia, hay còn gọi là hội chứng sợ đại dương, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của những người mắc theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:
Hạn chế hoạt động giải trí và du lịch
Người mắc hội chứng Thalassophobia thường e dè hoặc tránh xa các hoạt động có liên quan đến biển như đi thuyền, tắm biển, bơi lội, lướt sóng,… Điều này khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội vui chơi, giải trí cũng như những trải nghiệm thú vị.
Việc du lịch đến những nơi có biển trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được, hạn chế khả năng khám phá, trải nghiệm thế giới của họ.
Gây ra các vấn đề về tâm lý
- Nỗi sợ hãi đối với biển có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng, thậm chí là trầm cảm.
- Người bệnh có thể gặp những khó khăn trong việc tập trung, mất ngủ, và luôn cảm thấy lo lắng và bất an.
- Trường hợp nghiêm trọng, hội chứng Thalassophobia có thể dẫn đến những cơn hoảng loạn, khiến cho người bệnh không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình.
Ảnh hưởng đến các mối quan hệ
- Nỗi sợ của người bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình và bạn bè.
- Họ e dè tham gia các hoạt động chung liên quan đến biển, khiến họ dần xa cách với những người thân yêu.
- Việc chia sẻ nỗi sợ của bản thân cũng có thể gặp nhiều khó khăn, khiến họ cảm thấy cô đơn và lạc lõng khi không ai hiểu mình.
Gây khó khăn trong học tập và công việc
Nếu công việc của người bệnh có liên quan đến biển, ví dụ như ngư dân, thủy thủ,… hội chứng sợ biển có thể khiến cho họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là mất việc làm.
Việc học tập cũng có thể bị ảnh hưởng nếu trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến biển.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
- Nỗi sợ hãi kéo dài có thể khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, bất an, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
- Họ có thể gặp khó khăn trong việc tận hưởng cuộc sống, cảm thấy thiếu đi sự tự do.
- Chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị giảm sút đáng kể.
Thalassophobia có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của những người mắc
Cách khắc phục hiệu quả hội chứng Thalassophobia
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý và những biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể dần dần vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân và sống một cuộc sống bình thường, trọn vẹn.
- Nếu bạn hoặc người thân xung quanh đang gặp phải hội chứng sợ đại dương, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Hãy chia sẻ nỗi sợ hãi của bản thân với những người thân yêu để có thể nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ.
- Áp dụng các biện pháp tự chăm sóc bản thân như thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lưu ý nên tránh xa caffeine và rượu bia,… để giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Tham gia các nhóm hỗ trợ với những người khác cũng mắc hội chứng Thalassophobia để có thể chia sẻ kinh nghiệm và được động viên.
Hội chứng thalassophobia là nỗi ám ảnh đặc biệt, dẫn đến các cơn hoảng loạn và hành vi trốn tránh khi tiếp xúc gần với biển. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn hội chứng tâm lý này, để có những cách kiểm soát chứng ám ảnh sợ biển hiệu quả.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.