Lá é là gì? Tác dụng và những lưu ý khi sử dụng lá é
Từ xa xưa, lá é đã được người dân Việt Nam sử dụng như một vị thuốc dân gian để chữa trị nhiều bệnh. Với thành phần giàu vitamin và khoáng chất, lá é mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu về những tác dụng kỳ diệu của loại lá này nhé!
Lá é là lá gì?
Cây é còn có tên gọi là hương thảo, tiến thực, húng lông, húng quế lông… với tên khoa học là Ocimum basilicum.
Lá é thường có màu xanh biếc và mùi hương đặc trưng. Hình dáng lá hơi giống rau húng quế non. Tuy nhiên, lá é thường có vị nồng và thơm hơn so với rau quế. Hơn nữa, cánh lá é thường nhỏ hơn so với rau húng quế.
Một số đặc điểm chung của cây é:
- Cây é thuộc loại cây thân nhỏ, thường có chiều cao từ 0.5 – 1m
- Thân cây é có lớp lông xung quanh
- Lá é có hình trái xoan, đầu nhọn, mép có răng cưa và hai mặt có lông
- Quả é có màu xám đen, hình bầu dục, mỗi quả chứa một hạt bên trong
- Cây é còn có các tên gọi khác nhau như é trắng, húng trắng, trà tiên, hương thảo, húng lông.
Lá é có vị cay nồng, mùi thơm đặc trưng, lúc ăn có mùi hăng hắc và thường được sử dụng như loại rau thơm, rau nhúng trong các bữa ăn.
Thành phần hóa học của lá é
Cây é được trồng bằng hạt vào mùa xuân. Cành lá é được thu hái khi chưa có hoa hoặc đã có nụ. Có thể dùng cây é ở dạng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng hạt é.
Thành phần hóa học trong cây é:
- Hạt é chứa chất nhầy có các acid galacturonic, arabinose, galactose.
- Toàn thân cây é có chứa 2,5 – 3,5% tinh dầu, cao nhất lúc cây đã ra hoa. Thành phần của tinh dầu cây é chủ yếu là citral, chiếm tới 56 – 75%, 1,4% là citronellal và 20% còn lại là các chất khác.
Tác dụng của lá é đối với sức khỏe
Tuy chỉ là một loại cây mọc trong vườn nhà, giá thành rẻ nhưng được xếp vào loại thảo dược phòng và chữa nhiều chứng bệnh. Vậy, lá é có tác dụng gì?
Phòng ngừa ung thư
Nhiều nghiên cứu y học đã phát hiện lá é chứa đa dạng và phong phú các nhóm chất chống oxy hóa mạnh, điển hình như chavicol, linalool, flavonoid hay steroid. Các hoạt chất này vô cùng quan trọng cho cơ thể như “lá chắn” bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, góp phần không nhỏ ngăn ngừa mầm bệnh ung thư.
Có lợi cho sức khỏe răng miệng
Theo tài liệu của ResearchGate trên, một hợp chất dễ bay hơi có trong lá é là estragole có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và đã được sử dụng trong dược mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, lá é còn được coi là bài thuốc cổ truyền, có tác dụng chống lại vi khuẩn đường miệng, ngăn chặn sự hình thành tế bào vi khuẩn gram dương như: Streptococcus mutans, Streptococcus sanguinis và Enterococcus faecalis tham gia vào quá trình hình thành sâu răng. Hợp chất phân lập từ lá é Ocimum basilicum L. được xác định là β-sitosterol có tính kháng khuẩn, ức chế quá trình sinh tổng hợp peptidoglycan và ngăn chặn sự hình thành màng tế bào vi khuẩn,..
Hỗ trợ điều trị ho, sốt
Nếu đang gặp các triệu chứng như đau đầu, cảm sốt, cảm cúm, bạn có thể sử dụng bài thuốc lá é. Với cách làm đơn giản như sau, bạn chỉ cần dùng lá é tươi hoặc kết hợp với nhiều loại lá thơm khác như lá bưởi, lá chanh, hoa cúc, hương nhu,… rồi xông cho ra mồ hôi. Sau khi xông hơi, nhớ lau khô cơ thể và nghỉ ngơi ở nơi kín gió.
Có tính kháng khuẩn
Theo nghiên cứu từ tài liệu ResearchGate trên, lá é có tác dụng kháng khuẩn đáng kể nhờ khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn hiệu quả.
Lá é còn có tính chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Các thành phần chống oxy hóa có thể tìm thấy trong lá é như Polyphenol, Flavonoid, Thymol, Quercetin, acid cafeic, acid Rosmarinic, glycosid tim, tannin, saponin và steroid.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Lá é cũng là thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Công dụng này là nhờ vào các hoạt chất chứa trong lá é có khả năng ức chế hoạt động của men α-glucosidase và α-amylase, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả.
Giảm khó tiêu, đầy bụng
Hiện tượng khó tiêu và đầy hơi làm giảm cảm giác thèm ăn, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, để cải triệu chứng bạn có thể tham khảo uống thêm nước lá é bằng cách dùng cành lá é phơi khô, rồi hãm nước uống trong ngày, dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá é
Có nhiều cách sử dụng cây é để điều trị và hỗ trợ chữa cảm cúm, đau đầu, ho, táo bón, đau bụng, viêm thận, viêm bàng quang như:
Chữa cảm, cúm, sốt, đau đầu: Một trong những tác dụng của lá é là chữa cảm cúm, sốt hay đau đầu. Sử dụng 20 – 30g lá é tươi, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các loại lá cây khác như bưởi, chanh, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 10g, nấu nước để xông cho ra mồ hôi.
Chữa đau và chướng bụng, ăn không tiêu: Sử dụng 10 – 20g lá é phơi khô hãm lấy nước uống trong ngày.
Chữa táo bón: Ngâm 4 – 12g hạt é trong 100ml nước ấm cho tới khi thấy bên ngoài hạt có một lớp nhầy trắng bao quanh thì cho thêm đường, khuấy đều và uống.
Chữa đái buốt, viêm thận, viêm bàng quang: Cho 3 – 6 giọt tinh dầu é pha cùng với siro và nước nhũ tương uống trong ngày.
Chữa ho: Sử dụng 20 – 15g lá và toàn thân cây hãm hoặc sắc lấy nước uống.
Giảm căng thẳng mệt mỏi: Dùng trà ướp với lá é để uống mỗi ngày. Cách ướp khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy vài trăm gam trà ngon chưa ướp, trộn lẫn với vài lá é phơi héo đã thái sợi nhuyễn để pha như bình thường.
Cần lưu ý gì khi sử dụng lá é
Khi sử dụng lá é, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Nên sử dụng hạt, lá é trước hoặc sau khi dùng các loại thuốc uống khác ít nhất 1 giờ.
- Không sử dụng lá é trong vòng một tuần trước khi phẫu thuật.
- Không dùng hạt é cho người bị tiêu chảy, đường ruột.
- Phụ nữ mang thai không nên dùng hạt é.
- Nếu gặp các bệnh lý nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và điều trị, không tự ý dùng lá é để điều trị theo cách chữa dân gian, tránh tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Với hương thơm đặc trưng và nhiều công dụng chữa bệnh, lá é không chỉ là một loại rau gia vị thông thường mà còn là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Hãy bổ sung lá é vào thực đơn hàng ngày để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.