Ngứa hậu môn và vùng kín: nguyên nhân và biện pháp giảm tình trạng
Gặp phải hai tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín cùng một lúc sẽ gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Vùng da xung quanh khu vực hậu môn và bộ phận sinh dục có thể ngứa ngáy nhẹ vào lúc đầu nhưng cảm giác này sẽ ngày càng khó chịu về sau. Ngứa hậu môn và vùng kín nếu biến mất sau vài ngày thì đó là dấu hiệu sinh lý thông thường, không đáng quan ngại. Tuy nhiên, nếu cơn ngứa ngáy không giảm mà còn xuất hiện thêm nhiều triệu chứng bất thường khác thì mọi người cần đặc biệt lưu tâm, đây có thể là cảnh báo của một bệnh lý nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ngứa hậu môn và vùng kín
Nếu cơn ngứa chỉ diễn ra vài ngày và biến mất thì đây là tình trạng sinh lý bình thường. Nhưng nếu ngứa hậu môn và vùng kín vẫn cứ kéo dài đồng thời đi kèm nhiều triệu chứng bất thường khác thì nguyên nhân có thể do một số bệnh lý sau:
- Bệnh táo bón, tiêu chảy: Bệnh nhân bị táo bón, tiêu chảy thường xuyên sẽ làm rối loạn chức năng cơ vòng hậu môn, cơ chế kiểm soát đóng mở hậu môn hoạt động kém hiệu quả và có thể thoát ra một lượng phân nhỏ. Phân người chứa nhiều vi khuẩn nên nếu không được làm sạch, nó sẽ gây viêm lớp da non xung quanh gây ngứa ngáy hậu môn. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể lây sang các vùng da lân cận như vùng kín, dẫn đến tình trạng ngứa ngáy và tạo điều kiện hình thành các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nam khoa.
- Áp xe hậu môn: Áp xe hậu môn là tình trạng làm xuất hiện các mụn mủ sưng đỏ, căng cứng chứa đầy dịch mủ bên trong. Người mắc áp xe hậu môn thường có triệu chứng ngứa ngáy hậu môn và vùng kín đi kèm với cảm giác đau rát, căng tức và nặng vùng hậu môn. Ở trường hợp nghiêm trọng, bệnh còn có thể gây chảy máu, rò hậu môn và gây nhiễm trùng nặng.
- Nứt kẽ hậu môn: Vết nứt kẽ hậu môn có thể nhỏ nhưng nó sẽ khiến người mắc cảm thấy rất đau đớn, ngứa ngáy và khó chịu. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, đúng cách, vết rách theo quá trình đại tiện hằng ngày sẽ càng loét rộng ra, gia tăng khả năng bị viêm nhiễm và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập ngược, càng làm tăng sự ngứa ngáy ở khu vực này.
- Viêm nhiễm: Vệ sinh hậu môn và vùng kín không sạch sẽ sau khi đi tiểu tiện, đại tiện sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển, gây ngứa ngáy khó chịu. Chà rửa quá mạnh đôi khi cũng tạo nên các vết xước, tổn thương ở khu vực này, làm tăng nguy cơ xâm nhập của tác nhân gây hại. Ngoài ra, quan hệ tình dục không sạch sẽ cũng là nguyên nhân gây viêm nhiễm, dẫn đến tình trạng ngứa ngáy ở hậu môn và vùng kín.
- Rận lông mu: Rận lông mu là một ký sinh trùng hút máu có kích thước rất nhỏ, ẩn trong các nang lông ở vùng kín. Khi chúng hút máu người sẽ tạo cảm giác vô cùng ngứa ngáy khó chịu ở vùng xương mu, cơ quan sinh dục và hậu môn, đặc biệt vào ban đêm. Tình trạng ngứa ngáy khiến người bệnh gãi nhiều và có thể làm xuất hiện các vết lở loét hay phồng rộp, tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân.
- Nhiễm nấm: Một trong những loại nấm gây ngứa ngáy hậu môn và vùng kín là nấm Candida. Theo thống kê, hơn 75% phụ nữ đều bị nhiễm loại nấm này ít nhất một lần trong đời. Nhiễm nấm Candida sẽ khiến người bệnh luôn trong trạng thái ngứa ngáy bộ phận nhạy cảm và thường có những biểu hiện đi kèm như khí hư trắng đục hay tiểu buốt.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục thô bạo, không an toàn rất dễ làm cơ quan sinh dục và hậu môn bị tổn thương, đau rát và sưng đỏ. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm nhiễm do sự xâm nhập của loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây nên và dẫn đến cảm giác ngứa ngáy ở khu vực này.
- Nhiễm giun: Giun sán hay giun kim là nguyên nhân hàng đầu gây ngứa hậu môn và vùng kín, nhất là ở đối tượng trẻ em. Người bị nhiễm giun thường cảm thấy ngứa ngáy dữ dội vào buổi đêm vì lúc này giun thường bò ra ngoài để đẻ trứng. Nếu không xổ giun thường xuyên, trứng giun có thể rơi vào bộ phận sinh dụng, nở thành ấu trùng và thành mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe và chức năng sinh sản của bệnh nhân.
Biện pháp làm giảm tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín
Để giảm tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh: Vệ sinh vùng kín và vùng hậu môn, chọn những sản phẩm chăm sóc có thành phần lành tính an toàn như các loại xà phòng dịu nhẹ hay giấy vệ sinh mềm và luôn lau khô khu vực nhạy cảm sau khi đi đại tiểu tiện.
- Chọn quần lót thích hợp: Sử dụng quần lót có chất liệu tự nhiên, vừa vặn, thấm hút tốt để thay thế cho những loại quần kém thông thoáng, bó chật.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Không dùng những món ăn cay nóng, chứa nhiều gia vị nặng hoặc chất kích thích vì chúng có thể gây kích ứng cho vùng da bị bệnh. Hãy bổ sung các loại hoa quả tươi trong bữa ăn hằng ngày.
- Hạn chế gãi ngứa: Khi bị ngứa, không nên dùng tay hoặc bất kỳ vật dụng nào để giảm cơn ngứa, điều này sẽ giúp hạn chế những tổn thương không may xảy ra và có thể làm nhiễm trùng hậu môn hoặc cơ quan sinh dục.
Hậu môn và vùng kín ở khá gần nhau, do đó các triệu chứng bất thường như ngứa ngáy khi xuất hiện ở một trong hai bộ phận này rất dễ lây lan sang bộ phận còn lại. Bệnh nhân nếu gặp phải tình trạng này thì không nên chủ quan mà hãy thực hiện thăm khám đầy đủ vì rất có thể đây là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm.
Biện pháp làm giảm tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín
Các câu hỏi thường gặp về ngứa hậu môn và vùng kín
1. Có nên chủ quan khi ngứa hậu môn và vùng kín?
Không, ngứa hậu môn và vùng kín có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm, do đó cần thực hiện thăm khám đầy đủ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2. Tình trạng ngứa hậu môn kéo dài có nguy hiểm không?
Nếu ngứa hậu môn kéo dài và không giảm đi sau vài ngày, cần lưu ý và thăm khám bác sĩ, vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.
3. Làm thế nào để giảm tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín?
Có thể giảm tình trạng ngứa hậu môn và vùng kín bằng cách thực hiện vệ sinh hàng ngày, chọn quần lót thích hợp, điều chỉnh chế độ ăn uống và hạn chế gãi ngứa.
4. Tôi có thể tự điều trị ngứa hậu môn và vùng kín không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa, trong một số trường hợp nhẹ, bạn có thể tự điều trị bằng các biện pháp vệ sinh và cách thức giảm ngứa như đã đề cập. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không giảm hoặc kèm theo triệu chứng nghiêm trọng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
5. Làm thế nào để phòng ngừa ngứa hậu môn và vùng kín?
Để phòng ngừa ngứa hậu môn và vùng kín, ngoài việc thực hiện các biện pháp vệ sinh và giữ gìn sạch sẽ, bạn cần tránh quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng các loại sản phẩm vệ sinh không phù hợp, và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Nguồn: Tổng hợp
