Những điều cần biết khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
COVID-19 vẫn là mối đe dọa tại Việt Nam, đặc biệt với tỉ lệ người được tiêm chủng còn rất ít. Nhiễm COVID-19 có thể diễn tiến nặng và phải nhập viện. Ở một số người, kể cả người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, các vấn đề sức khỏe có thể còn kéo dài vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn sau khi bị nhiễm bệnh. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hữu hiệu giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Những điều cần lưu ý trước khi tiêm vắc xin COVID-19
Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tiêm vắc xin đang được đẩy nhanh tốc độ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi chờ đợi đến lượt tiêm chủng vắc xin COVID-19, bạn nên thực hiện những điều sau đây:
- Chủ động tìm hiểu rõ phản ứng phụ của vắc xin trước khi tiêm
- Ăn uống đầy đủ, không uống rượu bia trước và vào ngày tiêm chủng
- Mặc quần áo thích hợp để tiến hành tiêm chủng thuận lợi: dễ khoe bắp tay khi tiêm vắc xin, dễ cởi ra nếu cần cấp cứu những phản ứng sau tiêm chủng
- Đi tiêm đúng ngày, giờ hẹn, khi đi tiêm và sau khi đã được tiêm chủng cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn nơi đông người, thực hiện thông điệp 5K phòng chống dịch COVID-19.
- Chủ động thông báo cho cán bộ Y tế các thông tin sức khỏe cá nhân: tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng và tiền sử tiêm chủng trước đây
- Nên tiêm vào cánh tay không thuận, phòng trường hợp bạn bị đau ở nơi tiêm và khó khăn khi cử động cánh tay
Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cần ghi nhớ những gì?
Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, để cơ thể nhanh phục hồi và khỏe mạnh, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi hợp lý, cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Những điều sau đây cần ghi nhớ sau khi tiêm vắc xin COVID-19:
- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi
- Lưu giữ giấy xác nhận tiêm vắc xin COVID-19
- Không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Khi về nhà, nơi làm việc chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần sau tiêm
- Thông báo cho cán bộ y tế và cập nhật trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử các phản ứng sau tiêm bạn gặp phải
- Ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Những phản ứng và cách xử trí sau khi tiêm vắc xin COVID-19
Hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là những phản ứng thông thường, liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm. Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng.
- Tác dụng phụ tại vị trí tiêm: Tăng cảm giác đau, đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng
- Các tác dụng phụ toàn thân: Khó chịu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau cơ
- Sốt (nhiệt độ đo được từ 38° C trở lên)
Cách giảm bớt tác dụng phụ:
- Để giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm: Áp khăn sạch, mát và ẩm, tập thể dục nhẹ nhàng cho cánh tay
- Để giảm cảm giác khó chịu do sốt: Uống thật nhiều nước, mặc trang phục nhẹ nhàng
Sốt nhẹ dưới 38 độ thường khỏi sớm sau 1-2 ngày, có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu. Những trường hợp sốt cao trên 38 độ cần theo dõi, nếu thân nhiệt không giảm hoặc không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường cần đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Kết
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm cũng như tự đánh giá nguy cơ của bản thân để đảm bảo không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc nhiễm trùng, cần khai báo y tế và không đến điểm tiêm chủng. Đồng thời sau khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng.