Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe và phục hồi của người bệnh, đặc biệt là trong điều trị viêm phổi. Cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất giúp duy trì sức đề kháng, giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện hiệu quả điều trị. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho bệnh nhân viêm phổi, từ việc bổ sung protein, vitamin A, khoáng chất đến việc tránh thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi
Bệnh thường gặp
20/08/2024Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe người bệnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật và phục hồi sau khi mắc bệnh viêm phổi. Việc cung cấp đủ dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì năng lượng và sức đề kháng, từ đó giảm thiểu nguy cơ biến chứng cũng như giảm thời gian của quá trình điều trị.
Cần chú ý 3 điều sau khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi:
- Năng lượng nạp vào tùy theo thể trạng, tức là phải phù hợp với chỉ số BMI của người bệnh. Nếu người gầy, cần ăn nhiều để đạt được chỉ số BMI trên 18,5. Nếu thể trạng bệnh nhân bình thường thì lượng thức ăn nạp vào không thay đổi.
- Thức ăn trong bữa ăn cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó ưu tiên cung cấp lượng đường có trong quả chính để thải độc gan, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
- Các món ăn cho người bệnh viêm phổi cần đa dạng để dễ hấp thu, đầy đủ dưỡng chất, tạo sự kích thích ăn uống bởi người bệnh dễ chán ăn do tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm phổi.
Người bị bệnh viêm phổi cần bổ sung những chất dinh dưỡng gì?
Người bệnh viêm phổi thường có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở làm hao hụt những năng lượng có trong cơ thể. Trong quá trình bệnh, người bệnh thường có cảm giác chán ăn vì vậy cơ thể cũng sẽ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cần thiết để có thể giúp cơ thể phục hồi. Bệnh viêm phổi sẽ có những biến chứng xảy ra do thiếu hụt dinh dưỡng, các triệu chứng của bệnh này khiến cho bệnh nhân mệt mỏi dẫn đến việc chán ăn, sụt cân, thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Vì vậy ngoài việc sử dụng thuốc điều trị thì việc bổ sung các chất dinh dưỡng rất cần thiết cho người bệnh viêm phổi vì có thể giúp ngăn ngừa biến chứng và tăng hiệu quả của việc điều trị. Các bệnh nhân viêm phổi cần bổ sung các thực phẩm giàu các chất protein, thực phẩm chứa vitamin A, khoáng chất và đặc biết là cần bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể.
Những thực phẩm giàu chất protein
Protein hay còn được biết đến là chất đạm là thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc tái tạo lại các tế bào trong cơ thể. Nếu thiếu chất protein sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và suy giảm hệ miễn dịch. Đối với những người mắc bệnh viêm phổi thì cần phải bổ sung thực phẩm chứa protein một cách hợp lý để thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể.Tuy nhiên, không phải nguồn đạm nào cũng tốt cho sức khỏe người bệnh. Để giúp hỗ trợ quá trình điều trị viêm phổi, người bệnh nên chọn những nguồn đạm ít chất béo bão hòa; tăng cường chất béo omega-3 là chất chống viêm cho cơ thể. Những thực phẩm giàu đạm tốt có thể kể đến là: Thịt ức gà, đậu, thịt trắng, cá (cá hồi, cá mòi),..
Những thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A một chất đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp cơ thể tăng cường các sức đề kháng chống lại một số vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Vitamin A giúp cơ thể bảo vệ các tác nhân gây hại cho đường hô hấp. Các thực phẩm giàu vitamin A như: các loại rau có màu xanh đậm, các loại củ quả có màu đỏ hoặc vàng. Ví dụ như: Rau ngót, rau dền, rau xà lách, bí đỏ, đu đủ, xoài, hồng…
Những thực phẩm giàu chất khoáng
Các loại rau củ quả là những thực phẩm chứa rất nhiều dinh dưỡng và các chất kháng viêm cần thiết cho những người bị bệnh viêm phổi. Bạn nên lựa chọn các loại rau sạch hoặc rau hữu cơ để có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người bệnh. Các loại trái cây cũng chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho người bệnh viêm phổi vì vậy khi bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và chán ăn bạn có thể sử dụng các loại trái cây để làm nước ép giúp bệnh nhân có thể uống một cách dễ dàng để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Uống đủ nước là việc rất cần thiết
Khi bị viêm phổi người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn lỏng và uống nhiều nước. Thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo, súp giúp bệnh nhân dễ ăn và dễ tiêu.
Việc cung cấp đủ nước có tác dụng làm loãng đờm, dịu họng, giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra. Nhu cầu nước hằng ngày của cơ thể là 2 lít/ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây, sữa…). Nếu người bệnh sốt cao cần uống oresol để bù nước và điện giải.
Các thực phẩm người bệnh viêm phổi cần tránh
Thịt đỏ
Thịt đỏ được cho là có thể gây viêm hoặc làm trầm trọng tình trạng viêm vốn có. Do đó, nếu bạn muốn cân bằng đạm cho khẩu phần ăn khi bị viêm đường hô hấp, hãy thay thế thịt bò bằng thịt gia cầm, các loại cá hoặc lựa chọn dùng nguồn đạm thực vật dồi dào từ các loại đậu, sữa chua ít béo.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Tránh món ăn nhiều dầu mỡ như thức ăn chiên xào nướng hay những thực phẩm đã qua chế biến như thịt nguội, xúc xích, bánh ngọt, thức ăn và đồ uống nhiều đường,… Bởi vì chúng đều là những thực phẩm chứa nhiều chất béo không lành mạnh, thúc đẩy quá trình viêm tiến triển nặng hơn.
Chất kích thích
Kiêng rượu, bia và các chất kích thích trong quá trình điều trị viêm phổi. Bên cạnh ngưng hút thuốc lá cũng là cách giúp bảo vệ sức khỏe lá phổi cho bạn.
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh
Các lưu ý chung gồm:
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động.
- Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng đờm và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Người bệnh nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
- Ăn uống đầy đủ: Chế độ ăn uống cho người bệnh viêm phổi cần dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và vitamin. Nên cho bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính.
- Giữ ấm cơ thể: Giữ ấm cho người bệnh bằng cách mặc quần áo ấm, đắp chăn mỏng và sử dụng máy sưởi ấm nếu cần thiết.
- Vệ sinh cá nhân: Cần vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Người bệnh cũng cần được vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Theo dõi tình trạng bệnh: Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người bệnh, bao gồm nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, nhịp tim, lượng nước tiểu và màu sắc đàm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ em bị viêm phổi:
- Trẻ em cần được bú mẹ nhiều hơn bình thường.
- Nếu trẻ không thể bú mẹ, cần cho trẻ bú sữa công thức hoặc dung dịch điện giải.
- Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường.
Lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi bị viêm phổi:
- Người cao tuổi có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc loại bỏ đàm. Cần giúp đỡ người bệnh ho và vỗ lưng thường xuyên.
- Người cao tuổi cũng có thể có nguy cơ cao bị mất nước. Cần đảm bảo rằng người bệnh uống đủ nước.
- Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người bệnh và đưa người bệnh đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lê Thị Huỳnh Nga
Đã kiểm duyệt
Lê Thị Huỳnh Nga - Tốt nghiệp trường đại học Y Dược TP Cần Thơ. Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chuỗi bán lẻ Dược phẩm. Hiện là Trưởng phòng dịch vụ Dược Pharmacity - Khu vực Mekong và Southeast