Nguy cơ khi lạm dụng thức uống năng lượng
Là người chơi thể thao chuyên nghiệp, anh Đồng ở TP HCM thường xuyên sử dụng nhiều loại nước uống năng lượng bổ sung điện giải, giúp phục hồi cơ bắp. Gần đây, cơ thể anh xuất hiện triệu chứng căng thẳng, bồn chồn, khó ngủ.
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM, một lon thức uống năng lượng có dung tích 300 ml giúp bổ sung nhiều khoáng chất tốt và không gây tác hại đáng kể. “Tuy nhiên, uống nhiều hơn hai lon một ngày sẽ gây áp lực lên động mạch, tăng lượng đường trong máu, chóng mặt, bồn chồn, co giật, thậm chí đột quỵ vô cùng nguy hiểm”, dược sĩ Phụng nói.
Thành phần caffeine trong thức uống năng lượng là chất gây hưng phấn chống lại cơn buồn ngủ. Dược sĩ Phụng khuyến cáo nên sử dụng ở liều thấp, tránh gây tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến huyết áp và tim mạch.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết 6% carbohydrate (khoảng 14 g carbohydrate cho mỗi 250 ml nước) là tối ưu để bù dịch và năng lượng cho cơ thể. “Khi tập luyện ít hơn một giờ, không có khác biệt giữa người uống nước chứa carbohydrate so với người uống nước thường”, bác sĩ Niên nói.
Người tập luyện thể thao không cần thiết bổ sung vitamin và khoáng chất khi đã có năng lượng từ nhiều nguồn thức ăn. Cần cân nhắc lượng vitamin nạp vào cơ thể, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến thận và sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Thức uống bổ sung năng lượng trên thị trường thường có dạng hỗn hợp đóng chai hoặc lon với nhiều loại hương vị và chất bổ sung khác nhau. Sản phẩm giúp người chơi thể thao hay những người đang mệt mỏi tỉnh táo, tập trung và tăng cường sức mạnh thể chất.