Bé bị kiến lửa cắn sưng to: Cách xử lý an toàn và hiệu quả
Thời tiết ẩm ướt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi của các loài côn trùng, đặc biệt là kiến lửa. Điều này cũng đồng nghĩa rằng nguy cơ trẻ bị kiến lửa cắn sẽ tăng lên. Vì vậy trong bài viết này, Pharmacity sẽ cung cấp hướng dẫn về cách xử lý an toàn và hiệu quả khi bé bị kiến cắn.
Các triệu chứng khi trẻ bị kiến lửa cắn
Khi bị kiến lửa cắn, trẻ thường xuất hiện những triệu chứng như đau, sưng đỏ và ngứa ở vị trí bị đốt. Những dấu hiệu phổ biến khác bao gồm:
- Đau và cảm giác nóng rát tại vị trí bị đốt, thường kéo dài khoảng 10 phút.
- Ngứa sau cơn đau, thậm chí là bé có thể ngứa trong một tuần, đặc biệt khi trẻ gãi liên tục hoặc không sử dụng thuốc giảm ngứa.
- Vết đốt sưng đỏ, sưng tấy trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sưng tấy có thể lan rộng sang các vùng da khác.
- Mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ có thể xuất hiện sau vài giờ. Nếu mụn nước bị vỡ, có nguy cơ nhiễm trùng.
Trẻ bị kiến lửa cắn thường có biểu hiện sưng đỏ và đau ở vùng bị đốt
Trẻ bị kiến lửa cắn có sao không?
Thực tế, đối với những loại kiến thông thường, nếu trẻ bị cắn một vài vết đốt thì thường không sao vì nọc độc của chúng không gây hại nhiều. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ bị nhiều vết đốt từ kiến lửa, việc nhận biết và xử lý kịp thời là rất quan trọng.
Trong một số trường hợp, trẻ có thể phản ứng dị ứng với nọc độc của côn trùng, biểu hiện qua các triệu chứng như sưng mặt, nổi mề đay khắp người sau khi bị kiến cắn. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi trẻ bị kiến lửa cắn bao gồm:
- Sưng to vùng mặt/mắt/cổ họng.
- Co thắt đường thở.
- Buồn nôn.
- Chóng mặt.
- Khó thở.
- Huyết áp thấp do mạch máu bị vỡ.
Bé bị kiến lửa cắn phải làm sao?
Mặc dù khi bị kiến lửa cắn thường không gây nguy hiểm nhưng có thể làm trẻ khó chịu trong vài ngày, thậm chí có thể gây sưng đỏ, mưng mủ và để lại sẹo thâm từ vết đốt.
Để xoa dịu vết kiến lửa đốt hiệu quả và an toàn, ba mẹ nên thực hiện các bước sau đây:
- Bước 1: Nếu kiến vẫn còn bám trên người bé, hãy nhặt kiến ra bằng tay. Tránh phủi mạnh vì sẽ làm kiến bám chặt vào da hơn. Nếu quần áo của bé có nhiều kiến lửa bám vào, tốt nhất là thay một bộ đồ khác ngay lập tức.
- Bước 2: Cẩn thận rửa vùng da bị kiến cắn bằng xà phòng và nước sạch ở khu vực bị đốt.
- Bước 3: Chườm mát vết kiến đốt trên da trẻ bằng khăn bọc đá lạnh để giảm sưng và đau. Lưu ý không chườm một chỗ quá lâu vì có thể gây bỏng lạnh.
- Bước 4: Bôi gel lô hội hoặc kem dưỡng có thành phần làm dịu lên da trẻ để giảm đau và ngứa.
- Bước 5: Nếu trẻ có phản ứng dị ứng hoặc nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Khi bị kiến lửa cắn cần nhẹ nhàng lấy chúng ra khỏi bé
Biện pháp phòng ngừa kiến lửa
Để ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị kiến lửa cắn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Mang giày và tất cho bé: Nhắc nhở và yêu cầu trẻ mang giày kín chân và nên mang tất khi vui chơi ngoài trời để bảo vệ chân khỏi bị kiến đốt.
- Sử dụng nguyên liệu đuổi kiến: Đặt một ít muối, chanh, hạt tiêu hoặc một viên phấn ở gần tổ kiến để làm chúng di dời đến vị trí khác.
- Thông báo cho người lớn: Dặn dò trẻ thông báo ngay cho người lớn khi bị kiến hoặc côn trùng đốt để có thể xử lý kịp thời.
- Kiểm tra và phun thuốc diệt kiến: Nếu nhà bạn có sân vườn hoặc bãi cỏ, hãy kiểm tra ổ kiến trong lúc dọn dẹp. Nếu phát hiện nhiều ổ kiến, nên phun thuốc diệt kiến để giảm thiểu nguy cơ trẻ vô tình bị kiến lửa cắn.
Phòng ngừa ổ kiến xung quanh nhà để đảm bảo an toàn cho bé
Trẻ bị kiến lửa cắn có thể gây ra phiền toái và khó chịu cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, bằng cách nhận biết và xử lý kịp thời, cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bạn có thể bảo vệ con mình khỏi những những vết đốt từ kiến.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.