Người trên 65 tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần lưu ý gì?
Trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, tại những nơi có sự lây nhiễm trong cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng trước cho những đối tượng sau:
- Nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc cao
- Người cao tuổi, gồm những người từ 65 tuổi trở lên có hoặc không có bệnh lý nền
Ngày 08/07/2021, Bộ Y tế cũng đưa ra 16 nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Theo đó, người trên 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính (như bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người có tình trạng béo phì…) sẽ được ưu tiên tiêm tại các các bệnh viện để đảm bảo công tác cấp cứu.
Vắc xin COVID-19 cần thiết cho người trên 65 tuổi
Các nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc tiêm chủng ở người lớn tuổi không có bệnh nền vượt trội hơn những rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, tiêm vắc xin còn giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng dẫn đến tử vong nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2. Đến cuối tháng 4/2021, tại Anh, ước tính chương trình tiêm chủng COVID-19 đã giúp giảm thiểu ít nhất 33.000 ca nhập viện ở những người từ 65 tuổi trở lên. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin với đối tượng này lên đến 60-80% tùy thuộc vào từng loại vắc xin. Kể cả ở nhóm người cao tuổi hơn (trên 85 tuổi), vắc xin cũng được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Người lớn tuổi cần đặc biệt chú ý gì sau tiêm?
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng. Người lớn tuổi không nên tự chạy xe về sau khi tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tự theo dõi tại nhà 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Lưu ý luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tương tự như tất cả các loại vắc xin khác, vắc xin COVID-19 có thể gây ra tác dụng phụ. Hầu hết các phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19 là nhẹ và tự khỏi sau 1-3 ngày.
Tại chỗ tiêm
- Sưng – đỏ – đau
- Nổi cục nhỏ
- Ngứa
- Nhức mỏi cánh tay
- Đau cánh tay
Xử trí:
Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì lạ vào chỗ sưng đau có nguy cơ kích thích phản ứng viêm hay nhiễm trùng (đắp lá cây, dầu gió, trứng gà…). Để giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm có thể áp khăn sạch, mát và ẩm lên vùng sưng đỏ, tập thể dục hoặc mát xa nhẹ nhàng cho cánh tay. Dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng dị ứng theo sự hướng dẫn của bác sĩ tiêm chủng. Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay.
Toàn thân
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau cơ
- Buồn nôn
Xử trí:
- Để giảm cảm giác khó chịu do sốt: Uống nhiều nước, mặc trang phục nhẹ nhàng thoáng mát. Đo nhiệt độ thường xuyên.
- Nếu sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn. Uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
- Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
- Để giảm cảm giác khó chịu do sốt: Uống nhiều nước, mặc trang phục nhẹ nhàng thoáng mát. Đo nhiệt độ thường xuyên.
- Bổ sung thêm các viên sủi chứa vitamin và điện giải: uống 1 viên mỗi ngày sau ăn sáng hoặc sau ăn trưa.
- Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng
- Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột, rau xanh, trái cây…