Điện Tâm Đồ ECG Là Gì Và Cách Đo Điện Tim
Điện tâm đồ là gì hay ECG là gì? Điện tâm đồ, viết tắt trong y khoa là ECG, là một phương pháp để theo dõi hoạt động điện của tim rất phổ biến hiện nay, hầu như các cơ sở khám chữa bệnh đều sử dụng điện tâm đồ như một tiêu chuẩn chẩn đoán chính cho các bệnh lý tim mạch. Cùng tìm hiểu định nghĩa điện tâm đồ ECG là gì và cách đo điện tim như thế nào nhé!
Điện tâm đồ ECG là gì?
Điện tâm đồ, viết tắt là ECG là một phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ và nhịp điệu của tim cũng như cung cấp những bằng chứng gián tiếp về lưu lượng máu đến tim. Khi tim hoạt động sẽ tạo ra một xung điện tạo ra từ các tế bào trong buồng tim, từ đó điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi những xung điện này đi qua tim theo một hệ thống dẫn truyền. Điện tâm đồ được làm để phát hiện các bệnh lý về tim như đau thắt ngực, loạn nhịp tim,… Đôi khi, điện tâm đồ được tiến hành như một xét nghiệm thường quy tại bệnh viện.
Cách đo điện tim được thực hiện như thế nào?
Cách đo điện tim được thực hiện như sau: Bác sỹ sẽ đặt các điện cực theo hình các cảm biến tròn, nhỏ dính vào da trên các vị trí như cánh tay, chân và ngực của người bệnh. Những điện cực này không chứa kim và không đau, có thể đo được cường độ và hướng dòng điện trong tim qua mỗi nhịp đập. Các điện cực được nối bằng dây dẫn đến một máy, tạo ra một bản ghi cho mỗi điện cực, hiển thị trên màn hình là hình ảnh một đường cong biến thiên lên xuống. Mỗi bản ghi đó cho thấy hoạt động của tim từ các góc độ khác nhau, được chia thành các phần, và mỗi phần đó tương đương với các chữ cái trong ECG. Trong tâm nhĩ phải có nút xoang nhĩ gồm các tế bào có khả năng tự tạo xung điện. Xung điện này truyền ra các cơ xung quanh làm co bóp hai tâm nhĩ (tạo nên sóng P trên điện tâm đồ). Sau có dòng điện tiếp tục truyền theo một chuỗi tế bào đặc biệt đến nút nhĩ thất nằm gần vách liên thất, rồi theo chuỗi tế bào sợi Purkinje chạy dọc vách liên thất lan vào các cơ xung quanh (tạo ra loạt sóng QRS) làm hai tâm thất co bóp. Sau đó, các xung điện giảm đi, tâm thất giãn ra (tạo nên sóng T). Nếu có bất thường trong hoạt động của tim có thể được nhìn thấy trên điện tim, bao gồm: nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), thiếu máu và oxy đến tim (thiếu máu cục bộ), nhồi máu cơ tim và tim to. Ngoài ra, một số dị dạng trên hình ảnh khi đo điện tim cũng có thể cho thấy các chứng phình động mạch chủ. Nếu nhịp tim bất thường (quá nhanh, quá chậm, hoặc không đều), điện tim cũng có thể chỉ ra nơi nào trong trái tim phát nhịp bất thường. Tất cả những thông tin này giúp các bác sĩ bắt đầu xác định nguyên nhân và chẩn đoán bệnh. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin bổ ích trên có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề đang quan tâm nhé!