Hệ lụy lớn tới sức khỏe tinh thần từ COVID-19
Đại dịch COVID-19 trong hơn một năm qua đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi chúng ta về thể chất lẫn tinh thần. Trong đó việc giãn cách xã hội để giảm lây nhiễm có thể khiến mỗi người cảm thấy bị cô lập, làm tăng căng thẳng và lo lắng.
COVID-19 tác động như thế nào đến tinh thần?
Tại Việt Nam, ngành y tế và các bộ, ngành khác đã liên tục đưa ra những khuyến cáo khoa học, hướng dẫn phòng bệnh COVID-19 đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, đứng trước một dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn như COVID-19, dường như nỗi lo là thứ thường trực trong suy nghĩ của mỗi người. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ trầm cảm, stress… đã gia tăng trong đại dịch. Dịch bệnh COVID-19 có thể gây ra stress với những biểu hiện sau:
- Cảm giác sợ hãi, tức giận, buồn bã, bất lực hoặc thất vọng
- Thay đổi về cảm giác thèm ăn, nhu cầu năng lượng, mong muốn và sở thích cá nhân
- Khó tập trung và đưa ra quyết định
- Mất ngủ hoặc gặp ác mộng
- Các phản ứng thể chất, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ thể, các vấn đề về dạ dày và phát ban trên da
- Các bệnh mãn tính diễn tiến xấu hơn
- Tình trạng sức khỏe tinh thần xấu hơn
- Tăng sử dụng thuốc lá, rượu…
Những thay đổi kéo theo của dịch bệnh như làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, thiếu tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp… có thể dẫn đến stress. Vì vậy bên cạnh thực hiện các biện pháp ngăn ngừa COVID-19, bản thân mỗi người cũng cần tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.
Cách chung sống an toàn với dịch bệnh
Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ stress cao hơn.
Người cao tuổi
Với người cao tuổi, họ vốn hay lo âu và cảm thấy cô đơn tuổi già khi ít có người tâm tình, chia sẻ, các mối quan hệ xã hội cũng thưa thớt hơn. Trong thời điểm dịch bệnh, người cao tuổi còn là đối tượng được khuyến cáo không nên ra ngoài. Bởi thế người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi trong gia đình để họ không lẻ loi, cô đơn và có cảm giác an toàn. Những hoạt động như thiền, yoga, đọc sách, tản bộ trong nhà… có thể giúp người già thư giãn và thả lỏng tâm trí.
Trẻ em
Ở trẻ em, do việc nghỉ học kéo dài và hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình cho con làm bạn với ipad, điện thoại. Điều này có thể làm đảo lộn nề nếp sinh hoạt của con trẻ, khiến trẻ khó lấy lại cân bằng khi đến trường trở lại. Phụ huynh cần khuyến khích con thực hành những thói quen và hoạt động lành mạnh, dành thời gian vui chơi với các con. Bên cạnh đó trẻ còn nhỏ và có thể chưa hiểu hết về đại dịch COVID-19, bố mẹ hãy dùng từ ngữ dễ hiểu, nhẹ nhàng để giải thích cho các bé.
Người trưởng thành
Người trưởng thành cũng có nguy cơ bị stress do đảo lộn về thời gian và không gian sinh hoạt, làm việc. Các thông tin tiêu cực từ đại dịch cũng gây nên stress. Hãy chọn lọc thông tin và điều tiết thời gian làm việc trực tuyến và nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Hãy dành thời gian chăm sóc cơ thể và hoạt động thể chất tại nhà, ăn uống lành mạnh và kết nối với gia đình, bạn bè. Những điều này sẽ giúp bạn và cả những người xung quanh kiên cường hơn trong giai đoạn nóng của đại dịch.
Kết
Các chuyên gia nhận định rằng dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài. Mỗi chúng ta cần phải xác định chung sống an toàn với dịch bệnh bằng cách giữ vững sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy nhớ rằng đây là cuộc chiến chung của cả nước, của cả thế giới, không ai lẻ loi trong cuộc chiến này.