Glimepiride là gì? Công dụng, chỉ định và lưu ý khi sử dụng
Khi chế độ ăn uống và tập luyện không kiểm soát được lượng đường huyết trong cơ thể thì Glimepiride sẽ là một lựa chọn điều trị cho người bệnh tiểu đường type 2. Vậy, Glimepiride là thuốc gì và nên bảo quản như thế nào khi sử dụng? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu thông tin về loại thuốc này cụ thể hơn ngay trong bài viết dưới đây!
Tìm hiểu chung về thuốc Glimepiride
Glimepiride là thuốc thuộc nhóm sulfonylurea, có tác dụng chính là kích thích giải phóng insulin tự nhiên từ các tế bào tuyến tụy, từ đó làm giảm lượng đường huyết trong máu hiệu quả. Ngoài ra, thuốc còn giúp tăng cường độ nhạy insulin của các mô ngoại biên và làm giảm sự thu nạp insulin ở gan. Do đó, thuốc được các bác sĩ chỉ định dùng cho người bệnh đái tháo đường type 2 trong trường hợp nồng độ đường huyết không ở mức bình thường mặc dù đã áp dụng các biện pháp như tập thể dục, giảm cân hay ăn kiêng.
Liều dùng của Glimepiride
Hiện nay, thuốc Glimepiride vẫn chưa được nghiên cứu và áp dụng cho trẻ em. Bên cạnh đó, đối với người lớn thì Glimepiride có các hàm lượng như 1mg, 2mg, 3mg và 4mg với liều dùng phù hợp như sau:
- Liều ban đầu: 1 mg uống 1 lần/ngày, thường trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày. Điều này giúp cơ thể làm quen với thuốc và giảm nguy cơ hạ đường huyết quá mức.
- Liều duy trì: 1 – 4 mg uống 1 lần/ngày. Liều có thể được điều chỉnh dần theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của bệnh nhân.
- Liều tối đa: Không nên dùng quá 6 mg/ngày, vì tăng liều vượt mức này không làm tăng hiệu quả điều trị mà có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm hạ đường huyết nặng.
Lưu ý: Bác sĩ sẽ hướng dẫn liều lượng phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân và các yếu tố khác như chế độ ăn uống, vận động, và sự hiện diện của các bệnh lý kèm theo..
Cách dùng thuốc Glimepiride
Thời gian uống thuốc: Uống Glimepiride trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày để giúp kiểm soát lượng đường trong máu khi ăn. Thời điểm này tối ưu để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
Liều lượng: Liều lượng Glimepiride sẽ được bác sĩ điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều trị của bạn. Không tự ý thay đổi liều dùng mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Chuyển đổi thuốc: Nếu bạn đang sử dụng thuốc trị tiểu đường khác, chẳng hạn như chlorpropamide, cần thảo luận với bác sĩ về cách chuyển sang Glimepiride để tránh tương tác thuốc và phản ứng phụ không mong muốn.
Kết hợp với Colesevelam: Colesevelam có thể làm giảm tác dụng của Glimepiride nếu uống cùng lúc. Để tránh điều này, uống Glimepiride ít nhất 4 giờ trước khi uống Colesevelam.
Theo dõi và báo cáo tình trạng bệnh: Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt hoặc xuất hiện các triệu chứng đường huyết cao/thấp, bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc phương pháp điều trị..
Tác dụng phụ của thuốc Glimepiride đối với cơ thể
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Glimepiride như người bệnh bị hạ đường huyết, tăng cân, phản ứng quá mẫn với thuốc hay thiếu máu tán huyết. Ngoài ra, thuốc còn làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác, gồm:
- Rối loạn thị giác.
- Làm giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản.
- Mắc hội chứng tăng tiết ADH không phù hợp.
- Bị đau bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.
- Bệnh vàng da, ứ mật, suy giảm chức năng gan, viêm gan và suy gan.
- Có phản ứng tương tự disulfiram, hạ natri máu.
- Cảm giác chóng mặt và nhức đầu.
- Nổi mề đay, rụng tóc, bị ngứa hoặc nổi mẩn, nhạy cảm với ánh sáng.
Thận trọng/Cảnh báo khi dùng thuốc Glimepiride
Trước khi sử dụng thuốc Glimepiride, bạn nên chia sẻ với bác sĩ hay dược sĩ khi:
- Cơ thể dị ứng với Glimepiride, thành phần có trong thuốc và các loại thuốc khác.
- Liệt kê đầy đủ sản phẩm đang dùng hoặc dự định dùng về thuốc kê toa, thuốc không kê toa, thực phẩm chức năng, sản phẩm thảo dược hay vitamin và đưa cho bác sĩ kiểm tra.
- Cá nhân hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình đang hay đã từng mắc bệnh thiếu hụt G6PD (là bệnh di truyền làm tiêu hủy sớm hồng cầu và thiếu máu tán huyết).
- Cơ thể bị rối loạn hormone ở tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên.
- Cơ thể bị bệnh tim, thận và bệnh gan.
- Phụ nữ có ý định mang thai, đang mang thai hay trong thời kỳ cho con bú. Đặc biệt, khi đang dùng Glimepiride mà chị em có thai thì cũng nên thông báo với bác sĩ.
- Bạn đang có phẫu thuật, thậm chí là phẫu thuật nha khoa thì người bệnh cũng cần chia sẻ với bác sĩ hay nha sĩ.
- Cơ thể thường bị stress, nhiễm trùng, sốt cao, chấn thương.
- Là người cao tuổi, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị nghiện rượu.
Hơn thế nữa, thuốc còn chống chỉ định đối với những người:
- Mắc bệnh đái tháo đường type 1.
- Cơ thể nhiễm acid-ceton, có dấu hiệu hôn mê, tiền hôn mê do bệnh đái tháo đường.
- Bị nhiễm khuẩn nặng.
- Bị suy thận hay suy gan mức độ nặng.
Đặc biệt, khi sử dụng thuốc Glimepiride, bạn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Nên mặc quần áo bảo hộ, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV.
Tương tác giữa Glimepiride với các loại thuốc khác
Khi sử dụng Glimepiride, việc hiểu rõ các tương tác thuốc rất quan trọng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn và đảm bảo hiệu quả điều trị:
- Thuốc làm tăng hiệu quả của Glimepiride: Các loại thuốc này có thể làm tăng công dụng hạ đường huyết, dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết quá mức, bao gồm:
- Exenatide: Thuốc kích thích sản sinh insulin.
- Probenecid: Thuốc điều trị bệnh gout.
- Thuốc kháng nấm: Như fluconazole, ketoconazole.
- Thuốc nhóm sulfa: Như sulfamethoxazole.
- Thuốc chống đông máu: Như warfarin.
- Thuốc làm giảm hiệu quả của Glimepiride: Các loại thuốc này có thể làm giảm công dụng hạ đường huyết của Glimepiride, khiến mức đường huyết khó kiểm soát, gồm:
- Thuốc tránh thai: Chứa hormone có thể tác động đến đường huyết.
- Thuốc lợi tiểu: Như thiazide.
- Thuốc nhuận tràng: Khi dùng lâu dài.
- Rượu và Glimepiride: Rượu có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nặng hoặc gây phản ứng nghiêm trọng khi kết hợp với Glimepiride, với các triệu chứng như đỏ bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, và khó thở.
Để sử dụng Glimepiride an toàn, bạn nên:
- Liệt kê tất cả các loại thuốc đang dùng (bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược) và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu trong thời gian điều trị với Glimepiride và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần thiết.
Cách bảo quản thuốc Glimepiride
Mỗi loại thuốc đều có yêu cầu bảo quản riêng, vì vậy bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến dược sĩ để biết thêm thông tin. Trong đó, đối với Glimepiride thì nên giữ thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, hạn chế đặt trong phòng tắm, tránh ánh nắng trực tiếp, và đặt ở nhiệt độ không quá 30 độ C.
Hy vọng với những thông tin mà Pharmacity cung cấp sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về công dụng, cách dùng và phương pháp bảo quản thuốc Glimepiride. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.