Giải thích đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt do đâu? Khi nào cần đi khám?
Sức khỏe của trẻ sơ sinh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Do đó, khi thấy đầu trẻ sơ sinh nóng, đổ mồ hôi nhiều nhưng lại không sốt, mẹ có thể lo lắng và không biết đó có phải là dấu hiệu của bệnh lý nào đó không? Vậy, nguyên nhân do đâu? Cùng Pharmacity tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này qua bài viết sau
Hiện tượng đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt là gì?
Dấu hiệu đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt thường xảy ra khi bé đang ngủ hoặc trong lúc bé thức dậy vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Khi mẹ đưa tay lên đầu bé kiểm tra thì phát hiện đầu trẻ hơi ấm nóng, mặc dù nhiệt độ các bộ phận khác hoàn toàn bình thường.
Đầu trẻ sơ sinh nóng có thể kèm theo hoặc không kèm theo hiện tượng quấy khóc, khó chịu, tay chân đổ mồ hôi nhiều.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến đầu trẻ sơ sinh nóng
Biết được nguyên nhân đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt sẽ giúp các bà mẹ có thêm những kiến thức trong việc tìm ra cách xử lý. Vậy, thực tế nguyên nhân gây khiến bé bị nóng đầu và không sốt là gì?
Ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường xung quanh
Trong trường hợp phòng ngủ của trẻ ấm áp quá mức, có thể khiến đầu trẻ sơ sinh nóng hơn so với phần còn lại của cơ thể. Tình trạng này có thể sẽ phổ biến hơn trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
Trong một số trường hợp, khi bạn đột ngột bế bé ra khỏi phòng có máy lạnh hoặc để bé tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời (như khi tắm nắng hay đi dạo ngoài trời), bé có thể bị nóng đầu. Điều này là do khả năng điều nhiệt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện và phát triển đầy đủ.
Nhìn chung, trường hợp đầu trẻ sơ sinh nóng thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên đảm bảo nhiệt độ trong phòng của trẻ phù hợp và tránh đưa trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng.
Do mẹ quấn quá ấm
Nhiều bà mẹ ủ, quấn trẻ sơ sinh rất kỹ. Việc này theo khóa học không chỉ không giúp ích cho trẻ. Ngược lại còn khiến thân nhiệt trẻ tăng cao hơn, khiến cho đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng chân tay bình thường, và đôi khi rất tai hại.
Không chỉ đầu trẻ sơ sinh ấm, nóng mà có khi toàn thân của bé cũng đang tỏa nhiệt. Con đổ mồ hôi và nước thấm ngược vào trong cơ thể khiến con cảm lạnh, thậm chí là viêm đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi,…).
Do căng thẳng, khóc nhiều
Việc trẻ khóc và căng thẳng có thể sẽ dẫn đến nhiệt độ cơ thể gia tăng do những thay đổi sinh hóa trong cơ thể. Bạn cũng có thể cảm nhận rõ ràng phần đầu và trán của bé nóng lên khi bé đang trải qua tình huống căng thẳng hoặc khóc dữ dội, như phải chia ly với ba mẹ và bạn đưa bé cho một người khác bế trước khi ra ngoài.
Bé đang ở giai đoạn nhiễm bệnh ban đầu
Bé có thể trở nên nóng ran mà không phát sốt khi đang ở trong giai đoạn đầu của một căn bệnh nhiễm trùng. Tuy vậy, các dấu hiệu chưa thể hiện rõ ràng. Lúc này, bạn nên theo dõi thêm các dấu hiệu khác của trẻ để có thể có những biện pháp xử lý kịp thời. Điều trị sớm sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh chóng.
Do trẻ đang mọc răng
Trong giai đoạn mọc răng, đầu và cơ thể của bé có thể tăng nhiệt độ một chút tuy nhiên không phải là sốt. Bạn cũng có thể chú ý đến các dấu hiệu mọc răng khác ở trẻ như quấy khóc, chán ăn, nướu sưng đỏ, thích gặm cắn đồ vật,…
Do phấn khích, hoạt động thể chất nhiều
Về cơ bản, việc vận động và hoạt động thể chất nhiều sẽ làm tăng lưu thông máu cũng như làm tăng nhiệt độ chung của cơ thể. Vì thế, nếu bé đã biết bò hoặc biết đi thì trong một vài trường hợp, việc trẻ phấn khích và di chuyển xung quanh nhiều sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng lên. Theo đó, đầu và trán của bé có thể sẽ trở nên nóng hơn nhưng lại không phải do sốt.
Cách hạ nhiệt khi trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt
Để hạ nhiệt cho bé trong trường hợp này, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Thay quần áo: Hãy cho bé mặc những bộ quần áo thoải mái, rộng rãi và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt sẽ giúp cơ thể giảm nhiệt độ.
- Tắm với nước ấm: Tắm cho bé bằng nước ấm (khoảng 37 độ C) giúp hạ nhiệt cơ thể.
- Môi trường sống: Hãy đảm bảo phòng ngủ của bé luôn sạch sẽ, thoáng mát. Có thể có cửa sổ để không khí tự nhiên từ bên ngoài được lưu thông.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Hạn chế để bé tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời ở mức độ cao. Nên tránh cho bé ra ngoài phơi nắng trong thời gian dài.
- Lau người bằng khăn ấm: Dùng khăn mềm thấm nước ấm (khoảng 37 độ C) lau toàn thân cho bé, đặc biệt là ở vùng trán, nách, bẹn.
- Cho bé bú sữa mẹ: Sữa mẹ cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng giúp bé hạ nhiệt.
- Quan sát bé: Nếu bé có các biểu hiện bất thường như khó thở, sốt cao, co giật, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
Lưu ý:
Bạn không tự ý dùng thuốc hạ sốt mà chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Không dùng các biện pháp hạ nhiệt quá mạnh như chườm đá lạnh, bởi có thể gây sốc nhiệt cho bé.
Khi nào cần đưa bé đi gặp bác sĩ?
Trường hợp đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt, mẹ có thể theo dõi bé tại nhà. Tuy nhiên, một khi bé đã sốt, việc khi nào đưa bé đi bệnh viện sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của bé, tình trạng bệnh và có biểu hiện nguy hiểm khác kèm theo hay không.
Tuy vậy, đối với một số trường hợp sau đây, bạn không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám:
- Tình trạng đầu trẻ sơ sinh nóng kéo dài dù bạn đã áp dụng các phương pháp hạ nhiệt
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng bị nóng đầu
- Đầu trẻ nóng hơn sau khi dùng một loại thuốc nào đó
- Đầu trẻ sơ sinh nóng kèm theo các triệu chứng bất thường khác như chán ăn, khó ngủ, nôn mửa, tiêu chảy,…
- Trẻ bị nóng đầu trong giai đoạn mọc răng có những dấu hiệu của nhiễm trùng nướu như nướu trẻ sưng đau, chảy máu nướu,…
- Đầu trẻ bị nóng kèm theo các dấu hiệu mất nước, như ít tã bẩn hơn, nước tiểu vàng đậm, mắt trũng sâu, da khô,…
Tóm lại, việc đầu trẻ sơ sinh nóng nhưng không sốt thường sẽ không quá nguy hiểm, tuy nhiên bạn cần theo dõi sát sao tình trạng của bé. Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa bé đến bệnh viện để được khám và tư vấn.