"Lá chắn" bảo vệ sức khỏe phòng dịch COVID-19 từ nhà thuốc
Khi đang có những ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, việc tăng cường vai trò sàng lọc tại các nhà thuốc đóng vai trò là “lá chắn” trong phòng chống dịch. Đối mặt với những nguy cơ cao, Dược sĩ cũng được xem là một trong những tuyến đầu, cần chủ động tự bảo vệ và được bảo vệ.
“Lá chắn” phòng dịch ở nhà thuốc
Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, vừa có công văn số 809/CĐ-BYT ngày 1/6/2021 về việc tăng cường sàng lọc, rà soát, xét nghiệm nhanh ca bệnh COVID-19 nghi ngờ tại cơ sở y tế, phòng khám, đặc biệt tại các nhà thuốc trên toàn quốc.
Trong đó, lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ: “Người đến khám và người cần dùng thuốc phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ. Đặc biệt, đối với các phòng khám (công và tư), nhà thuốc cần thực hiện khai báo y tế đầy đủ và cung cấp thông tin ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời theo dõi các trường hợp nghi ngờ, khuyến khích chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh với các trường hợp này.” Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các nhà thuốc,… tổng hợp thông tin khai báo y tế, báo cáo số lượng người đến khám có các dấu hiệu nghi ngờ và người mua các loại thuốc ho, hạ sốt, đau họng, cảm cúm, khó thở… trên phần mềm kê đơn thuốc quốc gia donthuocquocgia.vn (hoặc hệ thống báo cáo của các Sở Y tế) để kịp thời phát hiện, sàng lọc, truy vết.
Thống kê của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, năm 2019, hệ thống dược Việt Nam đang quản lý khoảng 61.900 cơ sở bán lẻ thuốc với 19.100 nhà thuốc, 39.000 quầy thuốc và 3.800 tủ thuốc. Đây là những nơi người dân thường tìm đến để mua thuốc khi bị “sốt – ho – sổ mũi”, hoặc các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay y tế, các sản phẩm vệ sinh và khử khuẩn… Nếu thực hiện tốt việc sàng lọc, khai báo y tế, thống kê vào báo cáo thì ngay tại nhà thuốc sẽ trở thành “lá chắn” phòng chống dịch, giúp ngành y tế nhận diện sớm trường hợp nguy cơ, kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch nếu có.
Đối mặt với nguy cơ cao nhiễm COVID-19
ThS.BS Đinh Thị Hải Yến – Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) chia sẻ: Qua sàng lọc các ca bệnh COVID-19, nhiều trường hợp được bệnh viện ghi nhận đã từng đến nhà thuốc mua thuốc uống vài ngày, không bớt mới vào bệnh viện. Hơn thế nữa, khu vực nhà thuốc không có các khu sàng lọc, phân luồng… như bệnh viện, trong khi đó, nhân viên hay dược sĩ tại nhà thuốc thông thường sẽ tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với người đến mua thuốc. Do vậy, trong tình huống có một ca trong cộng đồng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ của nhà thuốc là hoàn toàn hiện hữu.
Vì vậy, theo ThS Hải Yến nhấn mạnh: “Dược sĩ nhà thuốc phải thay đổi cách tiếp cận những người đến mua thuốc trị bệnh sốt, ho. Để bảo hộ bản thân, dược sĩ phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, mang khẩu trang kèm theo kính chắn giọt bắn. Ngoài ra, một số nhà thuốc trang bị các vách kính ngăn giữa người bán thuốc với người mua thuốc. Dược sĩ nhà thuốc vừa giám sát, cảnh báo cho các cơ quan chức năng vừa khuyên bảo người dân nên đến bệnh viện khi bị sốt, ho, đau họng hay khó thở…”
Ông Chris Blank – Tổng Giám đốc Pharmacity chia sẻ rằng, trong suốt thời gian đại dịch, cộng đồng các nhà thuốc và dược sĩ vẫn đảm nhiệm công việc có rủi ro cao khi phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều khách hàng. Nhiều dược sĩ và nhân viên tại các cửa hàng thuốc có khả năng rất lớn phải tiếp xúc với các ca nhiễm trong cộng đồng, khi đó các dược sĩ và nhân viên này đều buộc phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà do rủi ro nhiễm bệnh cao. Với việc tăng cường vai trò sàng lọc khi đang có những ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, dược sĩ cũng được xem là một trong những tuyến đầu làm việc nhằm thực hiện mục tiêu kép “phòng chống dịch bệnh đồng thời không ngừng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế”.
BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ và các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhấn mạnh, ít nhất Việt Nam chúng ta phải có từ 70% dân từ 18 tuổi trở lên được chích ngừa vắc xin ngừa COVID-19. Theo ông, Việt Nam hiện đã và đang nỗ lực, khẩn trương để sớm có vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, do vắc xin hiện còn khó mua nên phải phân chia theo nhóm đối tượng ưu tiên trước hết là nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên…).
Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước, dược sĩ nhà thuốc… cũng được xem là một trong nhóm cần chích ngừa COVID-19 sớm, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ngày 10/6/2021, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đang triển khai kế hoạch mua vắc xin cho TPHCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. TP.HCM đang thúc đẩy các chương trình liên kết, chương trình hợp tác để mua và vận chuyển vắc xin về nước trong thời gian sớm nhất. Thành phố cũng vận động các doanh nghiệp bằng nguồn lực của mình có thể tự liên kết mua vắc xin, thành phố sẽ hỗ trợ các thủ tục, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kiểm tra chất lượng.