Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp bàn chân là gì? Những điều cần biết về viêm khớp bàn chân
Viêm khớp bàn chân là một dạng bệnh lý viêm xương khớp thường gặp, phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Căn bệnh này gây ra cảm giác đau đớn khi người bệnh di chuyển, tạo áp lực lên bàn chân. Vậy nguyên nhân, triệu chứng là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm khớp bàn chân là tình trạng viêm khớp xảy ra ở một trong những bộ phận cấu thành khớp bàn chân. Đau, nhức và sưng tấy tại bàn chân là triệu chứng điển hình của bệnh. Nguyên nhân là do khớp chân xảy ra phản ứng viêm, cùng với các mô xung quanh khớp bị kích thích hoặc tổn thương. Điều này sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày bởi cơn đau khớp.
Bàn chân là phần từ mắt cá chân đến đầu ngón chân, được chia làm 2 phần là mu bàn chân và gan bàn chân. Cấu trúc của bàn chân gồm các khớp chinh: khớp cổ chân, khớp dưới sên, khớp cổ – bàn ngón chân.
Bàn chân là một trong những bộ phận quan trọng nhất của chi dưới. Giúp nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể, đồng thời thực hiện các hoạt động cơ bản như đi lại, chạy nhảy, đứng thẳng,… Do vậy, những chấn thương xảy ra ở bàn chân sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng sống của người bệnh.
Viêm khớp ở bàn chân có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phổ biến nhất ở nhóm người cao tuổi. Nói cách khác, người cao tuổi có khả năng mắc bệnh nhiều hơn những đối tượng khác, bởi vì họ đang ở trong thời kỳ lão hóa xương tự nhiên.
Viêm khớp bàn chân không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hay trực tiếp gây ra tình trạng tàn phế. Những triệu chứng ban đầu cũng chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển chứ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý đến việc điều trị bệnh và phục hồi chức năng khớp. Phần lớn viêm khớp ở bàn chân là triệu chứng của một bệnh lý xương khớp khác điển hình như viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp. Bệnh nếu không được điều trị thời gian dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng khớp, suy thoái gân, suy thoái dây chằng,…
Triệu chứng
Tùy vào từng trường hợp đau khớp bàn chân trái hoặc bàn chân phải mà triệu chứng xuất hiện cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Đau khớp bàn chân bên trái
Với tình trạng viêm khớp bàn chân ở bên trái sẽ có các triệu chứng điển hình cụ thể như sau:
- Xuất hiện các cơn đau nhức âm ỉ hoặc nhất thời tại khu vực bàn chân trái.
- Khi vận động, đi lại cơn đau nhức sẽ tăng dần lên và nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vận động.
- Vùng chân bên trái bị sưng đỏ, phù nề, cảm thấy đau nhức, buốt tê tái.
- Tê bì chân trái khiến người bệnh khó có thể đi lại hay đứng thẳng được.
Đau khớp bàn chân bên phải
Với tình trạng viêm khớp bàn chân ở bên phải sẽ có các triệu chứng điển hình cụ thể như sau:
- Xuất hiện các cơn đau ở khu vực bàn chân bên phải.
- Chân phải bị mất sức, yếu cơ và khiến áp lực vận động bị dồn vào chân bên trái.
- Chân luôn ở trong tình trạng buốt, đau nhức và các cơn đau có xu hướng lan dần lên phía trên.
- Chân bị sưng đỏ, phù nề khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đứng lên ngồi xuống, gặp khó khăn khi di chuyển.
Nguyên nhân
Có rất nhiều yếu tố gây bệnh, cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình:
- Do tuổi tác, đặc biệt với tuổi càng cao thì quá trình thoái các khớp xương càng được đẩy nhanh. Cấu trúc và mật độ xương không được bảo đảm sẽ khiến tình trạng sưng, đau xảy ra.
- Do vi khuẩn, nấm tấn công khớp bàn chân gây nên nhiễm khuẩn khớp.
- Chấn thương khớp bàn chân trong quá trình làm việc hay chơi thể thao. Khi chấn thương này không được điều trị đến nơi đến chốn sẽ rất dễ dẫn tới nhiễm trùng. Từ đó người bệnh đau nhức dữ dội và nguy cơ gặp nhiều di chứng về sau.
- Do ảnh hưởng của hiện tượng chèn ép dây thần kinh. Bởi bàn chân tập hợp hệ thống dây thần kinh và dây chằng phức tạp nhất trên cơ thể. Khi đứng hay ngồi quá lâu, đi giày quá chật sẽ tạo một tác động tiêu cực và chèn ép dây thần kinh, gây đau đớn.
- Do ảnh hưởng từ bệnh viêm khớp dạng thấp. Được đánh giá là bệnh mãn tính, có thể xảy ra ở bàn chân và ảnh hưởng tới các khớp cổ chân, gót chân, mũi chân,…
- Người có bàn chân bẹt có nguy cơ bị viêm khớp nhiều hơn. Vì bàn chân bẹt khiến việc di chuyển khó khăn và dễ bị tổn thương. Vì vậy rất dễ dẫn đến viêm nhiễm cơ xương bàn chân.
- Do ảnh hưởng của bệnh gout. Từ hiện tượng tích tụ acid uric trong máu, dẫn tới hệ lụy là đau nhức xương khớp dữ dội, đặc biệt là vùng mắt cá chân.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều người, tuy nhiên ở một vài đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
- Những người cao tuổi xương khớp bị yếu, bị thoái hóa.
- Những người thường xuyên phải đi đứng nhiều, ít thời gian nghỉ ngơi.
- Các cầu thủ bóng đá, vận động viên bóng chuyền, điền kinh,…
- Người thường hay phải mang giày cao gót trong thời gian lâu,…
Chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán viêm khớp vùng bàn chân bắt đầu với chẩn đoán lâm sàng. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đi lại, hoặc thực hiện một số hoạt động co duỗi, gập bàn chân để đánh giá tình trạng cứng khớp. Những hoạt động này để bác sĩ xác định được mức độ viêm sưng, cứng khớp của bàn chân, cùng với các triệu chứng của người bệnh. Từ đó, chỉ định phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng tiếp theo.
Những phương pháp được dùng để chẩn đoán viêm khớp bàn chân gồm:
- Chụp X-quang: Áp dụng khi nghi ngờ người bệnh có hình thành gai xương, quan sát tình trạng sụn khớp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Sử dụng khi bác sĩ cần biết tình trạng của các yếu tố như khớp bàn chân, dây chằng, sụn, gân, mô mềm quanh vị trí viêm.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp được chỉ định thêm cho những ca bị viêm khớp vùng bàn chân do bệnh gout, các bệnh tự miễn khác…
Phòng ngừa bệnh
Phòng tránh viêm khớp bàn chân tương đối đơn giản nhưng cho hiệu quả cao. Bởi vì phần lớn các trường hợp khớp bị viêm xảy ra là do triệu chứng của một bệnh lý khác. Vì vậy, chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học là chìa khóa để phòng tránh bệnh.
Duy trì lối sống khỏe mạnh, quản lý tốt sức khỏe cơ thể cũng giúp kiểm soát cân nặng ở mức lý tưởng, tránh nguy cơ bị thừa cân béo phì. Từ đó, giảm bớt rủi ro bị viêm khớp bàn chân do thừa cân béo phì.
Những hoạt động cụ thể giúp phòng tránh viêm khớp bàn chân có thể tham khảo:
- Chú ý tư thế, hạn chế sai tư thế trong vận động, thể dục thể thao chuyên nghiệp để không bị chấn thương ngoài ý muốn
- Hạn chế tai nạn trong lao động bằng cách ưu tiên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi mang vác nặng. Nếu không có dụng cụ hỗ trợ, hãy đảm bảo quá trình lấy vật nặng và mang vác đúng tư thế, hạn chế chấn thương đột ngột.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe cơ xương khớp
- Tăng cường vận động trong ngày để duy trì độ linh hoạt của các khớp xương, tránh để cơ thể quá trì trệ
- Có một chế độ ăn đa dạng nguồn thực phẩm, cân bằng các nhóm chất. Ưu tiên thức ăn tự chế biến để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Điều trị như thế nào?
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp bàn chân bao gồm:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống trầm cảm: Nếu cơn đau khớp làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ và giảm đau;
- Thuốc corticoid: Thuốc corticoid được sử dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân nặng hoặc có liên quan tới rối loạn miễn dịch, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến,… Thuốc corticoid có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, hạn chế đau do viêm khớp và giảm phản ứng viêm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà thuốc được sử dụng bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch;
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm như hydroxychloroquine và methotrexate thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm có khả năng làm giảm những rối loạn của hệ thống miễn dịch, hạn chế viêm tiến triển và ngăn ngừa phá hủy khớp;
- Thuốc sinh học: Thuốc sinh học sẽ được kết hợp sử dụng với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm nhằm tăng hiệu quả kháng viêm và ngăn phá hủy khớp. Thuốc sinh học có tác dụng điều chỉnh gen và những bất thường trong hệ thống miễn dịch;
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng trong những trường hợp bị viêm khớp bàn chân nhiễm trùng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng với hoạt chất và liều lượng khác nhau. Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn nhưng không thể giúp giảm sưng hay giảm đau. Vì vậy, một loại thuốc khác sẽ được kết hợp sử dụng.
Vật lý trị liệu điều trị viêm khớp bàn chân
Vật lý trị liệu là phương pháp nhằm hỗ trợ giảm đau, giảm viêm và cải thiện khả năng vận động. Bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân sẽ được hướng dẫn vật lý trị liệu với những bài tập đơn giản hoặc áp dụng những liệu pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu,…
Vật lý trị liệu có tác dụng làm dịu cảm giác đau khớp bàn chân và hỗ trợ giảm viêm sưng khớp, hạn chế cứng khớp, đồng thời cải thiện chức năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tăng cường sức cơ duy trì sức khỏe của hệ cơ xương khớp.
Nghỉ ngơi và liệu pháp thay thế
Viêm khớp bàn chân ở một số trường hợp người bệnh cần được nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp, đồng thời sử dụng những liệu pháp thay thế bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Đối với những trường hợp bị viêm sưng hoặc đau khớp bàn chân, bệnh nhân nên nằm nghỉ tránh vận động và đi lại nhiều. Việc nghỉ ngơi có thể giảm áp lực lên các khớp và mô mềm giúp xoa dịu cơn đau nhức. Đồng thời hạn chế tối đa các tổn thương tiến triển. Khi nghỉ ngơi nên đặt chân cao hơn tim để giảm đỏ và sưng khớp. Ngoài ra, có thể sử dụng nẹp cố định khớp để hạn chế phát sinh cơn đau.
- Xoa bóp: Chỉ xoa bóp nhẹ nhàng ở các ngón chân và lòng bàn chân. Biện pháp này giúp điều hòa khí huyết, giảm cứng và đau khớp. Ngoài ra, xoa bóp nhẹ nhàng còn giúp hạn chế căng cứng cơ và tăng tính linh hoạt cho bàn chân.
- Châm cứu: châm cứu có khả năng giảm đau cho bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân. Biện pháp này sử dụng những cây kim nhỏ châm vào một số huyệt. Mặc dù châm cứu mang lại hiệu quả cao nhưng cần sử được thực hiện bởi những người có chuyên môn.
Phẫu thuật điều trị viêm khớp bàn chân
Phẫu thuật trong điều trị viêm khớp bàn chân được chỉ định cho những trường hợp nặng có kèm theo những điều kiện sau:
- Thất bại trong điều trị bảo tồn.
- Khớp bàn chân bị phá hủy và không thể hồi phục.
Tùy thuộc và tình trạng của người bệnh được phẫu thuật loại bỏ một phần khớp hoặc thay khớp nhân tạo.
Hi vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp bàn chân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.