Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm túi tinh là gì? Những điều cần biết về viêm túi tinh
Viêm túi tinh là bệnh lý nam khoa thường liên quan đến tình trạng viêm tuyến tiền liệt và viêm niệu đạo. Viêm túi tinh hoàn có thể điều trị bằng kháng sinh giúp lành bệnh nhanh và không để lại di chứng. Vậy viêm túi tinh là gì? Triệu chứng, nguyên nhân như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Túi tinh là một cơ quan có cấu trúc hình túi, gồm hai túi, nằm sau và ở dưới đáy bàng quang. Túi tinh được tạo bởi các lớp cơ màng có chức năng bài tiết ra một chất lỏng làm trung hòa acid gọi là tinh dịch, thành phần giàu fructose, prostaglandin, protein, giúp cho tinh trùng di chuyển được tốt. Chất tiết ra này chiếm khoảng 60 – 70% khối lượng tinh dịch. Số tinh dịch nhiều hay ít tùy thuộc vào từng người, cũng như số lần xuất tinh trong một ngày.
Viêm túi tinh chỉ xuất hiện ở nam giới do sự tấn công của tác nhân gây bệnh bên ngoài là chủ yếu. Trong nhiều trường hợp, viêm túi tinh liên quan đến các bệnh viêm về đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến. Đặc trưng của bệnh là xuất tinh ra máu hoặc mủ. Nếu có dấu hiệu bị bệnh, cần đến các cơ sở y tế uy tín để kịp thời thăm khám.
Triệu chứng bệnh viêm túi tinh
Triệu chứng bị viêm túi tinh không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý nhiễm trùng khác. Dưới đây là các biểu hiện người bệnh cần đặc biệt lưu ý và liên hệ tới nguy cơ bị viêm túi tinh để đi khám và được chẩn đoán xác định bệnh:
- Tiểu đau, tiểu buốt thậm chí có thể tiểu ra máu.
- Đau vùng bụng dưới, đặc biệt mỗi lần đi tiểu hay bị đau ở tầng sinh môn, cơn đau có thể lan tới vùng bìu và cả hậu môn.
- Đau mỗi lần giao hợp, đau tăng nặng đặc biệt khi xuất tinh. Biểu hiện đau thường lan dọc theo đường ống dẫn tinh và lan sang vùng chậu.
- Gặp tình trạng xuất tinh sớm (khoái cảm khi giao hợp chớp nhoáng), đôi khi bị di tinh hoặc rối loạn cương dương.
- Tinh dịch khi xuất không chảy thành dòng như bình thường mà rỉ ra từ từ. Trường hợp bệnh nhân bị viêm túi tinh cấp tính thì sẽ xuất nhiều tinh dịch hơn, nếu bị viêm mạn tính thì số lượng tinh dịch xuất ra giảm.
- Tinh xuất ra có lẫn mủ hoặc máu.
- Bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, ớn lạnh khi bị viêm túi tinh cấp tính.
- Người bệnh đau tầng sinh môn nhưng không bị viêm tiền liệt tuyến, đau mào tinh hoàn nhưng lại không có dấu hiệu viêm mào tinh hoàn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm túi tinh rất đa dạng.
- Tình trạng nhiễm khuẩn ở các vùng lân cận như viêm đường tiểu, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt là những nguyên nhân thường gặp.
- Ít gặp hơn là nguyên nhân từ bệnh lý của các cơ quan khác trên cơ thể như viêm tai giữa, viêm họng, viêm phế quản.
- Ngoài ra, viêm túi tinh cũng có thể xuất hiện sau các thủ thuật của thầy thuốc tại đường tiết niệu gây ra các lỗ dò vào túi tinh.
- Các dị tật bẩm sinh có lỗ đổ nước tiểu sai chỗ, đổ vào túi tinh cũng có thể dẫn tới bệnh lý này.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị viêm túi tinh như:
- Nam giới mắc các bệnh viêm nhiễm tiết niệu, ví dụ như viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo… làm cho viêm nhiễm tái đi tái lại, dẫn đến viêm túi tinh.
- Sinh hoạt tình dục quá nhiều, động tác thô bạo, dùng lực quá mạnh làm cho các mao mạch ở phần túi tinh bị vỡ, các sợi cơ bị co kéo dẫn đến viêm túi tinh.
- Bị nhiễm trùng sau phẫu thuật như đặt sonde tiểu, nội soi tuyến tiền liệt,… tạo thành lỗ rò từ đó vào túi tinh gây nhiễm trùng.
- Người có sức đề kháng yếu cũng có nguy cơ gây viêm túi tinh.
Chẩn đoán
Khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh nam khoa liên quan đến túi tinh, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng bất thường khi đi tiểu, quan hệ. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định làm những xét nghiệm như:
- Xét nghiệm cận lâm sàng: kiểm tra tinh dịch, nếu số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu tăng cao hơn bình thường cần tiến hành những kiểm tra chuyên sâu.
- Siêu âm túi tinh qua đầu dò trực tràng hoặc siêu âm bụng với bàng quang để thấy kích thước túi tinh đang giãn lớn, thành túi dày giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng.
Phòng ngừa bệnh
Nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro bị viêm túi tinh cũng như phòng ngừa bệnh tái phát, các đấng mày râu cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
- Bất kể khi nào quan hệ tình dục cũng đều phải sử dụng biện pháp an toàn.
- Không quan hệ tình dục phóng khoáng cùng lúc với nhiều người hoặc quan hệ với nhiều người trong thời gian ngắn.
- Không nên lạm dụng các động tác thô bạo khi thủ dâm hoặc khi quan hệ với bạn tình để ngăn ngừa khả năng làm tổn thương bộ phận sinh dục.
- Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ để vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập.
- Chế độ dinh dưỡng cần được bổ sung thêm nhiều chất xơ và vitamin để nâng cao sức đề kháng.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao, lối sinh hoạt lành mạnh, khoa học.
- Cần đi kiểm tra sức khỏe bao gồm cả nam khoa định kỳ để sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường mà trên lâm sàng không cảm nhận được. Nếu có triệu chứng bệnh lý cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị như thế nào?
Điều trị nội khoa
- Đây là biện pháp phổ biến trong điều trị bệnh viêm túi tinh ở nam giới thông qua việc dùng thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh đặc hiệu và các loại thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng. Khi áp dụng kháng sinh tốt nhất nên tuân theo kháng sinh đồ và dùng loại có phản ứng tốt với tác nhân gây bệnh. Thông thường cần phải kết hợp giữa nhiều loại kháng sinh khác nhau để điều trị.
- Hiện nay loại kháng sinh được áp dụng phổ biến nhất là Augmentin (Amoxicillin phối hợp Acid clavulanic), Cefotaxim, Gentamycin, Tobramycin. Thường sử dụng liều cao đường tĩnh mạch, điều trị tấn công trong vòng 7 ngày đầu, sau đó có thể chuyển sang sử dụng bằng đường uống liều lượng trung bình từ 10 – 14 ngày.
- Bên cạnh đó, tùy trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng kết hợp với loại thuốc kháng viêm corticoid, dùng trong 7 – 10 ngày theo đường uống.
- Ngoài ra để giúp bệnh nhân giảm thiểu các triệu chứng đau, có thể dùng thêm Paracetamol, dùng loại thuốc chứa spasfon, spasmaverine nhằm giảm đau cơ trơn.
- Nếu bệnh nhân bị viêm túi tinh do vi khuẩn lao thì sẽ áp dụng thuốc theo phác đồ trị lao.
Điều trị ngoại khoa
- Trường hợp nam giới viêm túi tinh đến giai đoạn xuất hiện biến chứng áp xe túi tinh, hoặc không cho hiệu quả sau khi đã điều trị tích cực theo kháng sinh đồ thì cần áp dụng phương án điều trị ngoại khoa, có thể dẫn lưu túi tinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi tinh.
- Một yếu tố khác cần lưu ý tới đó là tình trạng viêm túi tinh thường là hệ quả của viêm tiền liệt tuyến hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Vì thế bệnh nhân cần phải chữa trị dứt điểm các bệnh lý này để không phải chịu đựng các biến chứng lan rộng. Bên cạnh đó khi điều trị bằng kháng sinh cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để kết hợp những loại phù hợp với nguyên nhân gây bệnh.
Hi vọng với bài viết trên giúp các bạn tham khảo chi tiết hơn về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh về bệnh viêm túi tinh.