Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm H.pylori (HP) là gì? Những điều cần biết về nhiễm H.pylori
Vi khuẩn HP là “thủ phạm” gây nhiều bệnh lý về dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Do đó, chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng giúp hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do vi khuẩn HP gây ra.
Tổng quan chung
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí, có một túm lông ở một đầu, nhờ những lông này mà vi khuẩn có thể chuyển động được. Vi khuẩn HP đã được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. Hai nhà khoa học đã được nhận giải nobel vào năm 2005 cho việc tìm thấy HP ở dạ dày của người.
Vi khuẩn này chính thức được công nhận là nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trên 80% những người bị nhiễm HP trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng. Người ta cho rằng vi khuẩn HP là một loại vi sinh sống trong trong dạ dày người từ cổ xưa, vi khuẩn HP cũng được tìm thấy trong dạ dày người từ 60.000 năm trước đây ở châu Phi.
Vi khuẩn HP cũng được coi là một vi sinh vật bình thường trong hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người. Trên 50% dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn HP. Ở các nước đã phát triển như Mỹ, các nước phương Tây, và Úc… tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP thấp hơn, chỉ khoảng 20 – 40% dân số nhiễm vi khuẩn HP, trong khi đó ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao hơn rất nhiều.
Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tăng dần theo tuổi, vào độ tuổi từ 40 – 50 có tới 80% người dân Việt Nam có nhiễm vi khuẩn HP.
Triệu chứng
Theo số liệu thống kê, hiện nay ước tính khoảng 50% người trên thế giới và 70% người Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, phần lớn người nhiễm HP không có triệu chứng.
Một số người nhiễm HP sẽ biểu hiện các triệu chứng. Các triệu chứng xuất hiện khi nhiễm HP thường liên quan đến tình trạng viêm loét dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng của tình trạng nhiễm HP dạ dày có thể bao gồm:
- Đau hoặc nóng rát ở vùng thượng vị.
- Buồn nôn, nôn
- Chán ăn
- Ợ hơi
- Cảm giác đầy hơi, chướng bụng
- Mệt mỏi, da xanh do thiếu máu, thiếu sắt
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Đôi khi có thể xuất hiện các biến chứng nặng của tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng: xuất huyết tiêu hóa, thủng.
Nguyên nhân
Bệnh do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên.
- Helicobacter pylori (HP) là một trực khuẩn Gram âm, hình cong hoặc hình chữ S, đường kính từ 0,3- 1µm, dài 1,5-5 µm với 4-6 lông mảnh ở mỗi đầu, chính nhờ các lông này cùng với hình thể của mình mà HP có thể chuyển động trong môi trường nhớt.
- HP thường cư trú ở trong lớp nhầy tập trung chủ yếu ở hang vị sau đó là thân vị và có thể thấy HP ở những vùng có dị sản dạ dày ở tá tràng. Không thấy HP trên bề mặt niêm mạc ruột và vùng dị sản ruột ở dạ dày.
- Để có thể tồn tại trong môi trường acid của dịch vị dạ dày, vi khuẩn HP tiết ra một lượng lớn enzyme Urease, lớn hơn nhiều so với bất kỳ một loại vi khuẩn nào khác, nhằm trung hòa độ acid trong dạ dày. Vì thế ở dạ dày sự hiện diện của urease gần như đồng nghĩa với sự có mặt của HP.
- Vi khuẩn HP tăng trưởng tốt ở nhiệt độ 30-400C và chịu được môi trường pH từ 5- 8,5.
Đối tượng nguy cơ
Nhiễm khuẩn HP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vị trí địa lý và chất lượng cuộc sống. Nhiễm vi khuẩn HP có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ nhưng thông thường bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP ngay từ khi còn nhỏ.
Những đối tượng dễ mắc bệnh lý này bao gồm:
- Người bệnh thường xuyên sống ở những nơi đông đúc như ký túc xá, quân đội, gia đình có nhiều người, chỉ cần một người bị nhiễm vi khuẩn HP có thể lây lan cho cả một tập thể.
- Khu vực sống thiếu nước sạch, thực phẩm nhiễm bẩn không đảm bảo an toàn.
- Người sống ở những nước đang phát triển có nguy cơ rất cao bị nhiễm vi khuẩn HP: người dân sống ở các nước đang phát triển, nơi mà điều kiện sống chật chội và nước sinh hoạt bị thiếu và không sạch, vệ sinh môi trường kém.
- Sống chung với bệnh nhân bị nhiễm H. pylori.
- Ở các nước đang phát triển,đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn là trẻ em ở độ tuổi từ 2-8 tuổi và người lớn từ 20 tuổi trở lên.
- Ở các nước phát triển tuổi bị nhiễm khuẩn HP thường > 50 tuổi và chiếm 50% dân số.
Chẩn đoán
Hiện nay có nhiều nghiệm pháp giúp người bệnh kiểm tra mình có bị nhiễm Hp hay không.
- Test HP bằng nội soi kiểm tra: Nội soi kiểm tra vi khuẩn HP là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào dạ dày qua đường thực quản. Sau đó lấy mảnh sinh thiết quanh vị trí dạ dày bị tổn thương để làm xét nghiệm Clo test hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Dựa vào kết quả xét nghiệm hoặc nuôi cấy sẽ xác định được người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không.
- Với phương pháp này, cho phép chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm HP trong dạ dày và đánh giá vị trí, mức độ tổn thương. Từ đó, đưa ra các nhận định ban đầu về bệnh và phác đồ điều trị phù hợp.
- Test HP bằng thở Ure: Test thở ure là phương pháp khá đơn giản để kiểm tra bạn có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không. Khi đến khám, bạn sẽ được đưa một thiết bị thở và thở vào đó. Có 2 dạng thiết bị test thở là test thở sử dụng thẻ (thở vào thiết bị có dạng giống thẻ ATM) và test thở sử dụng bóng (thở vào thiết bị có hình dạng giống quả bóng).
- Hơi thở trong dụng cụ test sẽ được phân tích, đánh giá xem có dương tính với vi khuẩn Hp hay không. Phương pháp này cho kết quả chính xác và phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người đã điều trị vi khuẩn Hp cần đánh giá lại hiệu quả điều trị.
- Test HP bằng xét nghiệm phân: Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày nên sẽ được đẩy ra ngoài theo đường phân. Xét nghiệm phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang để tìm vi khuẩn Hp sẽ cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh khi lấy phân xét nghiệm gây ra nhiều trở ngại cho người bệnh và kỹ thuật viên.
- Xét nghiệm máu: Khi bị nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể sẽ sinh ra đáp ứng miễn dịch bằng cách sản xuất ra kháng thể đặc hiệu với HP. Loại kháng thể này tồn tại trong máu và vì thế việc xét nghiệm máu sẽ phát hiện được vi khuẩn HP. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh có thể làm ở bất kỳ cơ sở y tế nào. Tuy nhiên, test HP bằng phương pháp này có thể cho kết quả dương tính giả bởi một số trường hợp người bệnh đã điều trị khỏi vi khuẩn HP nhưng kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu. Hoặc vi khuẩn có thể ẩn náu trong một số bộ phận kháng như ruột, khoang miệng, xoang nhưng không gây bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Hp, bạn cần chủ động tiến hành các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh, phòng dịch nơi sinh sống: vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, nơi ở.
- Rửa tay sạch sẽ khi ăn uống.
- Kiểm tra vi khuẩn Hp khi có các dấu hiệu bệnh dạ dày và tuân thủ điều trị vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, tránh lây lan trong gia đình và tránh kháng thuốc.
- Khi trong nhà có người bị nhiễm Hp thì nên sử dụng bát đũa riêng, vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tránh lây nhiễm.
Điều trị như thế nào?
Điều trị HP tập trung vào các mục tiêu: Loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn vết loét tái phát, đặc biệt là giảm nguy cơ phát triển ung thư. Người bệnh cần 1 – 2 tuần để thấy các phương pháp điều trị bắt đầu phát huy hiệu quả.
Thuốc điều trị vi khuẩn HP dạ dày
Nhiễm trùng HP thường được điều trị bằng ít nhất hai loại kháng sinh khác nhau cùng một lúc. Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Bao gồm omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole… Chúng có tác dụng giảm sản xuất axit trong dạ dày
- Bismuth subsalicylat: Sẽ bao phủ và bảo vệ vết loét khỏi axit dạ dày. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng được dùng kèm với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP
- Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn như amoxicillin, clarithromycin, metronidazole hoặc tinidazol, tetracycline, levofloxacin.
Cần lưu ý rằng, thuốc có thể gây tác dụng phụ ở một số người như:
- Metronidazole hoặc tinidazol: Gây buồn nôn, nôn mửa, ăn không ngon, đau bụng, khó chịu thượng vị, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, thay đổi vị giác tạm thời…
- Bismuth làm phân có màu đen và có thể gây táo bón
- Kháng sinh diệt HP có thể đồng thời tiêu diệt cả các loại vi khuẩn có lợi ở ruột, gây tiêu chảy, sình bụng, đầy bụng, co thắt dạ dày…
Sau ít nhất bốn tuần điều trị, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện lại xét nghiệm để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu vi khuẩn vẫn còn tồn tại, người bệnh sẽ được đề nghị điều trị đợt hai. Trong đó có ít nhất một loại thuốc kháng sinh khác với những loại thuốc đã được sử dụng trong đợt điều trị đầu tiên.
Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Tự ý uống hoặc ngừng thuốc có thể làm cho vi khuẩn HP trở nên kháng thuốc, khó điều trị hơn.
Cách điều trị HP dạ dày tại nhà
Hiệu quả điều trị HP dạ dày không chỉ liên quan đến bác sĩ mà còn phụ thuộc nhiều vào thói quen sống của người bệnh. Để điều trị hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tái phát, người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh như:
- Ngủ sớm, nghỉ ngơi đầy đủ
- Giảm căng thẳng, kiểm soát stress
- Kiêng bia rượu, cà phê, nước có gas, chất kích thích…
- Bổ sung nhiều rau củ và thực phẩm có chứa lợi khuẩn (sữa chua, kim chi,…)
- Hạn chế các loại thực phẩm chiên rán, cay nóng, chứa nhiều axit (chanh, cam, quýt…)
Ngoài ra, loét dạ dày do khuẩn HP có thể gây đau, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau, đặc biệt là NSAID, vì những loại thuốc này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu người bệnh cần thuốc giảm đau, hãy liên hệ với bác sĩ để được giúp đỡ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.