Tăng cân có phải là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ không?
Trĩ là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một trong những đối tượng có nguy cơ bị bệnh trĩ là người thừa cân, béo phì. Bài viết này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về bệnh trĩ cũng như các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh từ việc kiểm soát cân nặng hợp lý.
Bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là những cấu trúc bình thường ở ống hậu môn. Bệnh trĩ là do những cấu trúc này bị chuyển đổi sang trạng thái bệnh lý do yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu. Trĩ là bệnh rất phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 50-60% các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng (trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò (mạch lươn), sa trực tràng,…).
Bệnh trĩ và các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
- Tư thế làm việc: Trĩ gặp nhiều ở những người phải thường xuyên đứng lâu hay ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, lái xe đường dài,…
- Người mắc bệnh lỵ và táo bón: Ở những người này mỗi khi đại tiện phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong ống hậu môn tăng lên khoảng 10 lần dễ gây ra bệnh trĩ.
- Tăng áp lực trong khoang ổ bụng: Hay gặp ở những người lao động chân tay nặng nhọc, những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, phụ nữ có thai, người thừa cân, béo phì,…
- Ngoài ra, trĩ còn xuất hiện trong một số bệnh lý khác như xơ gan, u vùng hậu môn trực tràng và tiểu khung,…
Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng rõ rệt ở trĩ là chảy máu và sa búi trĩ:
- Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện khi nhìn thấy máu ở giấy chùi vệ sinh hoặc thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.
- Sa búi trĩ thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở hậu môn, lúc đầu nó tự tụt vào được, về sau càng to dần phải dùng tay nhét vào.
- Có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau rát khi đi cầu, ngứa, chảy dịch quanh lỗ hậu môn.
Trĩ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh
Vì sao tăng cân mất kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ?
Tình trạng tăng cân mất kiểm soát làm cho trọng lượng cơ thể tăng cao, tạo ra áp lực nặng đến các cơ quan khác, nhất là vùng hậu môn, trực tràng, làm căng giãn, chèn ép búi tĩnh mạch trĩ. Kèm theo đó là việc lười vận động khi trọng lượng cơ thể lớn càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ hơn. Ngoài ra, lượng mỡ thừa gây chèn ép vào vùng hậu môn, làm vùng này không được thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển khiến cho bệnh diễn tiến xấu hơn. Như vậy, việc kiểm soát cân nặng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ
Cách giảm cân an toàn và hiệu quả để phòng tránh bệnh trĩ
Giảm cân an toàn là cần duy trì cân nặng bền vững, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh, ngăn ngừa nguy cơ tái phát thừa cân, béo phì, đồng thời kết hợp tiêu hao năng lượng qua vận động và giảm cung cấp năng lượng qua thực phẩm. Những cách sau được xem là hỗ trợ giảm cân tự nhiên, an toàn, bền vững, đồng thời đó cũng là những thói quen lành mạnh giúp phòng tránh bệnh trĩ:
- Loại bỏ đồ ăn vặt: Những người bận rộn thường để thức ăn nhanh trong tầm tay sẽ khó khăn hơn trong việc giảm cân. Vì vậy, chỉ nên để đồ ăn nhẹ lành mạnh ở nhà và nơi làm việc để có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi cần nhưng tránh nạp thừa đường và muối – thủ phạm gây tăng cân. Các thức ăn nhẹ giảm cân tốt bao gồm: các loại hạt tự nhiên không chế biến với muối hoặc đường, trái cây, sữa chua ít béo, rong biển khô, salad rau,…
Thay đổi thói quen ăn uống để giảm cân và phòng ngừa bệnh trĩ
- Loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn: Do chứa nhiều natri, chất béo, calo, đường, ít chất dinh dưỡng hơn so với thực phẩm tự nhiên, hơn nữa còn có xu hướng tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến việc ăn quá nhiều.
- Chế độ ăn giàu protein: Tổng hợp dữ liệu cho thấy chế độ ăn giàu protein (hơn 25-30g protein mỗi bữa) giúp cải thiện sự thèm ăn, kiểm soát trọng lượng cơ thể và các yếu tố nguy cơ rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch,… Bạn nên ăn nhiều trứng, thịt gà, cá, thịt nạc và đậu.
- Giảm tiêu thụ đường: Loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn sẽ là bước tích cực đầu tiên trong việc giảm đường.
- Uống nhiều nước: Nước là trợ thủ đắc lực của việc giảm cân, không chứa calo và cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống nước trước bữa ăn cũng có thể giúp bạn ăn ít hơn. Lượng nước cần bổ sung mỗi ngày cho người trưởng thành là khoảng 2 – 2,5 lít. Tốt nhất nên dùng nước tinh khiết, nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội.
- Tránh đồ uống nhiều calo: Soda, nước ép trái cây, nước tăng lực, nước ngọt có ga, rượu và cà phê latte (có sữa, đường). Cà phê có thể có một số ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe nếu bạn kiềm chế không thêm đường và chất béo. Một nghiên cứu đánh giá rằng cà phê đen giúp cải thiện quá trình chuyển hóa carbohydrate và chất béo của cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh gan.
- Tránh carbohydrate tinh chế: Gạo trắng, bánh mì trắng, bột mì trắng, kẹo, ngũ cốc, đường, mì ống… có thể gây hại cho quá trình trao đổi chất của cơ thể hơn chất béo bão hòa. Ngược lại, gạo lứt, bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt,… có thể hỗ trợ giảm cân và giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
- Cẩn trọng với ăn chay và nhịn ăn: Nhịn ăn trong chu kỳ ngắn có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, nhịn ăn có thể gây nguy cơ cho thanh thiếu niên đang phát triển, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có bệnh tiềm ẩn. Nhiều người lựa chọn ăn chay để giảm cân mà không biết rằng thực phẩm chay giàu chất béo, chất bột, đường dễ tăng cân hơn là giảm cân.
- Giảm lượng carbohydrate: Không nên bỏ hoàn toàn carbohydrate trong thực đơn mà nên ăn ít carbohydrate lành mạnh để cơ thể tiêu thụ được toàn bộ không dư thừa.
- Ăn nhiều rau quả: Rau không cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất và vi lượng, cung cấp chất xơ giúp làm mềm phân, hạn chế táo bón, cân bằng vi khuẩn trong ruột. Nên hạn chế ăn những loại quả ngọt, nhiều đường trong khi giảm cân.
- Ăn chậm: Ăn chậm, nhai kỹ là một mẹo giúp giảm lượng thức ăn tiêu thụ trong bữa ăn.
- Sử dụng “lá chắn” đánh răng: Đánh răng có thể giúp giảm sự cám dỗ của đồ ăn vặt giữa các bữa ăn, nhất là vào buổi tối.
- Chế độ tập thể dục hợp lý:
- Để giảm cân, cần tập thể dục thường xuyên và năng vận động. Việc vận động, rèn luyện thân thể vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe thể lực, vừa tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, hạn chế nguy cơ bị táo bón. Luyện tập thể lực cũng giúp tăng lưu thông máu, hạn chế tình trạng ứ máu ở vùng hậu môn trực tràng, giúp giảm nguy cơ căng giãn búi tĩnh mạch trĩ. Tuy nhiên, cần lưu ý tập luyện ở cường độ vừa phải, việc tập luyện quá sức cũng là một trong những nguy cơ gây ra bệnh trĩ do tăng áp lực lên ổ bụng.
- Các biện pháp luyện tập đơn giản có thể áp dụng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, cầu lông, chơi bóng,… Lưu ý là phải luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Đối với những người có đặc thù công việc là ngồi nhiều, hoặc đứng lâu ở một tư thế trong thời gian dài, có thể gây áp lực lên các búi tĩnh mạch trĩ ở hậu môn. Vì thế mà đối tượng này càng cần phải vận động thường xuyên. Chẳng hạn, sau khoảng 30 – 60 phút làm việc, phải đứng dậy rồi đi lại quanh phòng hoặc thực hiện một số bài tập đơn giản.
Duy trì thói quen luyện tập thể dục mỗi ngày
- Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc hay chất lượng giấc ngủ kém kém sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể có thể tích trữ năng lượng chưa sử dụng dưới dạng chất béo, có thể làm tăng sản xuất insulin và cortisol, gây tích tụ chất béo.
- Quản lý mức độ căng thẳng: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc thực hiện chương trình can thiệp kiểm soát căng thẳng kéo dài 8 tuần đã làm giảm đáng kể chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân, béo phì. Một số phương pháp quản lý căng thẳng bao gồm:
- Yoga, thiền hoặc thái cực quyền
- Kỹ thuật thở và thư giãn
- Dành thời gian ở ngoài trời, chẳng hạn như đi bộ hoặc làm vườn.
Nếu đang ở tình trạng tăng cân mất kiểm soát, ngay từ bây giờ, bạn hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập hợp lý và kiên trì thực hiện đều đặn để có một sức khỏe thật tốt cũng như phòng tránh bệnh trĩ.