Rabeprazole: Thuốc đặc trị cho bệnh nhân viêm loét dạ dày, trào ngược
Rabeprazole là một giải pháp hiệu quả cho các vấn đề về dạ dày và thực quản, gồm có viêm loét, trào ngược axit, làm giảm các triệu chứng như khó nuốt, ợ nóng, ợ chua,… Vậy, nên lưu ý điều gì khi sử dụng loại thuốc này? Bài viết dưới đây của Pharmacity sẽ giúp bạn tìm hiểu về Rabeprazole một cách tổng quan và chi tiết nhất. Tham khảo ngay!
Mô tả về thuốc Rabeprazole
Rabeprazole (hay Rabeprazol) là một loại thuốc ức chế bơm proton, có 2 dạng chính với hàm lượng như sau:
- Thuốc Rabeprazole dạng viên nén bao tan trong ruột: Gồm có hàm lượng 10mg, 20mg, 40mg hoặc loại cốm pha hỗn dịch và tan trong ruột 40mg/gói.
- Thuốc Rabeprazole dạng tiêm (truyền tĩnh mạch): Gồm có loại 20mg/ống, 40mg/ống hoặc 20 mg bột đông khô/lọ.
Chỉ định dùng thuốc Rabeprazole
Đối với thuốc Rabeprazole được các bác sĩ chỉ định dùng các đối tượng, như:
- Bệnh nhân bị loét tá tràng cấp tính.
- Cơ thể mắc bệnh loét dạ dày cấp tính.
- Người bệnh mắc chứng trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), có hoặc không bị viêm thực quản, loét hay trầy xước.
- Người bệnh bị chảy máu tiêu hóa cao không do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
- Mắc hội chứng Zollinger – Ellison.
- Người bị loét hành tá tràng.
Dược lực học của thuốc Rabeprazole
- Nhóm điều trị về dược học: Đường tiêu hóa và chuyển hóa, các thuốc về loét tiêu hóa và bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), các thuốc ức chế bơm proton, ATC code: A02BC04.
- Cơ chế tác động: Rabeprazol natri thuộc về nhóm các hợp chất kháng tiết, các benzimidazole thay thế, các thuốc này không ức chế các đặc tính kháng cholinergic hay đối vận H2 histamine, mà ức chế việc tiết acid dạ dày bằng cách ức chế đặc trưng men H+/K+~ -ATPase (bơm acid hay bơm proton) Ảnh hưởng này liên quan đến liều và dẫn đến việc ức chế cả sự tiết acid từ tế bào đáy và được kích thích bất kể tác nhân kích thích. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sau khi dùng thuốc, rabeprazol natri nhanh chóng biến mất khỏi huyết tương và màng nhầy dạ dày. Như 1 base yếu, rabeprazol nhanh chóng được hấp thu sau các liều uống và tập trung trong môi trường acid của các tế bào đỉnh. Rabeprazol được biến đổi thành dạng sulphenamide hoạt tính qua quá trình proton hóa và sau đó thuốc này phản ứng với các cysteine sẵn có trong bơm proton.
- Hoạt tính kháng tiết: Sau liều uống 20mg rabeprazol natri, tác dụng khởi phát của tác dụng kháng tiết xảy ra trong vòng 1 giờ, với tác động tối đa xảy ra trong vòng 2 đến 4 giờ. Việc ức chế sự tiết acid từ tế bào đáy và bởi sự kích thích của thức ăn 23 giờ sau liều rabeprazol natri đầu tiên theo thứ tự là 69% và 82% và thời gian ức chế kéo dài đến 48 giờ. Ảnh hưởng ức chế của rabeprazol natri trên sự tiết acid làm tăng nhẹ với liều lặp lại 1 lần mỗi ngày, đạt được sự ức chế ở trạng thái ổn định sau 3 ngày. Khi ngừng thuốc, hoạt tính tiết acid bình thường lại sau 2 đến 3 ngày. Độ acid của dạ dày giảm do bất cứ tác nhân nào, bao gồm các thuốc ức chế bơm proton như rabeprazol, là tăng lượng vi khuẩn bình thường hiện diện trong đường tiêu hóa. Việc điều trị với các thuốc ức chế bơm proton có thể có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa như Salmonella, Campylobacter vả Clostridium difficile.
- Các ảnh hưởng lên gastrin huyết tương: Trong các nghiên cứu lâm sàng, bệnh nhân được điều trị 1 lần mỗi ngày với 10 hay 20mg rabeprazol natri, trong khoảng thời gian lên đến 43 tháng. Mức độ gastrin huyết tương tăng suốt 2 đến 8 tuần phản ánh hiệu quả ức chế tiết acid và duy trì ổn định trong khi tiếp tục điều trị. Các giá trị gastrin trở về các mức độ trước khi điều trị, thường trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi ngừng điều trị.
- Sinh thiết dạ dày ở người từ hang và đáy dạ dày từ hơn 500 bệnh nhân điều trị với rabeprazol hay điều trị so sánh đến 8 tuần chưa phát hiện thay đổi trong mô học tế bào ECL, mức độ viêm dạ dày, tần suất viêm dạ dày dạng teo, dị sản ruột non hay sự phân bố của việc nhiễm khuẩn H. pylori, ở hơn 250 bệnh nhân được theo dõi trong suốt 36 tháng điều trị liên tục, không có thay đổi đáng kể trong các kết quả hiện diện lúc ban đầu quan sát được.
- Các ảnh hưởng khác: Các ảnh hưởng toàn thân của rabeprazol natri trong hệ thần kinh, hệ tim mạch và hệ hô hấp chưa được tìm thấy chưa đến nay. Rabeprazol natri, dùng các liều uống 20mg trong vòng 2 tuần, không có ảnh hưởng lên chức năng tuyến giáp, sự chuyển hóa carbohydrat, hay các nồng độ tuần hoàn của hormon cận giáp, cortisol, oestrogen, testosteron, prolactin, cholecystokinin, secretin, glucagon, hormon kích thích nang (FSH), hormon hoàng thể hóa (LH), renin, aldosteron hay hormon sinh dưỡng.
Các nghiên cứu ở các đối tượng khỏe mạnh cho thấy rằng rabeprazol natri không có các tương tác lâm sàng đáng kể với amoxicillin. Rabeprazol không ảnh hưởng bất lợi đến các nồng độ huyết tương của amoxicillin hay clarithromycin khi dùng kèm các thuốc này với mục đích điều trị triệt để nhiễm khuẩn đường tiêu hóa trên do H. pylori.
Động lực học của Rabeprazole
- Hấp thu: Việc hấp thu rabeprazol chỉ bắt đầu sau khi viên nén rời khỏi dạ dày. Sự hấp thu thuốc nhanh, với nồng độ rabeprazol huyết tương đỉnh khoảng 3.5 giờ sau 1 liều 20mg. Nồng độ huyết tương đỉnh (Cmax) của rabeprazol và AUC tuyến tính qua mức liều 10mg đến 40mg. Sinh khả dụng tuyệt đối của 1 liều uống 20mg (so sánh với đường tiêm) khoảng 52% do phần lớn được thuốc chuyển hóa trước khi vào hệ tuần hoàn chung. Thêm vào đó sinh khả dụng dường như không tăng với liều uống lặp lại. Ở các đối tượng khỏe mạnh, thời gian bán thải huyết tương khoảng 1 giờ (dao động từ 0.7 đến 1.5 giờ), và tổng độ thanh thải của cơ thể được ước tính khoảng 283 ± 98ml/phút. Không có tương tác tương ứng về mặt lâm sàng với thức ăn. Thức ăn hay thời gian dùng thuốc điều trị trong ngày đều không ảnh hưởng đến sự hấp thu rabeprazol natri.
- Phân bố: Rabeprazol gắn khoảng 97% với các protein huyết tương ở người.
- Chuyển hóa và thải trừ: Rabeprazol natri, cũng như trong trường hợp với các thành phần khác của nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI), được chuyển hóa qua hệ thống chuyển hóa thuốc ở gan cytochrome P450 (CYP450). Các nghiên cứu in vitro ở ty thể gan người cho thấy rằng rabeprazol natri được chuyển hóa bởi các enzyme đồng dạng của enzyme CYP450 (CYP2C19 và CYP3A4). Trong các nghiên cứu này, ở các nồng độ huyết tương được dự đoán ở người, rabeprazol không cảm ứng cũng không ức chế enzyme CYP3A4; và mặc dù các nghiên cứu in vitro có thể không luôn luôn dự đoán tình trạng in vivo nhưng những kết quả cho thấy rằng dự đoán không có tương tác giữa rabeprazol và cyclosporin. Ở người thioether (M1) và carboxylic acid (M6) là các chất chuyển hóa chính với sulphone (M2), desmethyl-thioether (M4) và liên hợp acid mercapturic (M5), các chất chuyển hóa thứ yếu quan sát được ở các nồng độ thấp. Chỉ có chất chuyển hóa desmethyl metabolite (M3) là có 1 lượng nhỏ hoạt tính kháng tiết, mà nó không hiện diện trong huyết tương.
Theo sau liều đơn uống rabeprazol natri 20mg 14C đánh dấu đồng vị phóng xạ, không có thuốc dưới dạng không đổi được bài tiết ra nước tiểu. Khoảng 90% liều được thải chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng 2 chất chuyển hóa: 1 liên hợp acid mercapturic (M5) và 1 acid carboxylic acid (M6), cộng với 2 chất chuyển hóa khác chưa biết. Phần còn lại của liều được thấy trong phân.
- Giới tính: Điều chỉnh theo chỉ số khối cơ thể và chiều cao, không có sự khác biệt đáng kể về giới tính trong các thông số dược động học theo sau 1 liều đơn 20mg rabeprazol.
- Chức năng thận: ở các bệnh nhân suy thận ổn định, giai đoạn cuối đòi hỏi phải lọc máu (độ thanh thải creatinine <= 5ml/phút/1.73m2), sự phân bố thuốc của rabeprazol rất tương tự với sự phân bố ở các đối tượng khỏe mạnh. AUC và Cmax ở những bệnh nhân này thấp hơn khoảng 35% các thông số tương ứng ở các đối tượng khỏe mạnh. Thời gian bán hủy trung bình của rabeprazol là 0.82 giờ ở các đối tượng tình nguyện khỏe mạnh, 0.95 giờ ở các bệnh nhân suốt quá trình lọc máu và 3.6 giờ sau lọc máu. Độ thanh thải của thuốc ở các bệnh nhân bệnh thận đòi hỏi duy trì lọc máu khoảng gấp đôi độ thanh thải ở các đối tượng tình nguyện khỏe mạnh.
- Rối loạn chức năng gan: Theo sau liều đơn dạng uống 20mg rabeprazol đối với các bệnh nhân suy giảm chức năng thận từ nhẹ đến trung bình, AUC tăng gấp đôi và thời gian bán hủy của rabeprazol tăng gấp 2 – 3 lần so với các đối tượng tình nguyện khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo sau 1 liều hàng ngày 20mg trong 7 ngày, mức AUC tăng chỉ đến gấp 1.5 lần và Cmax chỉ tăng đến 1.2 lần. Thời gian bán hủy của rabeprazol ở các bệnh nhân suy gan nặng là 12.3 giờ so với 2.1 giờ ở các đối tượng tình nguyện khỏe mạnh. Đáp ứng dược lực (pH dạ dày được kiểm soát) ở 2 nhóm là tương đương về mặt lâm sàng.
- Người lớn tuổi: Sự đào thải có phần giảm ở người lớn tuổi. Sau 7 ngày điều trị với liều dùng hàng ngày 20mg rabeprazol natri, AUC tăng khoảng gấp đôi, Cmax tăng 60% và t1/2 tăng khoảng 30% khi so sánh với các đối tượng tình nguyện khỏe mạnh. Tuy nhiên không có bằng chứng về sự tích lũy rabeprazol.
- Hiện tượng CYP2C19 nhiều dạng: Theo sau liều đơn 20mg rabeprazol trong 7 ngày, CYP2C19 các chất chuyển hóa chậm, có AUC và t1/2 gấp khoảng 1.9 và 1.6 lần các thông số tương ứng trong các chất chuyển hóa mở rộng trong khi Cmax chỉ tăng 40%.
Tương tác thuốc Rabeprazole với các loại thuốc khác
Việc dùng Rabeprazole với các loại thuốc có chứa ketoconazole hay itraconazole gây giảm hấp thu các chất này. Ngoài ra, thuốc Rabeprazole còn gây:
- Giảm nồng độ/tác dụng của một số sản phẩm thuốc khi kết hợp với: Atazanavir, clopidogrel, dabigatran, etexilate, erlotinib, muối sắt, itraconazole, indinavir, mesalamin, mycophenolat, nelfinavir.
- Tăng nồng độ/tác dụng của một số sản phẩm thuốc khi kết hợp với: Các cơ chất CYP2C19, CYP2C8 (có mức độ rủi ro cao), methotrexate, voriconazole và saquinavir.
Chống chỉ định khi sử dụng Rabeprazole
Chống chỉ định sử dụng thuốc Rabeprazole với người bệnh có:
- Cơ thể dị ứng với Rabeprazole, các chất có trong benzimidazole (như ezomeprazole, lansoprazole, pantoprazole, hay omeprazole) và bất kỳ thành phần nào có trong sản phẩm thuốc.
- Chị em phụ nữ đang có thai hay cho con bú.
Liều lượng & cách dùng thuốc Rabeprazole
Liều lượng dùng Rabeprazole phù hợp với người lớn sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cụ thể là:
- Người bị loét tá tràng cấp tính: 20mg/ngày, 1 lần vào buổi sáng và uống đều đặn trong 4 tuần khi vết loét chưa lành hoàn toàn
- Người bị loét dạ dày cấp lành tính: 20mg/ngày, 1 lần vào buổi sáng, dùng trong 6 tuần và uống thêm 6 tuần tiếp theo nếu vết loét chưa lành hẳn.
- Người mắc hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản và có triệu chứng loét hay trầy xước: 20mg/lần/ngày và uống từ 4 – 8 tuần.
- Người bị trào ngược dạ dày – thực quản và phải điều trị dài hạn: 10 – 20mg/lần/ngày.
- Người gặp triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản nhưng không viêm thực quản: 10mg/lần/ngày, dùng đều đặn trong 4 tuần, sau đó nên uống 10mg/lần/ngày mỗi khi cần. Sau 4 tuần nếu bạn nhận thấy bệnh chưa giảm thì nên đi thăm khám bác sĩ.
- Người bị hội chứng Zollinger – Ellison: Với liều khởi đầu nên là 60mg/lần/ngày và tăng lên tối đa khoảng 120mg/ngày, chia 2 lần hoặc chỉ uống 1 lần/ngày lên đến 100mg tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bị loét hành tá tràng hay loét dạ dày lành tính kèm theo nhiễm H.pylori: Nên dùng trong 7 ngày, uống đều đặn vào buổi sáng và tối với liều lượng 2 lần/ngày. Đặc biệt nên kết hợp giữa Rabeprazole 20mg/lần với clarithromycin 500mg/lần và amoxicilin 1g/lần.
Đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên khi điều trị GERD có triệu chứng thì nên dùng viên giải phóng chậm Rabeprazole natri với liều lượng 20mg/lần/ngày và dùng trong 8 tuần. Bên cạnh đó, riêng người bệnh suy thận hay suy gan thì không cần điều chỉnh liều.
Ngoài ra, có 2 cách dùng thuốc Rabeprazole, đó là tiêm truyền tĩnh mạch hoặc sử dụng viên nén. Trong đó, viên nén sẽ được bác sĩ chỉ định dùng 1 lần/ngày và uống vào buổi sáng trước khi ăn.
Tác dụng phụ của Rabeprazole
Sử dụng thuốc Rabeprazole không đúng cách hoặc quá liều sẽ gây nên một số tác dụng phụ, bao gồm:
- Các tình trạng dễ gặp: Tiêu chảy, đau đầu, suy nhược cơ thể, đau bụng, nổi mẩn, đầy hơi, khô miệng, mất ngủ, chóng mặt, viêm họng, buồn nôn, táo bón, có triệu chứng giống cúm.
- Các tình trạng ít gặp: Đau khớp, bồn chồn, ợ hơi, ngứa, đau cơ, bị chuột rút, nhiễm khuẩn đường niệu, ớn lạnh, tăng enzym gan,…
- Các tình trạng hiếm gặp: Trầm cảm, rối loạn thị giác, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, tăng huyết áp, rối loạn vị giác, tăng cân, viêm thận kẽ, viêm răng, viêm dạ dày, chán ăn,…
Những lưu ý khi dùng Rabeprazole
Để dùng thuốc Rabeprazole an toàn, bạn nên lưu ý:
- Không nên tự ý sử dụng Rabeprazole khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không những thế, bạn cần đi khám định kỳ khi cơ thể đang điều trị kéo dài hơn 1 nằm bằng Rabeprazole.
- Cẩn thận khi uống Rabeprazole với các thuốc ức chế bơm proton hay các dẫn chất benzimidazole vì có thể gây phản ứng quá mẫn với thuốc.
- Tuyệt đối không sử dụng loại thuốc này đối với trẻ em.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng Rabeprazole với người bị suy gan nặng.
- Việc sử dụng các loại thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Không được phép dùng thuốc Rabeprazole với người bệnh không dung nạp được galactose do di truyền, người bị suy giảm hấp thu glucose và galactose, người thiếu enzyme Lapp lactase.
Trường hợp dùng quá liều Rabeprazole
Khi người bệnh dùng quá liều Rabeprazole thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Mặt khác, khi quên uống một liều thuốc, bạn cần uống bổ sung ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu thời điểm uống liều quên quá gần với thời điểm uống liều kế tiếp, bạn nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Mặc dù thuốc Rabeprazole được dùng để điều trị các bệnh lý như loét dạ dày và trào ngược, nhưng việc sử dụng thuốc sai cách có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng và chỉ định từ bác sĩ.