Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm gân tứ đầu đùi thường ít phổ biến hơn so với tình trạng viêm gân bánh chè, là hậu quả của việc hoạt động quá tải lặp đi lặp lại từ nhiều tuần đến nhiều tháng, khiến gân không đủ thời gian hồi phục. Vậy viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Gân cơ tứ đầu đùi xuất phát từ điểm nối cơ của cơ thẳng đùi (rectus femoris), cơ rộng ngoài (vastus lateralis), cơ rộng trong (vastus medialis), cơ rộng giữa (vastus intermedius) đến bám vào cực trên của xương bánh chè. Gân gồm nhiều lớp, kết hợp với gân và xương bánh chè để tạo thành cơ chế duỗi cẳng chân. Cơ nhận chi phối thần kinh và máu nuôi từ thần kinh và động mạch đùi.
Các cơ rộng ngoài, rộng giữa, rộng trong có chức năng duỗi gối cũng như ổn định chuyển động xương bánh chè.
Cơ rộng ngoài là cơ lớn nhất trong bốn cơ, khi co sẽ kéo xương bánh chè hướng ra ngoài, lực kéo này được cân bằng bởi cơ rộng trong (cơ nhỏ nhất trong các cơ, kéo xương bánh chè theo hướng ngược lại. Hoạt động của cơ rộng giữa giúp làm vững xương bánh chè vào chính giữa trên hành trình di chuyển của nó. Khi các cơ này co đồng thời với nhau sẽ tạo nên động tác duỗi cẳng chân. Cơ thẳng đùi còn góp phần vào động tác gấp háng.
Mức độ tổn thương gân tứ đầu sẽ quyết định mức độ hạn chế động tác duỗi gối, những tổn thương nhỏ chỉ ảnh hưởng không đáng kể, nhưng đứt gân hoàn toàn sẽ làm mất chức năng duỗi.
Viêm gân tứ đầu đùi hay bệnh gân tứ đầu là tình trạng gân tứ đầu bị tổn thương do quá tải, thường là hậu quả của việc chịu tải lặp đi lặp lại trên hệ thống duỗi, có thể xảy ra ở cả vận động viên cũng như người không chơi thể thao. Cụ thể, do đáp ứng lành gân không đầy đủ, các tác động bên ngoài theo thời gian dần gây ra những biến đổi về cấu trúc, gây thoái hóa gân. Nếu tình trạng viêm không được điều trị kịp thời, hậu quả sau cùng sẽ là vôi hóa gân, rách bán phần hoặc rách hoàn toàn gân tứ đầu.
Triệu chứng
Viêm gân cơ tứ đầu gây đau ở phía trước đầu gối, ngay phía trên xương bánh chè. Thông thường, cơn đau âm ỉ và tăng dần theo thời gian.
Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi ngồi quá lâu hoặc nhảy, ngồi xổm và chạy.
Ở một số người, cơn đau có thể biến mất trong khi hoạt động và quay trở lại khi ngừng chuyển động.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Cứng khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Sưng khớp.
- Đau nhức.
- Yếu.
- Khả năng vận động kém.
Nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh viêm gân tứ đầu đùi là hoạt động quá mức lặp đi lặp lại, khiến gân không đủ thời gian hồi phục, có thể xảy ra trong các trường hợp điển hình như: Các hoạt động thể thao, lao động; chấn thương, nhảy bật, tiếp đất trên bề mặt cứng; tăng cường độ hoạt động thể chất một cách đột ngột; tập luyện sai tư thế.
Đối tượng nguy cơ
- Tuổi tác: Quá trình lão hoá làm gân trở nên kém linh hoạt và mất nhiều thời gian phục hồi hơn.
- Cân nặng: Béo phì làm gân phải chịu nhiều áp lực hơn.
- Bệnh mạn tính, các rối loạn chuyển hóa như: lupus ban đỏ, tiểu đường… làm giảm tưới máu gân, yếu gân và tăng nguy cơ tổn thương.
- Trục chi: Khi trục chi không thẳng, một chân sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn. Sự mất cân bằng cơ cũng đưa đến tác động tương tự.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán viêm gân cơ tứ đầu đùi. Có thể bao gồm:
- Khám sức khỏe: Khi đến khám, bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan đầu gối và các vùng xung quanh. Họ sẽ kiểm tra xem có đau, sưng và đau không.
- Tiền sử bệnh: Điều này giúp bác sĩ hiểu được nguyên nhân gây ra chấn thương.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bạn có thể cần chụp MRI hoặc siêu âm. Các xét nghiệm này sẽ chụp ảnh chi tiết gân đầu gối của bạn.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp hữu ích giúp phòng ngừa hiệu quả tình trạng viêm gân cơ tứ đầu đùi bao gồm:
- Luyện tập thể dục, thể thao đúng kỹ thuật để tránh chấn thương.
- Luôn khởi động kỹ trước khi luyện tập thể dục thể thao.
- Mang giày dép có kích thước vừa vặn, phù hợp với từng bộ môn để giúp hỗ trợ tốt cho bàn chân, mắt cá chân, tránh gây áp lực lên vùng đầu gối.
Điều trị như thế nào?
Sau khi xác định được mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bác sĩ sẽ đưa ra một số chỉ định phổ biến:
Điều trị không phẫu thuật:
- Chủ yếu là điều trị bảo tồn, tạm ngưng hoặc điều chỉnh các hoạt động gây đau, phục hồi chức năng bằng các bài tập kháng lực có kiểm soát trong 6 – 12 tuần. Tập phục hồi chức năng cần kéo dài cho đến 6 -12 tháng ngay cả khi có sự cải thiện.
- Chườm đá, băng gối, đai cố định bánh chè nitroglycerin tại chỗ là những điều trị hỗ trợ nếu tập luyện đơn thuần không hiệu quả. Bác sĩ có thể dùng một đợt kháng viêm đường uống hoặc tại chỗ.
Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp viêm gân tứ đầu đùi đều điều trị thành công không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu đã người bệnh thực hiện một chương trình tập luyện được thiết kế tốt, phối hợp các các biện pháp hỗ trợ khác mà vẫn không có sự cải thiện triệu chứng cũng như chức năng sau 6 – 12 tháng thì bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Hy vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm gân tứ đầu đùi.